Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện đám cưới ở Điện Biên Phủ

Có lần, một thương binh bị thương cả hai tay, nhờ một cô dân công cho anh đi tiểu. Khổ nỗi, cô dân công ấy trẻ quá nên xấu hổ, lật đật mãi mà không giúp được anh thương binh...

“Chưa bao giờ người dân Việt Nam đi ra trận nhiều như vậy” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết như vậy nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1964). Hàng chục vạn đồng bào đã tham gia các đội dân công, thanh niên xung phong, văn nghệ sĩ… rải từ hỏa tuyến đến những vùng cách Điện Biên hàng trăm cây số. Họ đã mang lại sức mạnh khổng lồ về vật chất và tinh thần cho chiến trường. Rất nhiều trong số đó là những cặp đôi vợ chồng, cùng chung sức làm nên chiến thắng, mà có khi không biết “nửa kia” của mình cũng đang ở chung chiến hào...

Trong sách “Hồi ức Điện Biên Phủ: Chuyện những người làm nên lịch sử”, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành đã kể lại những câu chuyện cảm động đó.

Hai vợ chồng cùng tham gia chiến dịch

Cặp đôi cùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là vợ chồng cụ bà Nguyễn Thị Ngọc Bích và cụ ông Nguyễn Văn Vượng ở Tây Hồ (Hà Nội). Cụ Bích kể: “Cả hai vợ chồng tôi đều có mặt ở Điện Biên Phủ, nhưng phải sau ngày chiến thắng hơn hai tháng thì người nọ mới biết người kia cũng tham gia chiến dịch. Hồi ấy, phải tuyệt đối giữ bí mật, nên có viết thư cho nhau cũng không nói rõ đang ở đâu. Trên đường ra trận, tôi hỏi dò thì biết chồng mình ở một đơn vị pháo cao xạ, nhưng không rõ anh chiến đấu ở mặt trận nào”.

Bước vào chiến dịch, bà Bích là y tá của Đội điều trị trực thuộc Cục Quân y. Những thương binh nặng nhất thuộc phần trách nhiệm của tiểu đội bà, người thì mất chân tay, người thủng ngực, người chấn thương sọ não... Bà Bích cùng mọi người mải miết cứu chữa ban đầu rồi chuyển các anh về hậu tuyến.

Nhiều thương binh không tự di chuyển được, bà và đồng đội phải đi cắt ống tre để thay bô cho anh em. Có lần, một thương binh bị thương cả hai tay nhờ một cô dân công cho anh đi tiểu. Khổ nỗi, cô dân công ấy trẻ quá nên xấu hổ, lật đật mãi mà không giúp được anh thương binh... Lúc ấy, bà Bích đến giúp anh và động viên cô dân công: “Em cứ nghĩ anh ấy như anh ruột mình, giờ không tự chăm sóc được bản thân thì mình chăm sóc, đừng ngượng”.

Tinh thần thương yêu đồng đội như người thân là ấn tượng lớn nhất của bà Bích về chiến dịch lịch sử cho đến tận bây giờ.

Văn công biểu diễn phục vụ bộ đội tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu .

Nên vợ chồng nhờ đi chiến dịch

Có cặp đôi nhờ đi chiến dịch mà nên duyên. Đó là câu chuyện của ông Lò Văn Tun và bà Lò Thị Khuýn (ở xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Ông Lò Văn Tun sinh năm 1930. Từ tháng 12/1953, ông cùng gần 20 khác người lập thành một đoàn dân công phục vụ chiến dịch. Dân công xã Chiềng Pấc lúc đó dắt ngựa chở gạo, muối, dụng cụ lao động. Mỗi con ngựa thồ được khoảng 50kg, đêm đi, ngày ngủ.

Cả đoàn cứ đi đi, về về chở hàng cho đến ngày chiến thắng, mỗi chuyến đi khoảng 5-6 ngày. Mỗi khi nghỉ, họ buộc ngựa vào bụi cây, cắt cỏ cho ngựa ăn rồi tìm chỗ ngủ. Lúc ông mới đi dân công, đêm buồn ngủ quá, lấy tay dụi mắt liên tục, về sau ông có sáng kiến lấy tay nắm lấy đuôi ngựa mà đi cho…đỡ buồn ngủ.

Ông Tun kể: "Bà nhà tôi cùng làng. Bà Khuýn ngày ấy còn trẻ, kém tôi 7 tuổi, trong đội sửa đường từ Mường Ẳng qua Nà Tấu. Quen nhau từ hồi ở làng, nhưng chẳng nói chuyện, khi đi chiến dịch mỗi lần gặp nhau thì cười cười, chào nhau “tao đi nhá". Bà Khuýn thì kể, năm đó bà còn trẻ, nhưng vẫn xin đi dân công. Bà đi dân công tổng cộng 3 đợt, tham gia chặt cây làm nhà kho, làm lán ở cho bộ đội; khiêng đất đá sửa đường giao thông, giã gạo, chuyển gạo lên xe cho bộ đội chuyển từ Thuận Châu đi Điện Biên, vừa làm vừa tránh máy bay địch.

Về chuyện tình cảm, bà cho hay: "Ông Tun là người cùng làng, biết nhau từ nhỏ. Những ngày đi dân công chúng tôi có gặp nhau, để ý đến nhau. Một lần ông ấy hỏi: "Có đồng ý lấy tôi không?". Tôi ngượng lắm, chỉ cười thôi, nhưng cũng gật đầu”.

Thế là ông bà nên duyên, đến năm 1955 thì cưới và sau này có với nhau 9 người con.

Chuyện tình y tá với thương binh nặng

Bà Trần Thị Bích Thọ, sinh năm 1930, là y tá thuộc Ban Quân y Mặt trận đã tìm được "một nửa của mình" tại Mặt trận Điện Biên và đám cưới của họ được tổ chức tại chiến trường. Bà kể: “Tháng 2/1954, tôi được điều về trạm quân y dã chiến ở Tuần Giáo, cách Điện Biên Phủ khoảng 80km. Đây là trạm trung chuyển thương binh nặng từ hỏa tuyến về. Nhiều thương binh đau đớn, kêu rên liên tục, riêng một anh lính ở Sư đoàn 308 người Hưng Yên, dù bị thương ở bàn tay và hàm, đau lắm, nhưng không kêu ca gì”. Khi bình phục, chiều chiều anh ôm đàn ghi-ta ra bờ suối. Cô y tá Bích Thọ yêu anh thương binh từ tiếng đàn ấy, thường lấy cớ ra phát thuốc để nói chuyện với anh.

Khi chia tay trở về chiến trường, chàng thương binh cầm tay cô y tá nói: "Anh rất yêu em, y tá ơi". Lời tỏ tình giản dị chỉ có vậy. Ba hôm sau ngày chiến thắng, khi cô Thọ đang thu xếp thuốc men, dụng cụ quân y, thì anh Quyết quay lại tìm cô. Ngày 22/5/1954 diễn ra lễ báo công tại mặt trận, anh Quyết chính thức "báo cáo" đơn vị chuyện riêng của hai người và 4 ngày sau, đám cưới của họ được tổ chức cùng 5 đôi nữa.

Lễ cưới tập thể diễn ra ở khoảng đất rộng của Sư đoàn 312, với cờ khẩu hiệu: "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Hoa dại, hoa sim, hoa mua trong núi được ngắt về cắm vào ống nứa. Chú rể và cô dâu mỗi bên đứng một hàng, chẳng ai có áo cưới. Sau khi đồng chí Chính ủy đơn vị tuyên bố: "Hôm nay là lễ thành hôn cho 6 cặp nam nữ", đọc tên, từng đôi bước ra, chào mọi người. Rồi tất cả mọi người cùng chung vui văn nghệ "cây nhà lá vườn"… Mọi người cùng hút thuốc lá cuốn, uống nước chè chung vui.

Cưới xong, hôm sau chú rể Lê Quyết đã nhận nhiệm vụ về Cao Bằng, còn cô dâu Bích Thọ nhận công tác tận Khu 4. Tròn một năm sau ngày cưới họ không được gặp nhau. Đến khi bất ngờ gặp lại nhau tại Nghệ An, vợ chồng vẫn còn… bẽn lẽn. Sau này, hai ông bà sinh được 3 người con; 2 con trai, một là sĩ quan cao cấp, một là phi công, còn cô con gái là bác sĩ.

 

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/ky-su-nhan-vat/chuyen-tinh-yeu-o-dien-bien-phu/287466.html

Theo Quân Đội Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm