Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện của những người nghèo trên đất Mỹ

Từ John Steinbeck đến Tommy Orange, những câu chuyện cơ cực hé lộ góc tối của một trong những đất nước giàu có nhất thế giới.

sach ve nuoc My anh 1

Ảnh chụp những người tị nạn tại Oklahoma. Ảnh: Dorothea Lange.

Dù luôn vẽ lên viễn cảnh Giấc mơ Mỹ hào nhoáng, đất nước này lại có tỷ lệ nghèo tương đối cao (xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng năm 2021 của OECD, với gần 38 triệu người Mỹ sống trong cảnh nghèo đói).

Những cuốn sách dưới đây cho phép độc giả hiểu tại sao tình trạng nghèo đói này xảy ra trên xứ cờ hoa, cho thấy một bộ phận không nhỏ con người nơi đây thực sự sống thế nào.

The Other America: Poverty in the United States (tạm dịch: Một nước Mỹ khác: Nghèo đói trên nước Mỹ)

Cuốn sách của Michael Harrington được xuất bản lần đầu vào năm 1962, mang đến một cái nhìn bao quát về tình trạng nghèo đói tồn tại trên đất Mỹ, bất chấp những tăng trưởng kinh tế xảy ra sau Thế chiến thứ II.

Harrington đã thực hiện chuyến đi tới các nhà máy, trang trại và lều trại trên núi để biết có bao nhiêu người đang bị bỏ lại phía sau.

Sau khi sách được ra mắt vài năm, Tổng thống Lyndon B Johnson triển khai chương trình nghị sự xử lý tình trạng nghèo đói Harrington phản ánh trong sách.

Caste: The Origins of Our Discontents (tạm dịch: Thành trì: Nguồn gốc của những bất mãn)

Tác phẩm của Isabel Wilkerson được coi là kiệt tác viết về sự phân tầng chủng tộc tại Mỹ. Sách phản ánh chân thực tình trạng nghèo đói và giải thích cách nước Mỹ vận hành trên nền tảng phân biệt chủng tộc được thiết kế để giữ thế hệ con cháu của các nô lệ cũng phải nằm dưới đáy hệ thống phân cấp kinh tế và xã hội.

Evicted: Poverty and Profit in the American City (tạm dịch: Trục xuất: Nghèo đói và lợi nhuận ở Thành phố Mỹ)

Trong cuốn sách này, nhà xã hội học Matthew Desmond viết về những gia đình bị trục xuất về những khu dân cư nghèo ở Milwaukee, soi rọi vào cuộc sống của những người phải chật vật từng ngày để giữ lấy mái nhà của mình.

Nhà ở là nhu cầu cơ bản mà nhiều gia đình thu nhập thấp ở Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nghiên cứu của Desmond được đánh giá là mang tính đột phá.

sach ve nuoc My anh 2

Tranh The Gleaners của Jean Francois Millet. Ảnh: borgenproject.

Dying of Whiteness: How the Politics of Racial Resentment Is Killing America’s Heartland (tạm dịch: Chết vì da trắng: Chính trị của sự oán giận chủng tộc đang bóp nghẹt nước Mỹ)

Jonathan M Metzl, một bác sĩ tâm thần tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, giải thích cách thức và lý do nhiều người da trắng nghèo ủng hộ các chính trị gia có những chính sách gây bất lợi cho họ. Sách cung cấp cái nhìn xác đáng về vấn đề chính trị nhạy cảm trên đất nước Mỹ.

The Sum of Us: What Racism Costs Everyone and How We Can Prosper Together (tạm dịch: Chuyện của chung: Phân biệt chủng tộc khiến ta phải trả giá thế nào và bằng cách nào ta có thể cùng nhau phát triển)

Trong cuốn sách này, tác giả Heather McGhee kể về cách các chính trị gia lợi dụng vấn nạn phân biệt chủng tộc để giành quyền lực và những hệ lụy của việc này.

The Grapes of Wrath (Chùm nho thịnh nộ)

Tác phẩm của John Steinbeck là cuốn tiểu thuyết sử thi về cuộc di cư Dust Bowl trên nước Mỹ. Tác giả dần cho thấy những sai lầm thuở ban đầu của nước Mỹ đã để lại hệ quả lâu dài thế nào.

Sách kể câu chuyện gia đình Joad sau khi họ rời trang trại tối tăm của mình ở Oklahoma và vật lộn để kiếm sống ở phía tây. Qua câu chuyện này, Steinbeck lên án xã hội Mỹ vô tình, coi rẻ sức người và tôn vinh tầng lớp bình dân giản dị, có sức mạnh và phẩm giá.

A Tree Grows in Brooklyn (Cây Brooklyn xanh biếc)

Cuốn tiểu thuyết của Betty Smith kể về cuộc sống của người Mỹ vào đầu thế kỷ 20 nhưng đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Câu chuyện tập trung vào Francie Nolan, đứa con của những người Ireland nhập cư. Sách miêu tả sống động trải nghiệm của những người nhập cư trong thời kỳ này ở New York. Từ chính những trải nghiệm tuổi thơ khốn khó, Betty Smith viết lên cuốn tiểu thuyết đầu tay lay động lòng người.

Random family: Love, drugs, trouble, and coming of age (tạm dịch: Chuyện gia đình: Tình yêu, thuốc phiện, các vấn đề và chuyện trưởng thành)

Tác giả Adrian Nicole LeBlanc kể câu chuyện của một gia đình ở Bronx trong nhiều năm. Đây là một dạng thiên anh hùng ca chân thực về ma túy, tình yêu, khó khăn và hy vọng. Cuốn sách là tiếng nói của nhóm người yếu thế sống tại New York.

There there (Không nhà)

Tiểu thuyết đầu tay của Tommy Orange theo chân một nhóm nhỏ những "người da đỏ" sống ở Oakland, California. Nhóm người này đứng trước quyết định tham dự một buổi lễ giới thiệu về người Mỹ bản địa ở địa phương.

Sách cho thấy những lát cắt về mảnh đời chật vật với nhiều vấn đề như bệnh tâm lý, nghiện rượu, thất nghiệp, thách thức xã hội trong cuộc sống đô thị, những ám ảnh từ lịch sử tổ tiên trong cộng đồng người Mỹ bản địa thế hệ mới.

Ấn tượng và trữ tình, tác phẩm của Tommy Orange nói về cách nước Mỹ loại bỏ một cách có hệ thống những nhóm thiểu số và cách họ tồn tại, phát triển trong nghịch cảnh.

The boy kings of Texas (tạm dịch: Những ông vua con ở Texas)

Cuốn hồi ký của Domingo Martinex thuật lại câu chuyện của một gia đình người Mỹ gốc Mexico ở một thị trấn nhỏ ven biên giới những năm 1980. The boy kings of Texas kể một câu chuyện đậm tính cá nhân về những thách thức mà những đứa trẻ nơi đây phải đối mặt. Chúng là những đứa trẻ từ các gia đình nhập cư, sống trong cảnh nghèo khó, đấu tranh để được công nhận trên mảnh đất Mỹ.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Xem TikTok quá nhiều dẫn đến mất khả năng tập trung đọc

Một số bạn trẻ chia sẻ rằng việc đổ thời gian rảnh vào các mạng xã hội, đặc biệt là TikTok khiến họ khó có thể tập trung đọc một cuốn sách như trước.

Những xu hướng đọc của Gen Z

Theo BookRiot, Gen Z ngày nay có xu hướng đọc khác trước, chịu ảnh hưởng nhiều từ BookTok, đọc đa dạng hơn...

Lê Lam

Bạn có thể quan tâm