Trong tháng 7 và 8, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các nhà sách buộc phải đóng cửa, nhưng nhiều đơn vị xuất bản vẫn phát hành sách mới để phục vụ bạn đọc.
Các việc truyền thông giới thiệu sách không còn phụ thuộc nhiều vào phương pháp truyền thống mà đã có sự dịch chuyển sang hình thức trực tuyến, phù hợp tình hình hiện nay.
Hoạt động quảng bá sách truyền thống
Trước đây, hội sách là một trong những hoạt động quan trọng của ngành xuất bản để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sách. Trung bình mỗi năm, khoảng hàng chục hội sách lớn nhỏ được tổ chức trên khắp cả nước, từ Hội sách Ngày sách Việt Nam, Hội sách Mùa thu, Hội sách Hà Nội, Hội sách TP.HCM, cho đến Hội sách dọn kho, Hội sách nửa giá…
Mỗi hội sách có một chủ đề riêng, nhưng đều hướng tới việc giới thiệu với bạn đọc các tựa sách mới hấp dẫn với giá ưu đãi. Mỗi khi đến gần hội sách, các đơn vị xuất bản cũng sẽ ưu tiên phát hành sách mới lần đầu được xuất bản hoặc các sách tiêu điểm với nhiều phần quà hấp dẫn.
Song song với đó là các sự kiện giao lưu giữa tác giả/nhóm tác giả, dịch giả, những người thực hiện tác phẩm, khách mời với độc giả để cùng trò chuyện hiểu thêm về các cuốn sách mới vừa được phát hành. Cuối chương trình sẽ là phần hỏi đáp, ký tặng hoặc thậm chí là chụp ảnh.
Các bạn trẻ xếp hàng dài trong sự kiện ký tặng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát. Ảnh: Thiên Ái. |
Đây là một hoạt động giới thiệu sách truyền thống của ngành xuất bản, đưa tác giả đến gần hơn với độc giả, đồng thời thúc đẩy lượng bán sách nhiều hơn. Bạn đọc sẽ dễ mua sách hơn sau khi được lắng nghe và tìm hiểu trực tiếp cuốn sách được nhắc đến, và có cơ hội nhận được tác giả ký tặng.
Những chương trình ký tặng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mỗi khi ra sách mới thường thu hút hàng trăm đến hàng nghìn bạn đọc, xếp hàng từ 4h sáng để được ký tặng sớm.
Hoặc buổi giao lưu trò chuyện của TS Đặng Hoàng Giang nhân dịp ra mắt Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ có hàng trăm bạn trẻ đến tham dự. Toàn bộ ghế ngồi đã huy động nhưng vẫn có rất nhiều bạn phải đứng, ngồi dưới sàn, lối đi, thậm chí phải đứng ngoài hành lang và ngồi tạm trên sân khấu, quanh các diễn giả.
Một trong những sự kiện khác nhận được sự đón chờ của rất đông độc giả chính là các lễ hội giao lưu của các bộ truyện tranh manga hoặc light novel. Có nhiều hoạt động diễn ra xuyên suốt sự kiện, cùng hàng trăm phần quà mà đơn vị xuất bản dành tặng cho những người tham dự.
Giới thiệu trực tuyến trên mạng xã hội
Đại dịch Covid-19 lan rộng khiến nhiều hoạt động truyền thống bị hoãn/hủy và khó có thể tổ chức được. Hàng loạt hội sách, sự kiện giao lưu tác giả - người hâm mộ phải hủy bỏ để tránh tập trung đông người lây lan dịch bệnh.
Điều này khiến nhiều đơn vị xuất bản gặp khó trong việc truyền thông giới thiệu sách, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để chuyển mình sang hình thức trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội đa dạng hơn.
Từ đầu năm 2021, Công ty sách Nhã Nam đã thực hiện nhiều chương trình giao lưu với các tác giả sách thông qua nền tảng Zoom và livestream trực tiếp trên fanpage.
Ví dụ, Trò chuyện cùng tác giả Rosie Nguyễn ngày 14/8 với cuốn sách mới phát hành Trên hành trình tự học; trò chuyện cùng bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu ngày 11/6 nhân dịp ra mắt sách Câu chuyện từ trái tim; gặp gỡ TS Đặng Hoàng Ngân và giải đáp các thắc mắc về độc thân, tình yêu của độc giả dưới góc nhìn tâm lý học vào ngày 14/4 với cuốn sách Một mình tìm một nửa...
Các không gian hội nhóm trên mạng cũng trở thành diễn đàn sôi nổi để bạn đọc chia sẻ nhiều cuốn sách hay, cũng như các đơn vị xuất bản đưa tin sách mới.
Group Nhã Nam reading club vượt mốc 100.000 thành viên với nhiều bài viết chất lượng của cả bạn đọc cũng như cán bộ nhân viên của Nhã Nam.
Các nhóm đọc sách lớn khác cũng có số lượng gia tăng nhanh chóng như Người đọc sách (500.000 thành viên), Hội yêu sách (115.000 thành viên), Hội yêu thích tác phẩm văn học kinh điển (41.000 thành viên)...
Hội sách được tổ chức trực tuyến trên mạng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngoài các kênh như fanpage Facebook, Instagram, YouTube, nhiều đơn vị xuất bản cũng mở thêm tài khoản của mình ở các nền tảng mới như Twitter, TikTok… nhanh chóng bắt kịp với xu hướng hiện đại của người trẻ. Những video giới thiệu hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem đã không còn quá xa lạ với những người theo dõi trên TikTok.
Các chương trình khuyến mãi cũng được mở rộng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Fahasa, Shopee với nhiều chính sách hấp dẫn, thúc đẩy người đọc chuyển sang hình thức mua sách online. 2021 cũng là năm đánh dấu sự quan tâm của đông đảo công chúng đối với Hội sách trực tuyến quốc gia được tổ chức trên sàn Book365.vn.
Đại dịch Covid-19 dường như trở thành một phép thử để các đơn vị xuất bản chuyển mình và bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng thời đại. Để sách trở thành một mặt hàng thiết yếu, trước hết phải làm sao để người đọc tiếp cận, hiểu rõ và thấy được cuốn sách đó hay, cần thiết đối với mình.