Vào ngày 1/1/2020, thế giới đón một thập kỷ mới với các buổi tiệc và những màn pháo hoa hoành tráng. Ít ai có thể ngờ được năm 2020 lại chứng kiến nhiều thay đổi như vậy.
Trong chưa đầy một năm, dịch Covid-19 đã trở thành một thảm họa mang tính chất toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến bức tranh kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn thế giới.
"Trải nghiệm duy nhất của một đời người"
Sten Vermund, nhà dịch tễ học truyền nhiễm và hiệu trưởng Trường Y tế công thuộc Đại học Yale bình luận rằng dịch Covid-19 là "trải nghiệm duy nhất của một đời người của mỗi cư dân trên Trái Đất".
Vào ngày 31/12/2019, chính phủ Trung Quốc công bố 27 trường hợp "viêm phổi do virus không rõ nguồn gốc" tại thành phố Vũ Hán.
Ngày hôm sau, tức 1/1/2020, nhà chức trách lặng lẽ đóng cửa chợ hải sản có liên quan đến những ca bệnh trên. Vào ngày 7/1, các quan chức Trung Quốc thông báo họ đã xác định được loại virus mới với tên gọi 2019-nCoV.
Một người đàn ông tử vong trên đường phố Vũ Hán trong thời gian thành phố này bị phong tỏa. Nguyên nhân cái chết của ông chưa được làm rõ, song hình ảnh này được xem là đại diện cho thảm họa Covid-19 tại đây. Ảnh: AFP. |
Ngày 11/1, ca tử vong đầu tiên tại Vũ Hán được công bố, và chỉ trong vòng ít ngày sau, các ca nhiễm xuất hiện ở cả châu Á, Pháp và Mỹ.
Và đến nay, gần một năm sau ca tử vong đầu tiên, thế giới đã ghi nhận thêm hơn 1,7 triệu ca tử vong, và hơn 80 triệu ca mắc Covid-19.
"Tôi đã đến cổng địa ngục và quay lại. Tôi đã thấy những người khác không thể hồi phục và qua đời. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tôi", Wan Chunhui, một người Trung Quốc sống sót sau 17 ngày nằm viện cho biết.
Phong tỏa và cách ly
Vào cuối tháng 1, các quốc gia đều thực hiện việc sơ tán công dân nước mình ra khỏi Trung Quốc. Biên giới các nước dần được đóng lại, và hơn 50 triệu người tại tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán, bắt đầu bị phong tỏa nhằm cách ly.
Không lâu sau đó, vào ngày 4/2, 10 ca mắc Covid-19 được ghi nhận trên du thuyền Diamond Princess. Con tàu phải cách ly ngoài khơi cảng Yokohama cùng với 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn.
Đây được xem là một biểu tượng tiêu biểu cho sự kinh hoàng và ngột ngạt của việc cách ly, khi hành khách và thủy thủ đoàn bị mắc kẹt và không được phép vào bờ.
Báo giới đứng bên ngoài tàu Diamond Princess. Ảnh: Getty Images. |
Dịch bệnh nhanh chóng lan ra toàn thế giới, khi vào ngày 15/2, Pháp ghi nhận ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Á. Trong khi đó, miền Bắc Italy trở thành tâm điểm, khi số lượng người mắc bệnh tăng nhanh kỷ lục.
Đường phố của các thành phố lớn nay trở nên tĩnh lặng một cách kỳ lạ, song tiếng còi xe cứu thương vẫn vang lên đều đặn như một lời nhắc nhở rằng cái chết luôn cận kề.
Italy trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu ban bố lệnh phong tỏa, theo sau đó là Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Mỹ cũng đóng cửa biên giới với "lục địa già" nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Vào giữa tháng 4, gần 4 tỷ người - hay một nửa nhân loại - đã bị phong tỏa và cách ly. Đường phố của các thành phố lớn nay trở nên tĩnh lặng một cách kỳ lạ, song tiếng còi xe cứu thương vẫn vang lên đều đặn như một lời nhắc nhở rằng cái chết luôn cận kề.
Ở Tây Ban Nha, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đến mức trẻ em cũng không được ra khỏi nhà.
Bỗng nhiên, con người bị mắc kẹt trong chính căn hộ của mình trong nhiều tuần.
"Thảm họa toàn diện"
Trong bối cảnh đó, sự bất hợp lý trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị phơi bày. Tại các siêu thị, người dân hoảng sợ vét sạch lượng lớn hàng hóa thiết yếu, để lại những dãy kệ trống. Các bệnh viện phải vật lộn khi phòng chăm sóc đặc biệt luôn quá tải, trong khi các nhân viên y tế phải làm việc quá sức và không có trang bị bảo hộ cá nhân.
Ở New York, thành phố có nhiều tỷ phú nhất thế giới, các bác sĩ lại phải sử dụng túi rác làm đồ bảo hộ. Công viên Trung tâm trở thành bệnh viện dã chiến, còn đảo Hart trở thành mộ chôn tập thể những người tử vong.
Công nhân chôn cất những người mất do dịch Covid-19 trên đảo Hart, New York. Ảnh: AP. |
"Đây không còn là một tình trạng khẩn cấp, đây là một thảm họa toàn diện", Thị trưởng Virgilio Neto (thành phố Manaus, Brazil) cho biết.
Số lượng ca tử vong quá lớn khiến cho thi thể chất chồng trong các xe tải đông lạnh, và chính quyền nhiều nơi phải sử dụng máy đào để đào các ngôi mộ tập thể.
Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề khi phần lớn các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh, bao gồm các cửa hàng, cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống và giải trí phải đóng cửa.
Nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp khi doanh nghiệp ngừng hoạt động. Ở Mỹ, trong tháng 5, đại dịch đã đánh bay 20 triệu việc làm. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo đại dịch Covid-19 và sự suy thoái kinh tế toàn cầu có thể đẩy 150 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2021.
Bên cạnh đó, đại dịch còn khiến sự bất bình đẳng trong xã hội trở nên rõ ràng hơn bao giờ. Số vụ bạo hành tăng vọt khi mọi người chỉ có thể ở nhà, và các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng vậy. Trong khi người giàu tránh dịch tại những dinh thự sang trọng ở ngoại ô, những người có thu nhập thấp bị kẹt lại và không có đủ tiền để mua nhu yếu phẩm.
Bởi vậy, con người dễ trở nên thịnh nộ và đổ ra đường.
Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, song cũng là nơi có nhiều mâu thuẫn xã hội âm ỉ. Chính đại dịch đã đẩy những mâu thuẫn này đến cực độ, và việc người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát giết hại nhanh chóng trở thành giọt nước làm tràn ly.
Một người biểu tình bắt tay với cảnh sát trong cuộc biểu tình yêu cầu công lý trong cái chết của George Floyd. Ảnh: AP. |
Song, những người giàu và quyền lực cũng không tránh được đại dịch. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều được xác nhận dương tính với virus.
Nhiều nhân vật nổi tiếng khác cũng gia nhập danh sách những người mắc Covid-19 như ngôi sao điện ảnh Tom Hanks, cầu thủ Christiano Ronaldo, tay vợt Novak Djokovic và Thái tử Anh Charles.
Cuộc đua vaccine
Khi năm 2020 sắp kết thúc, cả thế giới lại đang bước vào một cuộc đua mới: mua sắm vaccine và tiêm chủng.
Vào tháng 12, Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên phê duyệt vaccine Covid-19 và bắt đầu quá trình tiêm chủng. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng triển khai tiêm chủng sau đó không lâu.
Song, việc mua sắm vaccine cũng thể hiện sự bất bình đẳng ngày càng lớn trên thế giới. Trong khi các nước giàu nhanh chóng mua những lô vaccine đầu tiên nhằm tích trữ, những nước nghèo dự kiến khó có thể thực hiện tiêm chủng trước cuối năm 2021.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đang được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Báo Business Insider trích nghiên cứu của tổ chức People’s Vaccine Alliance cho thấy các quốc gia giàu có đã mua tới 53% lượng vaccine được sản xuất, trong khi chỉ chiếm 14% dân số thế giới.
Điều này tương đương với việc các nước giàu đã tích trữ lượng vaccine gấp ba lần dân số của họ. Canada là quốc gia dẫn đầu, với số lượng vaccine gấp 5 lần dân số.
Ở chiều ngược lại, 67 quốc gia nghèo nhất thế giới chỉ có đủ vaccine để tiêm cho 10% dân số.
Vaccine cũng được dự đoán là công cụ để Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của mình, khi họ có thể cung cấp vaccine với giá thấp hơn các loại vaccine phương Tây.
Thế giới thay đổi
Đại dịch Covid-19 chắc chắn đã, đang và sẽ tạo ra nhiều thay đổi trên thế giới. Song, di sản của đại dịch lớn đến đâu và lâu dài đến đâu vẫn còn nhiều tranh cãi.
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc miễn dịch cộng đồng sẽ cần nhiều năm, trong bối cảnh các nước nghèo khó tiếp cận với vaccine hơn và làn sóng chống tiêm chủng (anti-vax) lan rộng tại nhiều nước. Một số khác lại đưa ra tiên đoán khách quan hơn, cho rằng cuộc sống sẽ quay lại bình thường vào giữa năm sau.
Đại dịch Covid-19 như một cơn sóng lớn đánh vào chúng ta, song theo sau nó là cơn sóng thần suy thoái và biến đổi khí hậu
Đại dịch cũng khiến cho các quốc gia phải xem lại hệ thống y tế và chuỗi cung ứng của chính họ. Vai trò của các nhà sản xuất trong nước sẽ càng ngày càng tăng, khi các nước nhận ra mình dễ tổn thương ra sao nếu lệ thuộc quá nhiều vào các quốc gia khác.
Nền kinh tế toàn cầu cũng chịu tác động nặng nề. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng suy thoái kinh tế do dịch Covid-19 sẽ còn tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Đại dịch Covid-19 như một cơn sóng lớn đánh vào chúng ta, song theo sau nó là cơn sóng thần suy thoái và biến đổi khí hậu. Ảnh: Graeme MacKay. |
Trên hết, đại dịch này còn là một hồi chuông cảnh báo về những thảm họa chết chóc và thách thức hơn trong tương lai.
"Covid-19 là một con sóng lớn đang đánh vào chúng ta, song ngay sau nó là cơn sóng thần của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu", nhà thiên văn học Lewis Dartnell, tác giả cuốn "The Knowledge", bình luận.