Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện được - mất của TP.HCM trong mắt một doanh nhân

Đối với TS. Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc công ty Bachy Soletanche (BSV), những được - mất của TP.HCM hôm nay thực sự là một cái nhìn biện chứng về tương lai.


Từng viết thư cho Thủ tướng đề xuất chính sách sử dụng nhân lực cho đất nước từ rất sớm, những phản biện quyết liệt của anh về quy hoạch và xây dựng đô thị trong vai trò đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã gây sóng gió không ít trong chốn nghị trường.

Gắn bó với Sài Gòn như máu thịt, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành xây dựng tại Đại học Ecole Centrale Paris (Pháp), Thạc sĩ Trường Quản lý công Lý Quang Diệu (Singapore) và Trường Hành chính công Kennedy - Đại học Havard…, anh chọn con đường trở về quê hương trong vai trò một chuyên gia xử lý nền móng và công trình ngầm, từng đưa ra giải pháp táo bạo cứu nguy cho đập Dầu Tiếng…

PV đã có một cuộc trò chuyện thẳng thắn và thú vị với Lê Nguyễn Minh Quang.

Đừng để trả giá đắt vì thiếu quy hoạch metro

- Là chuyên gia về công trình ngầm, đang cùng phía Nhật Bản đảm nhiệm dự án tuyến metro đầu tiên của TP.HCM, anh đánh giá như thế nào về độ an toàn của các công trình ngầm hiện nay? Mối quan hệ giữa các công trình ngầm với phát triển của thành phố?

- Nhìn vào công trình ngầm quy mô lớn đầu tiên của TP.HCM là hầm Thủ Thiêm, việc thiết kế thi công là một tập đoàn Nhật Bản có kinh nghiệm thực hiện rất nhiều đường hầm lớn trên thế giới, nên khả năng rủi ro là rất ít. Công ty BSV chỉ làm một phần, đó là phần tường vây và móng cọc cho hai đường dẫn vào trong hầm. Trừ một vài sự cố, về chuyên môn, cho đến giờ này không có vấn đề đáng quan ngại. Người Nhật đã làm rất cẩn thận.TS.

TS Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche (BSV).
Xây dựng xe điện ngầm là xu hướng tất yếu phải làm với các đô thị phát triển. Quan trọng là khi quy hoạch thành phố, thi công các nhà cao tầng đã tính đến chuyện xe điện ngầm đi qua hay chưa? Vì những móng cọc sâu sẽ ảnh hưởng đến đường xe điện ngầm. Chúng ta cần có quy hoạch tổng thể cho hàng chục tuyến xe điện ngầm.  Nhưng đáng tiếc là nhìn vào mối quan hệ giữa các công trình ngầm với nhau, tôi thấy chưa có một quy hoạch tổng thể để kết nối các công trình này. Nếu mỗi dự án cứ làm móng cọc mà không nghĩ đến quy hoạch tổng thể, về sau muốn nối kết chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến toàn hệ thống.

Hong Kong, Thái Lan, Singapore cũng đã từng phải trả giá đắt cho việc thiếu quy hoạch kết nối, chi phí xử lý rất lớn. Công trình ngầm phục vụ một thành phố gần 10 triệu dân với mật độ nhà cao tầng, trung tâm thương mại quá lớn, quy hoạch càng phải chặt chẽ.

Nỗi lo thứ hai là tổ chức giao thông tuyến xe điện ngầm khi khách lên mặt đất như thế nào? Nhà ga trước cửa nhà hát lớn trong quy hoạch đã tính toán trước việc kết nối với các trung tâm thương mại chưa?

Hiện mới chỉ có Vincom là đã làm sẵn tuyến đường nối thẳng với nhà ga, còn kết nối với thương xá Tax, Saigon Center thì sao? Phải tránh cho dòng người từ metro khi vào các trung tâm thương mại leo lên mặt đất, gây ảnh hưởng giao thông chung. Phải tập trung quy hoạch và thực thi ngay bây giờ nếu không sẽ quá trễ.

- Về môi trường, nhiều người dân TP.HCM đã bức xúc khi hàng cây tạo nên vẻ đẹp của đường Nguyễn Huệ đã bị chặt đi. Khi metro xây xong, liệu nhà thầu có trả lại màu xanh ấy?

- Vừa là công dân thành phố, vừa là người trong cuộc, tôi được biết TP.HCM đã có kế hoạch thực hiện tuyến đi bộ dọc theo đường Nguyễn Huệ kéo dài ra bến Bạch Đằng, trở thành tuyến giao thông xanh.

Không còn những cây lâu năm trên đường, nhưng có thể trồng những cây xanh tán rộng, rễ không sâu, như Singapore đã từng làm. Nhất định phải trả lại mảng xanh cho thành phố, đây cũng là cơ hội để trồng lại cây xanh mới một cách bài bản, mỹ thuật hơn, có nơi thoát nước, lấy nước mưa…

- Nhìn vào quy hoạch tổng thể của Sài Gòn, sự chậm trễ của dự án Thủ Thiêm theo anh đã gây mất cân đối như thế nào cho phát triển TP.HCM?

- Tôi thấy việc đấu thầu, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã có kết quả ban đầu, cùng với việc sử dụng các tư vấn quốc tế có kinh nghiệm uy tín để quy hoạch khu Thủ Thiêm.

Đầu tư Thủ Thiêm rất tiềm năng, vì chỉ cách trung tâm hành chính vài km, nhất là khi đã có cầu, có đường hầm. Tuy nhiên vốn hạ tầng đổ vào đây rất lớn, lại gặp thời điểm khủng hoảng làm cho nhà đầu tư vào đó chưa nhiều.

Khi vốn hạ tầng không đủ lực để làm, nên chăng TP.HCM vận dụng cơ chế mở như đã làm với Phú Mỹ Hưng. Vấn đề là làm thế nào để thu hút được các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực? Phải bảo đảm cho đồng tiền của nhà đầu tư sinh lợi, muốn vậy chính sách thủ tục phải được rút gọn. Ban quản lý Thủ Thiêm phải đủ mạnh để là đầu mối một cửa, với những bước đột phá, từ cam kết giao đất nhanh, trao giấy phép nhanh, đến làm thủ tục xây dựng…

Tôi tin sắp tới, khi thành phố quyết định khởi động xây dựng quảng trường, công viên, và nhà đầu tư bỏ tiền làm hạ tầng đổi lấy đất, Thủ Thiêm sẽ bắt đầu khởi động.

Được - mất và chuyện tương lai

- 40 năm nhìn lại thành phố thân yêu của mình, anh thấy TP.HCM được gì, mất gì?

- Thực sự thành phố đổi thay rất nhiều. Đã bắt đầu và chuyển biến rất mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng, những tòa nhà cao tầng hoành tráng, lộng lẫy, những tuyến đường giao thông mới mở như đại lộ Võ Văn Kiệt, xa lộ Đông Tây, những tuyến vành đai, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, cầu vượt…

Với việc khởi công tuyến metro đầu tiên trong cả nước, bản thân lãnh đạo thành phố cũng đã nỗ lực rất lớn và quả cảm, vượt qua thủ tục chính sách rất nhiêu khê… Tất cả cho tôi một kỳ vọng hệ thống giao thông, sau 5 năm “đại công trường”, sẽ có một diện mạo mới, đó là điều đáng khích lệ.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cái mất. Về kiến trúc, Sài Gòn đã mất rất nhiều những khu được quy hoạch biệt thự, nhiều biệt thự đẹp đã bị phá vỡ trên đường Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhiệm… thay vào đó là những công trình mang đậm dấu ấn thương mại.

Nhưng cái mất lớn nhất theo tôi là văn hóa, thể hiện rõ trong giao thông, trong ứng xử giữa con người với con người. Bước ra đường tham gia giao thông là ập ngay vào cảnh chen lấn, vượt đèn đỏ, chạy vào đường cấm, leo lề… Khi có những va chạm cọ quẹt, người ta sẵn sàng hùng hổ, thậm chí ẩu đả lẫn nhau.

Mới hôm qua đây, đi ngang qua Trần Quốc Thảo, thấy hai chiếc xe ô tô đâm nhau giữa đường, chẳng ai chịu nhường ai, hai tài xế nhảy xuống cởi đồng hồ, cởi dép lao vào đánh nhau, chẳng giống ai. Tại sao xã hội mình lại khiến cho nhiều người trở nên hung hãn đến như vậy?

Trong công việc làm ăn cũng vậy, người ta sẵn sàng mưu mẹo để bán cho được, kiếm lời càng nhiều càng tốt cho mình mà không nghĩ phương hại đến người khác. Làm vậy ai dám quay lại lần thứ hai?

Vừa rồi hẹn làm việc với đối tác Nhật, khi tôi nhắc cô thư ký của họ “nhớ đúng giờ nhé”, cô gái trẻ trả lời ngay: “Yên tâm, khách Nhật mà anh!”. Câu đó làm cho mình chạnh lòng quá, buồn cho người Việt quá. Bao giờ mình mới giáo dục cho người lớn và trẻ nhỏ giữ được chữ tín lâu dài?

- Sự nhiễm bẩn đang lan rộng trong đời sống văn hóa, nhân văn như những vết dầu loang, nguyên nhân gốc rễ theo anh là do đâu?

- Nói là Sài Gòn trước đây không như vậy, bây giờ mới phát sinh cũng chưa hẳn đúng, hay do mật độ dân cư quá lớn cũng không phải. Phải chăng do giáo dục, do thể chế tạo điều kiện và không bắt buộc con người tuân theo một cách nghiêm ngặt?

Nhìn một cách khách quan, sự phát triển của Việt Nam giống như bộ mặt của giao thông hiện tại, cần có sự chấn chỉnh và điều khiển của một nhạc trưởng. Trong một thời gian dài sau chiến tranh do phải tập trung phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền việc giáo dục ý thức công dân dường như bị lãng quên.

Dường như chúng ta đã được giáo dục những điều rất thiêng liêng về tổ quốc, đồng bào, về tình yêu đất nước…, nhưng để mỗi người dân thấy gắn bó với đất nước, dân tộc thì phải xây dựng ý thức công dân từ cuộc sống hàng ngày, từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu điều đó không được giáo dục trong nhà trường, trong gia đình, thì làm sao có được một môi trường sống lành mạnh, trong sạch.

Nhớ lại những năm sau 1975, con người phải chạy theo cơm áo gạo tiền. Mỗi khi có dịp được mua hàng phân phối, phải nhanh nhanh mang cuốn sổ của mình đặt lên trên. Mọi thứ đều phân phối, người dân sản xuất ra lúa gạo thì không được bán, người thành phố thì không có gạo ăn… cả một đất nước bị ngăn sống cấm chợ, phải luồn đầu này, lách đầu kia để tồn tại từ đó hình thành văn hóa luồn lách, chen lấn, lan vào mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Nay, kinh tế có lên, nhưng thực sự mấy ai bình tâm khi bước ra đường. Tâm lý lo lắng, sợ hãi, đề phòng, nghi kỵ vẫn còn phổ biến...

- Nhìn về TP.HCM trong tương lai, điều gì khiến anh lo lắng nhất?

- Hệ thống luật lệ, đặc biệt ý thức của người dân thành phố có theo kịp với một diện mạo mới của giao thông công cộng không? Nếu hệ thống metro làm ra có sạch sẽ đến đâu mà người dân vẫn vẽ bậy, vẫn rạch ghế, xả rác… thì thật là đáng tiếc.

Lãnh đạo thành phố phải có một lộ trình thể chế hóa tất cả những luật lệ, để cơ sở hạ tầng đồng bộ với ý thức người dân.

Từ lâu, tôi đã kiến nghị thành phố công khai thi tuyển các chức danh quan trọng. Ở các nước, những chức danh quan trọng của một thành phố đều do dân bầu. Người ứng cử phải có chương trình hành động, cam kết rõ ràng để người dân đặt niềm tin, trao trách nhiệm và giám sát thực hiện. Nếu chúng ta công khai thi tuyển vào các chức danh quan trọng để tìm kiếm người tài và trả lương xứng đáng, ngang tầm với các tập đoàn lớn như Singapore đang làm, lúc ấy họ sẽ yên tâm làm việc mà ít bị cám dỗ bởi tham nhũng, hối lộ.

Để có được sự bứt phá, không còn cách nào khác là phải cởi mở, sử dụng nguồn vốn con người, không phân biệt tầng lớp, mới có những quyết sách, tạo được điểm sáng. Đó là điều cần thiết cho TP.HCM trong 5 năm tới, nhằm thay đổi thực sự, đáp ứng kỳ vọng người dân.

- Chúng ta đang đòi hỏi Nhà nước phải đổi mới, nhưng bản thân mỗi người dân, nhất là giới trẻ phải có ý thức đổi mới, dân chủ cùng đất nước?

- Không phải chỉ phê phán, than vãn, mỗi người trẻ phải thực sự đóng góp tiếng nói của mình vào quá trình đổi mới.

Ở mức độ hiện nay, khi người dân bình thường chưa thể hiểu hết luật, vai trò của báo chí, truyền thông rất quan trọng. Những nhà trí thức, luật gia, nhà báo phải là người giúp cho dân hiểu được quyền hạn và trách nhiệm của mình, vừa kêu gọi người dân hành xử đúng luật, vừa không ngừng đòi hỏi quan chức thi hành đúng luật, góp phần đưa ra những giải pháp làm cho đổi mới mạnh mẽ hơn.

Singapore nhiều năm về trước, giao thông hỗn độn, tệ nhũng nhiễu, hối lộ, làm tiền, xả rác…cũng đầy rẫy như ở Việt Nam. Thời điểm 1965, chính quyền Singapore đứng đầu là ông Lý Quang Diệu đã quyết tâm cải cách mạnh mẽ, như một cam kết sống còn của dân tộc, từ đó tạo được gia tài truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Khi chính quyền có quyết tâm, dân chúng đồng tình, họ đã cải tạo được và biến Singapore thành một đảo quốc sạch nhất thế giới về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

- Chọn con đường trở về, trong vai trò một doanh nhân, anh đã hành xử với những day dứt khôn nguôi về đất nước như thế nào?

- Trước tiên phải sống tốt để làm tròn nghĩa vụ một công dân. Sống tốt không chưa đủ, phải vận động người thân, gia đình, bạn bè làm tròn ý thức công dân.

Trong công ty tôi, việc tham gia chấp hành tốt giao thông cũng là một tiêu chí để đánh giá một nhân viên. Bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm luật giao thông đều bị tụt thang điểm đánh giá hàng tháng. Tham gia tích cực với xã hội để hiểu thêm về chính sách, chia sẻ đùm bọc người khác, chia sẻ với cộng đồng mình đang sống cũng là điều giúp cho cuộc sống có ý nghĩa.

Về công việc chung của thành phố, trong 7 năm tham gia Hội đồng Nhân dân, tôi luôn đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn mà không ngại ảnh hưởng đến cá nhân. Tham gia vào công việc chung nhưng không đem tư lợi vào nghị trường nên tôi không có gì phải băn khoăn, nhất là khi ý kiến của mình nhận được sự đồng thuận, giúp tôi tự tin vào con đường mình đi.

- Anh từng nói: “Không được quyền im lặng mãi được trước những đòi hỏi của cuộc sống”. Nhưng anh có buồn nhiều không khi trong các cuộc họp Hội đồng Nhân dân, những tiếng nói phản biện vẫn còn quá ít?

- Quay trở lại vấn đề cơ chế, khi cơ quan lập pháp vẫn còn trộn lẫn với cơ quan hành pháp, thì không thể có tiếng nói mạnh mẽ. Điều đó khiến cho một đại biểu có vai trò ở cơ quan hành pháp khó có thể phát biểu những điều trái với ý kiến cấp trên.

Nếu không thay đổi, đừng mong đợi nhiều ở sự phản biện tích cực của cơ quan dân cử. Là một đại biểu của nhân dân, đôi khi gặp phải phản ứng là sự im lặng cũng cảm thấy buồn lắm, nhưng hiểu rằng mình đứng về phía người dân, người đại biểu sẽ không cảm thấy cô độc.

Giữ niềm tin là bài học sống còn

- Trong lịch sử hào hùng của Việt Nam, chúng ta đã có những nhà thơ lớn, nhà văn lớn, nhà quân sự lớn nhưng chúng ta chưa có một nhà công nghiệp nào. Theo anh, bao giờ chúng ta mới có những nhà công nghiệp trẻ thực sự tạo được thương hiệu cho đất nước?

-Sự thành bại của một nhà công nghiệp, một nền công nghiệp đều cần hai yếu tố, thứ nhất là chính sách nhà nước, thứ hai là kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh của một nhà công nghiệp.

Thời gian qua, chính sách nhà nước là một cuộc thử thách khắc nghiệt với các nhà công nghiệp. Trong những năm 2005-2009, chính sách nới lỏng kích thích tăng trưởng kinh tế đã được áp dụng, nhưng khi lạm phát lên đến hai con số, việc thắt chặt chính sách quá mức đã làm cho lãi suất tăng đến hai con số. Rõ ràng không có nhà công nghiệp nào trở tay cho kịp. Cái đáng sợ nhất với các nhà đầu tư trong và ngoài nước là sự không đoán trước được của chính sách.

Về phía doanh nghiệp, ngoài kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh… điều quan trọng là phải hiểu được năng lực cốt lõi, không quá phấn khích, mơ hồ về khả năng của mình, để khi có dòng tiền dễ dàng không lấn sân qua những lĩnh vực khác.

Rất nhiều nhà công nghiệp trẻ Việt Nam có thương hiệu đã “ngã ngựa” khi đầu tư vào ngân hàng, tài chính, bất động sản... với niềm tin vào năng lực mình có thể làm mọi chuyện.

Thời kỳ bất động sản phát triển bong bóng, nhiều người hỏi tôi tại sao không đứng ra lập công ty xây dựng làm hết toàn bộ công trình, có lời hơn nhiều là chỉ làm phần nền móng. Tôi nghĩ mỗi người một nghề, mình chỉ được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm về nền móng, sa đà vào lĩnh vực khác sẽ thất bại, ảnh hưởng đến danh tiếng công ty.

Nhờ thận trọng, ăn chắc mặc bền, không vội vã mà thoát nạn. Một nhà công nghiệp bản lĩnh theo tôi sẽ không quá bi quan khi kinh tế eo hẹp, trong mọi hoàn cảnh nếu kiên định với năng lực cốt lõi cộng với thông minh, sáng tạo, để tìm ra những lối đi riêng vẫn có cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó cũng không được nên quá phấn khởi, chủ quan để đầu tư vào ngành nghề cốt lõi khi thật sự chưa thấu hiểu và chuẩn bị thật chu đáo.

- Trong kinh doanh, anh coi trọng điều gì nhất?

- Chữ tín. Tôi luôn nói với anh em hôm nay làm công ty này, ngay mai có thể làm công ty khác, nhưng cái tên mà cha mẹ đặt cho sẽ đi theo mình suốt cuộc đời, đừng làm cái tên ấy vấy bẩn, vì một sự bất tín, vạn sự bất tin. Phải giữ chữ tín cho cái tên mình và công ty mình

- Từ nay đến cuối năm, con số doanh nghiệp phá sản có thể sẽ còn tăng, ảnh hưởng lớn đến tâm trạng của giới doanh nhân, làm thế nào để vượt qua khúc quanh này?

- Đừng quá phấn khích và ảo tưởng khi có nhiều cơ hội đến, nhưng cũng đừng quá bi quan và nhụt chí khi thất bại. Làm thế nào để vượt qua, tìm lại niềm tin là bài học sống còn với mỗi người.

Xin chia sẻ kinh nghiệm bản thân, thời gian hai năm trở lại đây, khi tín dụng siết lại, dự án chậm triển khai, kinh tế tụt dốc…, đã có lúc tôi cảm thấy khó mà lạc quan. Nhưng nhờ vào những hoạt động cộng đồng như chuyến đi ra Trường Sa, các chương trình trao tặng học bổng cho học sinh, sinh viên, những hoạt động với Hội Doanh nhân trẻ, cộng đồng doanh nhân châu Âu… đã giúp tôi cân bằng trở lại, bổ sung kiến thức và năng lượng sống.

Ra Trường Sa, mới cảm nhận được những vất vả, khó khăn mình đang gặp chẳng sá gì với người lính ngoài đảo xa. Ngay đến nhu cầu nhỏ nhất là nước sinh hoạt đến cái ôm trong tay những đứa con thân yêu khi đêm về cũng là thứ xa xỉ. Từ đó thấy mình được thêm nghị lực.

Những khi gặp chuyện buồn, hoặc khó khăn vượt quá sức mình tôi thường tìm cách giải tỏa bằng việc chơi thể thao hoặc nghe nhạc. Tôi cũng giữ thói quen hàng ngày là duy trì chạy bộ và tập thể dục vào lúc 5h30 sáng ở Tao Đàn. 45 phút chạy bộ ấy cơ thể được vận động trong không khí trong lành, “ra” cho mình rất nhiều ý hay. Chiều Chủ Nhật hàng tuần, tôi thường chơi tennis với anh em, la hét um sùm, giải tỏa mọi stress, giải tỏa bi quan.

Những thói quen ấy cho mình nguồn sinh khí mới, cảm hứng mới.

http://bizlive.vn/bizlife/chuyen-duoc-mat-cua-tphcm-trong-mat-mot-doanh-nhan-397665.html

Theo Kim Yến/ Diễn đàn Đầu tư

Bạn có thể quan tâm