Lễ hội Chém lợn của làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh) bắt đầu vào mùng 6 Tết hằng năm. Trong lễ hội, các “ông lợn” bị kéo căng bốn chân, chặt ra làm hai khúc… Hàng nghìn người phấn khích hò reo cổ vũ, tranh nhau quết tiền vào máu cầu may.
Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Tiền Phong. |
Theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, các lễ hội trên xuất phát từ nhu cầu cộng đồng, tế thần để mong mưa thuận gió hòa. Việc tế thần bằng thịt các con vật nuôi diễn ra tại nhiều địa phương. Chỉ có khác, đa phần nhiều địa phương giết con vật xong rồi dùng thịt tế, nhưng ở một số nơi, người dân giết vật nuôi ngay tại chỗ.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, nhiều người thấy lễ hội đâm trâu, chém lợn... rất dã man, gây tâm lý sợ hãi. Nhưng người dân của làng không nghĩ vậy. Họ nghĩ đó đó là việc tâm linh, tế thần lấy may mắn. Do đó, không thể ngăn cấm người dân tổ chức lễ hội, quyền tiến hành văn hóa là của người dân.
“Không có bất cứ một lễ hội nào là lễ hội “man rợ”. Chỉ có những người không hiểu gì về lễ hội, hay về những ý nghĩa của nó mới nghĩ vậy", GS Thịnh nói.
"Không ai có quyền phán xét những lễ hội đó", GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam. |
Thể hiện quan điểm của mình, GS Ngô Đức Thịnh tỏ ra không đồng tình với phương án cấm tổ chức các lễ hội trên.
"Đó là nét đẹp văn hóa đã tồn tại bao đời nay của các địa phương. Những lễ hội đó không vi phạm pháp luật thì sao lại cấm? Nếu ai phản đối vì cho rằng dã man thì đừng có xem".
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, vấn đề nằm ở cách nhìn của “người ngoài”, nếu duy trì trong cộng đồng làng xã cũng chẳng phương hại đến ai. Do vậy, nên thu hẹp lễ trong cộng đồng, không mở rộng ra khỏi làng, xã. Lễ hội chém lợn sẽ là nội bộ của người trong làng, người ngoài làng và trẻ em sẽ không được tham gia lễ hội.
“Làm như vậy, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân, tránh người ngoài nhìn vào với con mắt khác, phản ứng không hay từ xã hội”, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa nói.
"Ác quá!"
Ngược lại với ý kiến của ông Thịnh, nói về những nghi lễ nhuốm đầy máu này, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỏ ra đau xót: “Đạo Phật không sát sinh, thương muôn loài. Chúng là con vật thôi nhưng làm vậy ác quá!”.
Theo Thượng tọa, đức Phật thương xót tất cả các loài chúng sinh nên không sát sinh, chỉ ăn chay. Từ xa xưa, Ngài đã biết dùng khăn lọc nước trước khi uống tránh nuốt phải côn trùng.
Từ xưa, con trâu được ví như “đầu cơ nghiệp” nhưng ngày nay, máy móc đã thay thế trâu bò. Con vật nuôi chủ yếu phục vụ đời sống của con người nhưng Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu cho rằng không nên phô trương chém, giết con vật trước mặt công chúng như là cách để mua vui như vậy.
“Thực ra, tất cả các con vật nuôi ra là để phục vụ con người. Không giết chúng thì sao có thịt mà ăn. Nhưng giết đúng cách, ở những chỗ ít người nhìn thấy thì không sao. Giết ở hội hè, đâm, chém để phục vụ thú vui của con người thì phản cảm quá!”.
Tuy nhiên, nói đến mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, Thượng tọa cho rằng quá khó để xóa bỏ.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu: không nên phô trương nghi lễ dã man này. |
“Để đáp ứng tiêu chí gìn giữ văn hóa và không mang yếu tố man rợ, chúng ta nên hành lễ kín đáo hơn; bỏ bớt những chi tiết rùng rợn”, Thượng tọa trụ trì chùa Bái Đính khuyến nghị.
Tuy hình ảnh ở các lễ hội này khá dã man nhưng theo Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, nó không mấy ảnh hưởng đến nhân cách hay làm gia tăng bạo lực của con người như một số người lo sợ.