“Cha mẹ đã sinh chúng em ra, đặt cho chúng em vào hoàn cảnh thật ngặt nghèo, chắc hẳn là sẽ không có tương lai. Ngày hôm nay, chúng em xin mời các anh chị hãy bước nhè nhẹ vào thung lũng của tình yêu, của lứa tuổi mười tám đôi mươi để nghe kể về đời của một người con gái mang hai dòng máu chất chứa những nỗi niềm, chua xót mà chúng em đã và đang trải qua từng ngày”, cô đào tiếp tục bộc bạch trên sân khấu nhỏ.
Một đêm nhạc hội ngộ đúng với cái tên của nó, bởi lẽ có sự góp mặt của cô đào chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam - Trang Kim Sa (66 tuổi) và nghệ sĩ lô tô Bích Thuỷ. Họ được xem là chị cả của dòng nhạc lô tô, từng một thời “khuấy đảo” các sân khấu khấu khắp Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam thập niên 90.
Mặc dù 19h chương trình mới bắt đầu nhưng từ chiều những cô đào đã tất bật chuẩn bị trang phục, tập luyện lại những ca khúc để chuẩn bị cho đêm diễn. Trong căn phòng thay đồ chỉ vài mét vuông, họ giúp nhau điểm phấn tô son, khoác lên mình những bộ cánh lộng lẫy chờ đến giờ bước ra ánh đèn sân khấu. Họ nhận mình là ca sĩ, nói lên tiếng lòng, như lời tâm sự của cô đào với nghệ danh Bi Bi Phụng (39 tuổi): “Chúng em chỉ mượn tiết tấu của ca khúc Dạ từ để hát lên những dòng tâm sự, những tủi cực đã trải qua”.
Màn đêm xuống, ánh đèn sân khấu với đủ màu sắc hoà quyện vào nhau cũng là lúc khán giả yêu dòng nhạc lô tô tìm đến thưởng thức giai điệu vốn chỉ được biết đến qua những đêm hội chợ.
Trên sân khấu nhỏ, âm vang, nhịp điệu và tiếng hát của những cô đào chuyển giới cứ ngân vang vào tiếng ồn ã của phố xá Sài Gòn phồn hoa. Họ bước đi kiêu sa dưới ánh đèn màu trong sự tán dương của khán giả. “Cuộc đời tôi sinh ra, số phận thật lạ kỳ làm sao thấu hiểu mọi người, mang kiếp con trai, tâm hồn là gái, cuộc đời đâu ai biết, nào có biết cho thân tôi”, giọng ca của cô đào Trang Kim Sa vang lên khiến nhiều khán giả không giấu được nước mắt. Đó là những giọt nước mắt sẻ chia, đồng cảm với thân phận vốn chịu nhiều thiệt thòi bởi không ít lần họ phải né ánh mắt kỳ thị của người đời. “Mong người đời người hãy thấu hiểu, hãy thương lấy chị em chúng tôi”, cô đào với nghệ danh Hương Nam thốt lên như nói thay cho nỗi niềm của cả gánh hát.
Hơn 20 năm rày đây mai đó theo các gánh lô tô, cô đào Bi Bi Phụng kể rằng bởi đam mê ca hát mà chị đã trốn cha mẹ, bỏ học đi theo gánh hát rồi cuốn theo nghề này đến tận bây giờ. “Có nhiều người hỏi Phụng là chị đi hát hoài hổng chán sao? Phụng nói không, Phụng sẽ đi hát cho đến khi nào không thể hát được nữa, chỉ mong những gánh hát như Hương Nam sẽ còn tồn tại để chị em có một nơi bám trụ kiếm sống”, Phụng tâm tình.
Hơn 12h đêm, khi sân khấu xuống đèn, những cô đào trút bỏ phấn son trở về lại với hình hài mộc mạc. Ngồi lặng lẽ một góc sân khấu, trưởng gánh hát 25 tuổi Su Su tính toán lại những khoản lời lỗ sau đêm diễn. Theo Su Su, nguồn thu chính của đoàn là từ việc bán vé dò lô tô. Để thu hút khán giả, đoàn treo thưởng những món quà như gấu bông, quạt máy, tivi… Trừ đi chi phí cho cả một đêm diễn, lời lỗ bao nhiêu sẽ chia đều cho các thành viên gánh hát.
“Bữa nào khách đông thì cát xê của mọi người sẽ được cao, đủ trang trải miếng cơm manh áo qua ngày. Nhưng có những đêm trời mưa tầm tã, ế ẩm, ai cũng buồn rười rượi và chỉ biết động viên nhau gắng hôm sau bù lại”, Su Su kể với chất giọng khàn đặc sau một đêm ca cẩm mua vui.
Theo Su Su, gánh hát này thành lập mới được hơn một năm nay với khoảng 20 thành viên. Ngoài biểu diễn ở TP.HCM, gánh lang bạt khắp các tỉnh phía Nam. Để duy trì được đến giờ là nhờ sự đùm bọc, yêu thương của khán giả như lời tâm sự trên sân khấu của những cô đào: “Ngày ngày ra lô tô để làm trò cười cho mọi người, trời ơi sao quá tủi buồn, ai biết cho chăng, đêm nằm em khóc, nghẹn ngào trong nước mắt nào ai hiểu cho mình. Con van ông trời đem phước lại đời cho con, con mang kiếp này, đoạ đày cho tới bao lâu, ai ơi thông cảm xin hiểu giùm đời của nó, hát lên bản nhạc mong tất cả hiểu cho em”.
Với những cô đào ấy, chỉ bước lên sân khấu mới được sống với đam mê, được trút bỏ gánh nặng của số phận mà cất lên lời ca thay tiếng lòng. Còn rời xa sân khấu, họ đối diện với trăm ngàn nỗi âu lo của kiếp người mà ngay từ khi sinh ra đã trót mang trong mình một thân phận “lạc loài”.
Màn đêm Sài Gòn bắt đầu tĩnh mịch, những cô đào lỉnh kỉnh đạo cụ, trang phục lủi thủi trở về nhà nhưng đoạn kết của một bài hát cứ văng vẳng trong đầu tôi: “Rồi thời gian trôi qua, số phận trở về già, đời em sẽ chịu tủi buồn, mai mốt đây thôi, em mà có chết thì xin giọt nước mắt nhỏ lên xác thân này. Nhưng nếu mai sau, nếu mà có chết thì xin mọi người thương xót nhỏ lên xác thân này...”
Một đêm nhạc để lại trong tôi nhiều cảm xúc về những “số phận lạ kỳ” và chỉ biết ghi lại những bằng chiếc điện thoại cầm sẵn trên tay.
Tôi hiểu rằng để dùng một chiếc điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc nhiều cảm xúc đó vào ban đêm là không dễ dàng. Nhưng may mắn Oppo R17 Pro có thể lưu giữ một cách chân thực. Đó là những ngọn lửa bùng lên do cô đào Bội Nhi phun ra từ miệng, những bước nhảy cuồng nhiệt của Năm Chà trên một sân khấu bị hút sáng bởi màn hình LED và nhiều đèn màu phức tạp hay cử chỉ quan tâm họ dành cho nhau trong bóng tối phía sau sân khấu.