Chính phủ Mỹ sẽ một lần nữa lại "đóng cửa", bắt đầu từ 0h ngày 22/12. Dù vậy, điều này không có nghĩa là nước Mỹ sẽ trở nên vô chính phủ hay không còn được bảo vệ. Đóng cửa chính phủ tại Mỹ chỉ ảnh hưởng tới một số cơ quan nhất định trong khi chức năng của chính phủ hầu như vẫn được duy trì nguyên vẹn để bảo đảm tối đa an toàn của hàng trăm triệu người dân.
Trông một video đăng trên Twitter tối 21/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông hy vọng lần đóng cửa này sẽ "không kéo dài lâu", trái ngược với lời đe dọa không lâu trước đó của ông.
Đây là lần thứ ba chính phủ Mỹ đóng cửa trong năm nay sau lần đóng cửa 3 ngày hồi tháng 1 và lần đóng cửa "chớp nhoáng" hồi tháng 2.
Vì sao chính phủ đóng cửa?
Cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới, quốc hội Mỹ, gồm thượng viện và hạ viện, là cơ quan quyết định ngân sách phục vụ hoạt động của chính phủ.
Tối 21/12, Hạ viện Mỹ quyết định ngừng họp trong khi Thượng viện Mỹ sẽ chưa bỏ phiếu về dự luật ngân sách để duy trì chính quyền liên bang trước thời hạn nửa đêm. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ sẽ không có ngân sách hoạt động và phải tạm thời đóng cửa.
Tòa nhà quốc hội Mỹ trong đêm 21/12 trước khi chính phủ liên bang đóng cửa. Ảnh: AFP. |
Trước đó, dự luật ngân sách này đã được Hạ viện Mỹ thông qua với kết quả 217 phiếu thuận và 185 phiếu chống. Tại Thượng viện, dự luật cần ít nhất 60 phiếu thuận để được thông qua. Hiện tại, đảng Cộng hòa nắm 51 trong tổng số 100 ghế tại thượng viện.
Hiện không rõ tình trạng đóng cửa sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, viễn cảnh có thể trở nên tồi tệ hơn khi hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ sẽ buộc phải nghỉ phép hoặc làm không lương trong lúc Giáng sinh đang cận kề.
Bất đồng về dự luật ngân sách mới chủ yếu xoay quanh khoản chi 5,7 tỷ USD cho việc bức tường biên giới với Mexico. Phe Dân chủ quyết liệt phản đối việc xây dựng bức tường mà Tổng thống Trump cho là sẽ giúp ngăn chặn di dân vào Mỹ bất hợp pháp.
Trước khi Hạ viện quyết định ngừng họp tối 21/12 khiến việc đóng cửa chính phủ chắc chắn xảy ra, ông Trump cảnh báo chính phủ có thể sẽ phải ngừng hoạt động "rất lâu" và quy trách nhiệm này cho đảng Dân chủ.
"Nếu đảng Dân chủ bỏ phiếu chống (dự luật ngân sách), chính phủ sẽ đóng cửa trong một thời gian rất dài", ông viết trên Twitter cá nhân.
Chỉ chính phủ liên bang bị ảnh hưởng
Hệ thống quyền lực tại Mỹ chia thành chính phủ liên bang và chính quyền của 50 tiểu bang. Mỗi bang có chính quyền gần như tương tự một quốc gia độc lập với cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp và ngân sách riêng.
Do vậy, dẫu chính phủ liên bang bị đóng cửa, chính quyền các tiểu bang vẫn tiếp tục hoạt động, duy trì trật tự và luật pháp tại cả 50 bang như thường lệ.
Chỉ đóng cửa một phần
Dù gọi là đóng cửa, phần lớn cơ quan của chính phủ liên bang vẫn hoạt động bình thường. Theo BBC, các cơ quan dừng hoạt động gồm Bộ An ninh nội địa, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tư pháp, lực lượng quản lý các vườn quốc gia...
Theo ước tính, khoảng 800.000 nhân viên công vụ sẽ phải nghỉ việc tạm thời hoặc làm việc trong tình trạng không được trả lương. Trong quá khứ, những người bị ảnh hưởng luôn được trả lương bù sau khi gói ngân sách mới được thông qua.
Tuy nhiên, tổng thống và các nghị sĩ của lưỡng viện quốc hội Mỹ vẫn sẽ được trả lương trong thời gian chính phủ đóng cửa. Nghịch lý này tồn tại do hiến pháp Mỹ quy định những người này sẽ luôn nhận được lương, thậm chí lương không bị giảm, trong suốt thời gian tại nhiệm.
Một cây cầu tại San Francisco dừng hoạt động do chính phủ Mỹ đóng cửa hồi đầu năm 2018. Ảnh: Mercury News. |
Tuy nhiên, không phải tất cả nghị sĩ đều vui vẻ với đặc quyền mà họ được hưởng. Hồi đầu năm, một số thành viên quốc hội Mỹ đã yêu cầu chuyển lương họ nhận được trong thời gian chính phủ đóng cửa cho các tổ chức từ thiện.
"Tôi thấy thật không phải nếu mình được trả lương trong khi chính phủ đóng cửa, các dịch vụ cần thiết và quan trọng bị hạn chế hoặc tạm dừng. Đây là lúc chúng ta phải có trách nhiệm và cùng đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng để cung cấp ngân sách cho chính phủ", Hạ nghị sĩ John Delaney nói hôm 21/1.
An ninh vẫn được bảo đảm
Chính phủ liên bang đóng cửa không có nghĩa việc bảo đảm an ninh tại Mỹ bị ảnh hưởng. Các cơ quan kiểm soát biên giới, hải quan, an ninh sân bay, kiểm soát không lưu, Cục Điều tra Liên bang (FBI)... vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Việc đóng cửa chính phủ sẽ phần nào cản trở các hoạt động duy trì, huấn luyện và tình báo của quân đội Mỹ do nhân lực thuộc khối dân sự nằm trong diện bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự tại nước ngoài của quân đội Mỹ sẽ không bị xáo trộn.
Tổng thống Trump nói ông hy vọng tình trạng đóng cửa lần này sẽ không kéo dài lâu. Ảnh: AFP. |
Đóng cửa không giúp tiết kiệm ngân sách
Guardian dẫn một báo cáo của hãng phân tích S&P Global vào tháng 12/2017 cho biết một lần đóng cửa sẽ làm tổn thất của chính phủ Mỹ khoản 6,5 tỷ USD/tuần. Phân tích này dựa trên tổn thất của các lần đóng cửa trước kèm dự đoán về thiệt hại cho nền kinh tế.
"Một sự gián đoạn trong chi tiêu chính phủ đồng nghĩa với việc không có khoản chi trả nào cho tiêu dùng, các nhà cung cấp dịch vụ từ khối tư nhân mất công ăn việc làm và doanh thu, các cửa hàng bán lẻ không bán được hàng, đặc biệt là những người có liên hệ với các vườn quốc gia bị đóng cửa, và thất thu thuế cho đất nước", Guardian dẫn báo cáo. "Điều này cũng có nghĩa là nền kinh tế ít hoạt động và ít công ăn việc làm hơn".
Gần 1 triệu người sẽ không nhận được các khoản chi trả định kỳ khi việc đóng cửa chính phủ xảy ra. Trong các lần đóng cửa trước, viên chức được trả lương bù sau đó, nhưng việc này thường bị chậm trễ.
Chuyện không xa lạ tại Mỹ
Chính phủ Mỹ không xa lạ với việc bị đóng cửa. Từ năm 1981 đến nay, nước Mỹ đã trải qua 13 lần chính phủ phải đóng cửa và dịp đóng cửa này của chính quyền Tổng thống Trump là lần thứ 14. Đợt đóng cửa dài nhất xảy ra trong nhiệm kỳ cựu tổng thống Bill Clinton với thời gian 21 ngày, từ tháng 12/1995 đến tháng 1/1996.
Hồi tháng 1, chính phủ Tổng thống Trump phải đóng cửa 3 ngày khi Thượng viện Mỹ không thể thông qua gói ngân sách. Đảng Dân chủ khi đó muốn ép tổng thống và phe Cộng hòa tìm một giải pháp cho chương trình DACA của cựu tổng thống Barack Obama. Đây là chương trình bảo vệ những người nhập cư bất hợp pháp được đưa vào Mỹ từ khi còn nhỏ nhưng đã bị Tổng thống Trump cho ngưng hiệu lực.
Tình trạng đóng cửa chính phủ chỉ chấm dứt sau khi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cam kết sẽ làm việc lại với phe Dân chủ về DACA.
Hôm 9/2, chính phủ lại tiếp tục đóng cửa vì bất đồng về dự luật ngân sách, nhưng lần này chỉ kéo dài 5 tiếng rưỡi.