Cũng như các chuyến công du nước ngoài khác, lần này, chỉ vẻn vẹn 2 ngày tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar (12-13/11), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện một chương trình làm việc dày đặc với lịch trình khép kín và được sắp xếp tỉ mỉ tới từng phút.
Tất cả các khoảng thời gian dành cho giải lao giữa các hội nghị đều được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tận dụng tối đa cho các cuộc tiếp xúc song phương với nguyên thủ các quốc gia trên thế giới tề tựu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Thủ đô của Myanmar tươi đẹp đang trong những ngày nắng vàng rực rỡ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 25. |
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục chuyển biến phức tạp và tác động nhiều chiều đến ASEAN với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, song xu thế hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo.
Trọng tâm của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị Cấp cao liên quan là tập trung vào việc thúc đẩy triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, xây dựng định hướng cộng đồng sau năm 2015; phát huy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; kiểm điểm và đề ra định hướng tăng cường quan hệ ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á cũng như trao đổi nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Các trọng tâm nêu trên đã được các quốc gia ASEAN, các nước đối tác đưa lên bàn nghị sự, tập trung phân tích, đánh giá, thảo luận, mổ xẻ,… tới từng chi tiết tại các Hội nghị: Cấp cao ASEAN 25, Cấp cao ASEAN+1 (với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc), Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Australia, Cấp cao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Cấp cao Mekong - Nhật Bản…
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã đóng góp tích cực vào thành công chung của các hội nghị này.
Quang cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN 25. |
Thủ tướng đã phát biểu tại các hội nghị thể hiện tinh thần “Chủ động, tích cực, có trách nhiệm” của Việt Nam được cụ thể hóa ở những quan điểm, đề xuất, kiến nghị, như: Khẳng định việc tiếp tục đề cao đoàn kết và thống nhất ASEAN là điều kiện tiên quyết bảo đảm mục tiêu Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 và tiếp tục phát triển vững mạnh trong giai đoạn mới; đề xuất ASEAN cần tích cực phối hợp và thống nhất lập trường, chủ động có tiếng nói chung với các vấn đề ở khu vực, phát huy vai trò trung tâm trong việc xây dựng cấu trúc khu vực với các chuẩn mực chung trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực ứng xử của ASEAN.
Trong triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến trách nhiệm và nỗ lực của từng quốc gia và cả khối trong việc thực hiện các cam kết; khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa trong năm 2015 để cùng với các nước ASEAN bảo đảm hoàn thành Lộ trình như mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng còn nêu nhiều đề xuất quan trọng trong việc xác định các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, làm cơ sở tiếp tục xây dựng, cụ thể hóa thành các định hướng phát triển của ASEAN giai đoạn 2016-2025; đề nghị đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong việc ngăn ngừa và xử lý hiệu quả thách thức đang đặt ra như an ninh, an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tại Myanmar ngày 11/11. |
Dấu ấn tích cực của Việt Nam còn đậm nét trong các tuyên bố như: Tuyên bố Nay Pyi Taw về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; Tuyên bố ASEAN về tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN và nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ quan ASEAN; Tuyên bố ASEAN-Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu; Tuyên bố ASEAN-Nhật Bản về chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; Kế hoạch công tác ASEAN-Liên Hợp Quốc 2015; Tuyên bố Cấp cao Đông Á về ứng phó dịch bệnh Ebola và chống buôn bán động vật hoang dã…
Tại các hội nghị, nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm đã được trao đổi ý kiến, thảo luận, trong đó vấn đề Biển Đông đã làm “nóng” bàn nghị sự.
Các ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về: “Tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm”, hay “Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”, hoặc đề nghị “Các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của LHQ năm 1982; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực”… đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và chia sẻ của lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác. Sự đồng tình, ủng hộ này đã được cụ thể hóa trong các văn kiện của các Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng LB Nga Medvedev trong cuộc tiếp xúc song phương chính thức tại Myanmar ngày 12/11. |
Có thể khẳng định, vấn đề Biển Đông được Thủ tướng nêu lên tại các Hội nghị là hết sức thiết thực, cụ thể và như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khi trả lời báo giới đã nói: “Cách tiếp cận của chúng ta trong vấn đề này tại các hội nghị thể hiện tính tích cực, xây dựng và trách nhiệm, được các nước đồng tình, hưởng ứng”.
Đó là tại các diễn đàn đa phương. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng tận dụng tối đa khoảng thời gian trống giữa các hội nghị cho các cuộc tiếp xúc song phương với nguyên thủ các quốc gia, người đứng đầu tổ chức quốc tế. Trong đó có các cuộc gặp chính thức với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng LB Nga Medvedev, Thủ tướng Australia Tony Abbott.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hết sức chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với các đối tác thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, người đứng đầu Nhà trắng - Tổng thống Obama - đã khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ và nhấn mạnh Hoa Kỳ “sẽ xem xét dành những linh hoạt cần thiết đối với Việt Nam và phù hợp với lợi ích của cả hai bên”;
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbott trong cuộc tiếp xúc song phương chính thức tại Myanmar ngày 12/11. |
Thủ tướng Nga Medvedev bày tỏ vui mừng về việc Việt Nam sẽ là đối tác đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan theo lộ trình hai bên đã thỏa thuận, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước về kinh tế, đầu tư, thương mại và khoa học kỹ thuật.
Trong các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vấn đề Biển Đông cũng cũng được Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng LB Nga Medvedev, Thủ tướng Australia Tony Abbott đặc biệt quan tâm.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định quan điểm của LHQ là các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại, các bên không có hành động gây căng thẳng. Ông Ban Ki-moon trông đợi các hội nghị ở khu vực sẽ là cơ hội để các bên liên quan giải quyết vấn đề trên cơ sở cách tiếp cận hướng tới tương lai, và LHQ sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ trong vấn đề này.
Thủ tướng LB Nga Medvedev bày tỏ sự chia sẻ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, và luôn mong muốn tình hình Biển Đông ổn định.
Thủ tướng Australia, Tony Abbott thì khẳng định Australia ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN và Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong cuộc tiếp xúc song phương chính thức ngày 13/11 tại Myanmar. |
Tại cuộc gặp Tổng thống Obama, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao lập trường rõ ràng của Hoa Kỳ; đề nghị Hoa Kỳ và các nước tiếp tục đóng góp một cách hiệu quả vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, yêu cầu các bên thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ DOC, sớm ký kết COC.
Chuyến công du bận bịu trong 2 ngày với một chương trình làm việc dày đặc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, như phác họa nêu trên, đã in đậm dấu ấn thành công của Việt Nam trên cả hai bình diện của “mặt trận ngoại giao” là ngoại giao song phương và đa phương, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với ASEAN cũng như ASEAN với các đối tác, và giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng.