Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên đề: Những lễ hội tranh cướp và man rợ

Những lễ hội quan trọng nhất sau Tết ở miền Bắc đã khép lại, tuy nhiên hình ảnh những màn tranh giành vật may mắn hay tế lễ rùng rợn vẫn ám ảnh nhiều người.

MỞ ĐẦU

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là vùng văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Đặc biệt vào mỗi dịp đầu năm, hàng ngàn lễ hội dân gian, truyền thống từ Bắc tới Nam vào hội.

Theo thống kê 2009, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương và Phú Thọ.

Lễ hội là nơi để người người tưởng nhớ tích xưa, ôn chuyện cũ, truyền thống và cũng là để cầu mong một năm mới bình an, phát tài. Dẫu vậy, trong hàng nghìn lễ hội diễn ra hàng năm, đâu đó, vẫn có những lễ hội mà để đạt được ước nguyện cầu thì con mỗi người lại phải trải qua cung bậc cảm xúc khác nhau, từ nghẹt thở khi bản thân phải lao vào những màn vồ, giật, cướp, hay chứng kiến cảnh “máu rơi” từ nghi thức chém, giết những con vật hiến tế.

Bản đồ các lễ hội phía Bắc. Nhấn chuột vào mỗi địa danh để biết thêm thông tin.

TRANH CƯỚP & MAN RỢ

Nếu như hình ảnh Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh khiến nhiều người “ngoại đạo” rùng mình thì ngược lại, với người dân làng Thượng thì đây là nghi thức truyền thống và là nét văn hóa riêng của họ để tự hào. Năm trước, người cầm đao còn chém đứt ngang thân “Ông Ỉn”. Khi người cầm đao sắc lẹm hạ xuống, gương mặt của những người bao quanh không biến sắc, người người còn hò reo, giơ điện thoại lên chụp ảnh và quay phim. Máu từ cổ lợn tuôn ra theo dòng, những bước chân xô đẩy nhau để quệt tiền vào máu lợn tràn trên sân để mang về nhà thờ mong cho may mắn cả năm.

Những lễ hội dùng vật nuôi để hiến tế sau đó là đâm, là chém với hình ảnh máu me trước sự chứng kiến của cả cộng đồng là không hiếm ở đất nước ta, có thể kể đến lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên, ở Thừa Thiên - Huế và thậm chí ngay tại Thủ đô. Những lễ hội này là dịp mà ở đó mỗi cá nhân thể hiện sức, vóc nhiều hơn là tài, trí để tranh cướp, để giành giật, giẫm đạp nhau. Một phần của lễ hội này biến thành những màn đấu võ, ẩu đả. Người ngất xỉu, người bị thương, máu chảy.

Sang năm, năm tiếp và nhiều năm nữa, những lễ hội trên ắt hẳn vẫn diễn ra theo nghi thức truyền thống. “Bản quyền” lễ hội thuộc này thuộc về người dân địa phương và họ bảo tồn bằng việc duy trì tổ chức hàng năm. Nhưng duy trì những lễ hội trên theo đúng nghi thức truyền thống vốn có, tức bảo tồn nguyên vẹn hay gia giảm đi theo cuộc sống hiện đại ngày nay đó là điều mà nhiều người đang đặt ra.

Trong nội dung bên dưới, Zing.vn xin điểm qua những lễ hội đang gây nhiều tranh cãi về tính bạo lực và man rợ của nó.

Các “ông lợn” bị kéo căng bốn chân, chặt ra làm hai khúc.  Ảnh: Hoàng Hà.

Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh

ĐỊA DANH: LÀNG NÉM THƯỢNG, BẮC NINH

THỜI GIAN: MÙNG 6 TẾT ÂM LỊCH

Mỗi dịp đầu xuân, vào ngày 6 tháng Giêng là dân làng Ném Thượng (Khắc Niệm, Tiên Du, Bắc Ninh) lại vào hội chém lợn. Tục chém lợn khao quân để tưởng nhớ vị tướng Đoàn Thượng chống giặc ngoại xâm. Sử sách ghi lại, tướng Đoàn Thượng khi chống giặc đã thua chạy lên tận làng Ném Thượng. Do thiếu thốn lương thực trong khi lợn rừng nhiều vô kể, quân tướng đã chém lợn nuôi quân.

“Đi qua Kinh Bắc bến hồ,
Về hội đình Thượng lễ chùa Đại Bi.
Đi hội Ném Thượng cùng đi,
Hội thi xôi nếp chém thi lợn thờ

Lễ hội gồm phần lễ rước và tế "Ông Ỉ" thu hút sự quan tâm của đông đảo dân làng cũng như du khách. "Ông Ỉn" là 2 con lợn nặng khoảng tạ rưỡi, được 2 gia đình của 2 người đàn ông thành đạt, uy tín ở độ tuổi 49 nuôi theo chế độ chăm sóc đặc biệt trong suốt 1 năm. "Ông Ỉn" được cho ăn và được sơn phẩm màu đỏ trước khi bị tế. Đao phủ gồm 2 người 47 tuổi được chọn lựa trong làng. Theo truyền thống, đao phủ sẽ chém đứt ngang thân “Ông Ỉn”, nhưng do dư luận, nên tại lễ hội năm nay, "Ông Ỉ" chỉ bị cắt cổ một nửa. Sau màn tế, người dân từ già đến lớn bé lấy tiền quệt vào máu "Ông Ỉn" để mang về thờ cho may mắn.

Lăn xuống vũng bùn để bảo vệ quả phết và ngăn đội khác xông vào. Ảnh: Hoàng Hà.

Lễ hội Phết Hiền Quan

ĐỊA DANH: PHÚ THỌ

THỜI GIAN: 12-13 THÁNG GIÊNG ÂM LỊCH

Tương truyền năm 16 tuổi Thiều Hoa đến tu tại chùa Phúc Thánh, Hiền Quan. Nghe tin Trưng Trắc dấy binh khởi nghĩa, Thiều Hoa tập hợp được đội quân 500 người, hàng ngày luyện tập võ nghệ, chơi trò đánh phết, phóng lao, rồi về Hát Môn tụ nghĩa. Để tưởng nhớ công lao của người, hàng năm tại đền thờ nữ tướng Thiều Hoa, (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ) người dân lại tổ chức lễ hội tưởng niệm nữ tướng và trò chơi đánh phết để cầu may.

Lễ Hội Phết Hiền Quan gồm bốn phần: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân, đánh Phết. Hai hình thức được diễn lại khá sôi nổi và hấp dẫn của hội Hiền là kéo quân và đánh Phết. Cũng như phóng lao, chúng đều là các môn thể thao dân tộc mà bà Thiều Hoa đã từng luyện quân, tượng trưng cho tinh thần thượng võ, khí thế hào hùng của nghĩa quân lúc bấy giờ.Người dân nơi đây quan niệm, nhà nào cướp được phết sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, ngoài ra còn là vinh dự, được ghi danh ở làng, được nhiều người biết đến.

Nam thanh niên trong các làng chia thành nhiều đội, mỗi đội vài chục người để tham gia vào trò cướp phết được làm từ gốc tre, sơn son đỏ tượng trưng cho mặt trời. Để lấy được phết, hàng nghìn thanh niên lao vào nhau, ngồi, trèo lên đầu nhau trong nhiều giờ liền. Chính vì thế, trong lễ hội này không thiếu những màn ẩu đả, đánh vào mặt, chân, chửi bậy,... hiện tượng giẫm đạp, hay ngất xỉu.

Người dân bản địa và du khách dùng cà chua, trứng thối ném vào người nhau.

Lễ hội ném cà chua

ĐỊA DANH: THANH HÓA

THỜI GIAN: MÙNG 6 TẾT ÂM LỊCH

Lịch sử ghi lại: Vào thời Lê, đúng vào ngày mồng 6 Tết, có một vị tướng bị giặc đuổi. Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ra lệnh quân sĩ cùng dân làng họp chợ. Quân địch đến tưởng chỉ là phiên chợ nên không đề phòng, cảnh giác. Lúc vị tướng phát lệnh dân làng tấn công, quân địch bất ngờ không kịp trở tay và bị giết sạch. Và cũng từ đó, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) vào ngày 6 tháng giêng hằng năm, hàng nghìn người dân địa phương và du khách lại kéo nhau về dự phiên chợ Chuộng chỉ họp một phiên duy nhất trong năm.

Chết bỏ con bỏ cháu,
không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng

Đến với phiên chợ Chuộng, ngoài mua bán hàng hóa để cầu tài cầu lộc, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người tham dự chợ còn dùng cà chua chín ném vào nhau để được lộc, may mắn trong năm mới. Theo người dân địa phương, phiên chợ Chuộng họp ngay tại một bãi đất rộng ven sông nhà Lê có từ hàng trăm năm nay. Mỗi người dân đến chợ mua bán cầu may đầu xuân không quên mua cà chua chín để ném vào nhau, thậm chí rượt đuổi nhau chạy quanh chợ cho... vui.

Những năm gần đây, tại phiên chợ Chuộng còn xuất hiện trò cờ bạc, đỏ đen với nhiều thanh, thiếu niên xúm lại sát phạt nhau. Mặc dù theo quy định người chơi chỉ được phép sử dụng cà chua, trứng làm vũ khí nhưng nhiều thanh niên vô ý thức vẫn lợi dụng dùng gạch đá để trả thù nhau, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của phiên chợ Chuộng.

Sau nghi lễ nhảy múa, những trai làng khoẻ mạnh bắt đầu đâm trâu. Ai trong số đó đâm một nhát vào tim trâu chết thì được cả làng hò reo tán thưởng. Ảnh: Thái Bảo Ngọc / Panoramio.com

Lễ hội đâm trâu

ĐỊA DANH: TÂY NGUYÊN

THỜI GIAN: TÙY THEO MÙA LỄ HỘI

Lễ hội đâm trâu có từ rất lâu ở các tỉnh Tây Nguyên, mang đậm dấu ấn văn hóa và phong tục của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên này. Lễ hội đâm trâu với biểu tượng “cây nêu thần” có ý tưởng mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trở thành một nghi lễ độc đáo trong các ngày hội của buôn làng như lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa.

Hàng năm dân làng tổ chức một lần lễ hội đâm trâu tại nhà rông, mọi phí tổn trong ngày hội do dân làng đóng góp lại. Người chủ trì ngày hội là già làng, đứng gần cột buộc trâu. Thanh niên nam nữ đánh chiêng, cồng, múa đứng sau lưng già làng. Những thanh niên có nhiệm vụ đánh trống, chiêng, cồng trong ngày hội, đầu chít khăn đỏ, mặc áo (loại áo ngày lễ dành cho con trai), đóng khố. Nữ thanh niên mặc áo phia, váy koteh (loại áo, mặc ngày hội của con gái).

Khi già làng khấn xong, tiếng chiêng, cồng bắt đầu nổi lên hòa với tiếng hú của dân làng. Cảnh buôn làng trở nên rộn ràng, sinh động. Những ngày ở lễ hội đâm trâu, là những ngày hội của nghệ thuật cồng chiêng vì nhiều nhà đem bộ cồng chiêng của mình tới tham dự.

Hết ngày thứ nhất, sang ngày thứ hai, tiếng cồng chiêng càng nổi lên rộn rã, những thanh niên khoẻ mạnh, đầu chít khăn đỏ, tay cầm khiên, gươm sáng loáng lao ra, vừa múa vũ khí, vừa đi vòng tròn để lừa dịp đâm trâu. Sau cuộc nhảy múa, họ bắt đầu đâm trâu. Khi con trâu đã tắt thở, thầy cúng mang chiêng, nồi đồng nhỏ đến hứng huyết trâu hòa với rượu, bộ phận đao kiếm tiếp tục xẻ thịt trâu, làm thịt trâu xong, họ chia đều cho từng bếp trong buôn làng. Một phần thịt trâu sẽ được dành lại để uống rượu chung tại nhà rông.

QUAN ĐIỂM & GÓC NHÌN

“Tôi đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vào cuộc, cho dẹp bỏ ngay “trò man rợ” này vì nó không những phản cảm mà còn phản văn hóa, phản nhân văn- mà văn hóa, nhân văn vốn là cốt lõi của truyền thống lễ hội”

Nhà thơ Trần Nhuận Minh

“Đạo Phật không sát sinh, thương muôn loài. Chúng là con vật thôi nhưng làm vậy ác quá”

Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam

“Hành vi chém lợn hay chặt đầu trâu hiện không còn phù hợp và không nên duy trì tại các lễ hội”

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12 (6/2009)

“Không có bất cứ lễ hội nào là lễ hội “man rợ”. Chỉ có những người không hiểu về lễ hội mới nghĩ vậy”

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam

“Các lễ hội nên bỏ đi khâu đâm, chém, giết, hoặc thay vì con vật thật, có thể lấy những vật khác thay thế. Làm như vậy, vừa tránh phản cảm mà vẫn bảo tồn tín ngưỡng tâm linh”

GS. Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

Nguyễn Vũ (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm