Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong (Kim Tượng) lần thứ 40 sẽ được tổ chức vào ngày 17/7.
Trước thềm lễ trao giải, đạo diễn Nhĩ Đông Thăng - Chủ tịch giải Kim Tượng - có cuộc phỏng vấn với South China Morning Post về tương lai của giải thưởng cũng như nền điện ảnh xứ Cảng thơm.
Số lượng phim tranh giải ngày càng giảm
Lần đầu tiên trong lịch sử, ban tổ chức Kim Tượng cho phép tất cả phim địa phương đã ra mắt trong vòng hai năm tham gia tranh giải cùng một mùa.
Sự thay đổi này, theo ông Thăng giải thích là do đại dịch. Năm 2020 chỉ 28 phim ra mắt, số lượng cực ít cho việc tổ chức lễ trao giải. Vào thời kỳ đỉnh cao, điện ảnh Hong Kong có hơn 300 phim tranh giải trong năm, sự cạnh tranh từng rất khốc liệt.
Thêm vào đó, ban tổ chức không tìm thấy địa điểm phù hợp. Nơi thường được chọn làm lễ trao giải ở trung tâm văn hóa Hong Kong (Tiêm Sa Chủy) từng có người sử dụng hơi cay vào năm 2019 khiến ông lo lắng cho sự an toàn của các diễn viên, khách mời.
Kim Tượng là tổ chức phi lợi nhuận, được chính phủ trợ cấp một phần và mỗi mùa giải tiêu tốn hơn 10 triệu HKD (1,3 triệu USD). Do đó, ông cần nhiều thời gian để cân nhắc và cuối cùng quyết định hoãn buổi lễ năm 2021, kết hợp với năm nay.
Đạo diễn 65 tuổi cho biết nhiều tác phẩm kinh phí lớn là sự hợp tác giữa Hong Kong - Trung Quốc, nguồn thu chính đến từ hệ thống rạp Trung Quốc. Bởi vậy, các nhà sản xuất vẫn ngồi yên chờ rạp Trung Quốc mở cửa sau đại dịch và chẳng thèm phát hành phim ở Hong Kong.
Bởi nếu bỏ qua thị trường tiềm năng số một này, họ sẽ phải rất chật vật trong việc thu hồi vốn. Nhiều phim Hong Kong chịu cảnh "đắp chiếu" cũng vì nguyên nhân trên.
"Tôi lo lắng mùa giải tiếp theo bị thiếu số lượng phim. Vì sử dụng kinh phí công, tôi phải đặt câu hỏi liệu có nên tổ chức buổi lễ lớn hay không nếu có quá ít phim tham gia tranh giải?", ông nói.
Ảnh đế Huỳnh Thu Sinh và Ảnh hậu Tằng Mỹ Huệ Tư tại giải Kim Tượng lần thứ 38 (2019). Đây là lần gần nhất các hạng mục của giải thưởng được trao trước khán giả theo dõi trực tiếp. Ảnh: Sam Tsang. |
Tới năm sau, nếu số lượng phim tranh giải không nhiều, đạo diễn Thăng sẽ cân nhắc tổ chức giải Kim Tượng theo hình thức khác, ví dụ một buổi tiệc. Bằng cách đó, ban tổ chức tiết kiệm kha khá chi phí sản xuất.
Hiện nay có nhiều nhà làm phim di cư sang nơi khác khiến số lượng phim nội địa giảm xuống. Trong tương lai, việc sản phẩm của họ có được công nhận là "phim Hong Kong" ở Kim Tượng hay không vẫn là thắc mắc của nhiều người.
Ở vai trò Chủ tịch lễ trao giải, ông Thăng nhấn mạnh Kim Tượng phục vụ cho ngành công nghiệp điện ảnh. Ban tổ chức không kiểm soát số lượng hoặc nội dung phim (đã qua kiểm duyệt).
"Di cư là quyết định cá nhân. Có nhiều lý do khác nhau cho việc này, trong đó nhiều người muốn con cái họ được giáo dục trong môi trường toàn diện hơn. Về việc các phim sắp tới của họ có thể chiếu ở Hong Kong hay không, điều đó phụ thuộc vào hệ thống kiểm duyệt hiện hành của thành phố", ông phân tích.
Tương lai của Kim Tượng
Thị trường trực tuyến lên ngôi thu hút các nhà đầu tư toàn cầu nhảy vào rót vốn. Các lễ trao giải phim ảnh lớn nhỏ cũng lần lượt thêm "Phim trực tuyến xuất sắc" vào danh sách đề cử.
Nhưng ở Kim Tượng, sản phẩm trực tuyến chưa được công nhận. Ngay cả phim chiếu đồng thời trên nền tảng trực tuyến và ngoài rạp, hoặc tác phẩm đã tranh giải ở những liên hoan phim lớn khác (như Cannes), cũng không được cân nhắc đưa vào hạng mục chính.
Với ban tổ chức giải Kim Tượng, khái niệm "trực tuyến" là một cái gì đó mới mẻ. Họ hiện không tìm thấy điều mới mẻ ấy.
Phim tài liệu có lẽ mang tương lai tươi sáng hơn khi ông Thăng liên tục nhắc tới thể loại phim kén khán giả này.
"Khoảng 90% nhà làm phim tôi đã nói chuyện đồng ý rằng Kim Tượng nên mở hạng mục Phim tài liệu hay nhất, miễn là chúng ta đáp ứng được số lượng phim tài liệu nhất định trong một năm nhất định", ông cho biết.
Hầu hết phim tài liệu Hong Kong nổi tiếng nhất trong thời gian gần đây đều tập trung vào vấn đề xã hội và chính trị - những phim mà khán giả không được xem trong rạp, hay nói rộng ra là tại Kim Tượng. Tuy nhiên, ông Thăng không cho rằng quyết định đề xuất hạng mục phim này là bất khả thi.
Chủ tịch Kim Tượng lý giải: "Sau khi vượt qua kiểm duyệt, các phim phải được giới thiệu công khai và cân nhắc nội dung có phù hợp với Kim Tượng hay không. Nhiều thành viên của ban tổ chức từng là đạo diễn phim tài liệu nên họ có kinh nghiệm, hiểu biết trong việc chọn lựa tác phẩm vào danh sách đề cử".
Nhĩ Đông Thăng (đứng giữa) chụp ảnh cùng khoảng 30 diễn viên trẻ ở lễ giới thiệu giải Kim Tượng lần thứ 38. Ảnh: Nora Tam. |
Mặc dù Kim Tượng rất gần với khán giả Hong Kong, nó không hoàn toàn chỉ phục vụ cho riêng họ. Đây lễ trao giải cho ngành điện ảnh, nhằm ghi nhận những thành tích tốt của các đồng nghiệp trong năm vừa qua. Đạo diễn Thăng đánh giá phim từ góc độ chuyên môn.
Ngày càng có nhiều nhà làm phim Hong Kong trẻ tuổi xuất hiện, đồng nghĩa lượng khán giả trẻ cũng tăng lên. Drifting và I'm Livin' It là hai phim của đạo diễn trẻ, không thắng giải nhưng vẫn được gọi tên vào những đề cử lớn.
Theo SCMP, ông Thăng sắp bước sang năm thứ 7 ngồi ghế chủ tịch của giải thưởng điện ảnh lớn nhất Hong Kong. Thời gian qua không hề dễ dàng đối với đạo diễn gạo cội. Ở vị trí của mình, ông đã cố gắng hết mức để cân bằng lợi ích của các bên, nhưng đôi khi mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát.
Trước câu hỏi về dự định nghỉ hưu, ông Thăng đáp: "Có lẽ vào năm 2024. Đến năm 2025, tôi đã làm trong ngành điện ảnh được 50 năm, và tôi nghĩ đó là lúc tôi nên sống chậm lại. Tất nhiên, tôi không dừng mọi thứ cùng lúc, song tôi đã bắt đầu lùi lại từng bước một".