Tuy nhiên, chuyển đổi số trong ngành này phải vượt qua nỗi sợ hãi.
Sáng 25/10, talkshow Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản và phát hành sách diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM. Chương trình nằm trong khuôn khổ hoạt động Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10 và Kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành (10/10/1952 - 10/10/2024).
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu trong sự kiện. |
Sự kiện có sự góp mặt của ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, ông Lê Hoàng - Giám đốc Đường sách TPHCM cùng các đại sứ văn hóa đọc TPHCM.
Trong talkshow, các đại biểu trao đổi, thảo luận về xu hướng chuyển đổi số trong ngành xuất bản, việc ứng dụng công nghệ số cũng như khó khăn và cơ hội của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản...
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định đối với ngành sách, chuyển đổi số là động lực, tạo cơ hội để vươn rộng phát triển. Đây là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Ông Nguyễn Nguyên xác định 4 trọng tâm trong công tác chuyển đổi số xuất bản. Trong đó, câu chuyện đầu tiên là các cá nhân, đơn vị phải vượt qua nỗi sợ hãi.
“Rất nhiều đơn vị vì sợ hãi nên chọn đi sau, xem người đi trước thế nào để tránh rủi ro. Tuy nhiên, câu chuyện chuyển đổi số lại đặc thù so với các lĩnh vực khác. Đây là một bài học đầy trải nghiệm và phải đi đầu, từ đó học được những điều cần thiết”, ông Nguyên khẳng định.
Thứ hai là sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành. Chuyển đổi số là bài toán chung, nếu làm việc riêng lẻ, câu chuyện phát triển sẽ còn rất xa và nhiều bất cập. Do đó, công việc đòi hỏi sự chung tay của các cá nhân và doanh nghiệp.
Mặt khác, câu chuyện về nhân lực trong ngành xuất bản cần được chú trọng. Việc chuyển đổi số sẽ khó tiến hành nếu không có nguồn nhân lực chất lượng. Nhân lực số và cơ cấu nhân lực số trở thành vấn đề quan trọng của mỗi đơn vị. Mỗi nơi phải có lãnh đạo, nhân viên thực sự am hiểu về công nghệ xuất bản để có sự bứt phá về lâu dài.
Cuối cùng, điều nan giải nhất của ngành bấy lâu nay là bản quyền. Theo Cục trưởng, câu chuyện bản quyền là vấn đề nghiêm trọng mà chính người công tác trong ngành phải đối mặt nhiều năm qua. Do đó, các đơn vị phải đấu tranh với nạn xâm phạm bản quyền, xem đây là câu chuyện lớn của toàn ngành và cùng làm thì mới có kết quả tốt nhất.
Ở Pháp, việc truy thu bản quyền được triển khai khá tốt. Tại Việt Nam thời gian qua các ứng dụng sách nói đã áp dụng công nghệ, hay giải pháp mời các người nổi tiếng, chính tác giả trải nghiệm sách nói nhằm tăng tính trải nghiệm bạn đọc. Những bước đi này giúp câu chuyện bản quyền được cải thiện phần nào.
Các đại biểu tham dự Khai mạc Tuần lễ sách và chuyển đổi số tại Đường sách. |
“Trung tâm bảo vệ bản quyền của Hội Xuất bản Việt Nam đang trong quá trình khởi động. Mỗi đơn vị có trách nhiệm chung tay xây dựng tổ chức này, phải coi đây là ngôi nhà của mình chứ không phải đợi trung tâm bắt hoạt động thì mới làm. Những người làm trong ngành xuất bản cần ý thức hơn nữa trách nhiệm bản thân trong phát triển văn hóa đọc và thực hiện chuyển đổi số”, ông Nguyên phát biểu.
Ông Nguyên nhận định đối với ngành xuất bản, điều bắt buộc là phải đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh sách truyền thống, các loại hình sách nói, ebook cần phát triển đồng bộ. Ở Việt Nam hiện nay sách nói chỉ đang ở giai đoạn mở đầu với các đơn vị Voiz FM, Fonos, Waka và mới nhất là BOOKAS.
"Thị trường sách nói chỉ khoảng 5 triệu tài khoản sử dụng thường xuyên, chúng ta còn dư địa cực lớn và sự phát triển của sách nói sẽ tạo ra thêm thị trường, tác động tới thị trường sách truyền thống và các lĩnh vực khác nói chung", Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho hay.
Ra mắt ứng dụng sách nói BOOKAS
Trong khuôn khổ các hoạt động, đơn vị BOOKAS đã tổ chức chương trình ra mắt Ứng dụng sách nói BOOKAS.
Ông Lê Xuân Thắng, đại diện BOOKAS cho biết nắm bắt được xu thế chuyển đổi số, đồng thời đánh giá rõ ràng mức phân bổ thị trường của dòng sách giấy và các dòng sách số hóa, đơn vị đã quyết định tạo nên ứng dụng. "Những phiên bản âm thanh mà BOOKAS tạo ra, được tích hợp từ công nghệ AI và giọng đọc độc quyền, phối kết âm không gian, mang đến các trải nghiệm giác quan tuyệt vời.
Nhà báo Trung Nghĩa - Đại sứ văn hóa đọc TPHCM và đại diện SBOOKS chia sẻ tầm quan trọng của chuyển đổi số với sách. |
Bước vào kỷ nguyên số, BOOKAS không chỉ đồng hành cùng với các dự án chiến lược của SBOOKS mà còn tập trung phát triển công nghệ nội tại, kỹ thuật phần mềm để ngày càng hoàn thiện hơn, sẵn sàng đón làn sóng công nghệ mới bất cứ lúc nào", ông nói.
Tại buổi ra mắt sách nói BOOKAS, đơn vị đã ký hợp đồng với 3 nhà văn, nhà báo, tác giả có tiếng hiện nay: Nhà báo Trung Nghĩa, nhà thơ nhà báo Nguyễn Quang Hưng, nhà văn Tống Phước Bảo. Tác phẩm của những tác giả này sẽ sớm có mặt trên BOOKAS.
Với mục tiêu mang tri thức đến gần hơn với người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên và sinh viên, BOOKAS đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa.
Trong sự kiện khai mạc Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số (25/10/2024), Công ty Cổ phần BOOKAS đã trao tặng 10.000 sách nói đến Sở Thông tin và Truyền thông, với tổng giá trị hơn 500.000.000 đồng.
Tổ chức trao tặng mã nghe sách nói miễn phí đến Hội đồng khởi nghiệp phía Nam và các trường Đại học. Hoạt động này mang ý nghĩa lan tỏa tình yêu sách, giúp bạn đọc phát triển tư duy và nuôi dưỡng tâm hồn.
Ngoài ra, vào ngày 14/6/2024, BOOKAS đã tham gia Ngày hội Văn hóa đọc Tây Ninh với chủ đề “Gieo mầm tình yêu sách đối với trẻ em, hướng tới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”. Trong sự kiện, BOOKAS cũng trao tặng 2.000 tài khoản VIP cho người dùng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ thính giả.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.