Nếu những câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen làm đắm say lòng người bằng vẻ đẹp kỳ diệu mà trong trẻo, truyện cổ của anh em nhà Grim làm người ta yêu mến bởi sự tươi mới hồn nhiên thì những câu chuyện của E.T.A Hoffmann lại làm bạn đọc thích thú vì chất trí tuệ quyện hòa với trí tưởng tượng bay bổng.
E.T.A Hoffmann là nhà văn người Đức, một nhà văn Đức đặc biệt. Những truyện của Hoffmann viết cho trẻ em, nhưng không phải là thứ truyện đơn giản mà ẩn sau mỗi con chữ là hiện thực và khám phá mới mẻ về cuộc sống.
Tiêu biểu cho các sáng tác của ông không thể không kể tới Chàng cắn hồ đào và vua chuột – cuốn sách do Nhã Nam phát hành tập hợp ba cổ tích hấp dẫn nhất của Hoffmann: Chiếc âu vàng, Zaches tí hon mệnh danh Zinnober, Chàng cắn hồ đào và vua chuột.
Chiếc âu vàng mở ra trước mắt các em nhỏ thế giới vừa thân quen mà vừa kì lạ, song tất thảy đều vô cùng rực rỡ: “Các rừng cây, các bụi rậm xanh tươi lay động âm vang hơn, suối nguồn reo mừng tươi vui hơn, trong sáng hơn. Và những con chim cùng vô vàn côn trùng sặc sỡ nhảy múa trong không gian. Một cuộc vui tưng bừng hân hoan và hào hứng ở trên trời, dưới nước và trên mặt đất ăn mừng lễ hội của tình yêu! Những tia chớp nhấp nhoáng khắp nơi lao qua các lùm cây, kim cương dưới lòng đất nhìn lên bằng muôn ánh hào quang! Các giếng phun trên cao bắn ra nước lấp lánh - những mùi hương kì lạ như có cánh bay quanh - đó là các vị thần thiên nhiên đến để tỏ lòng ái mộ Serpentina và báo tin vui về hạnh phúc của chàng Anselmus”.
Bìa sách Chàng cắn hồ đào và vua chuột. |
Thực và mộng, trần gian và thần tiên, cuộc sống và phép thuật tất cả hòa quyện với nhau trong tình yêu thuần khiết mà chàng sinh viên Anselmus dành cho Serpentina xuyên suốt mười hai chương của Chiếc âu vàng. Chiếc âu vàng có bông hoa huệ tuyệt đẹp là minh chứng, là lối đi cho tình yêu đôi lứa.
Chiếc âu vàng là bài ca về tình yêu thuần khiết, về lòng dũng cảm và những điều kì diệu trong cuộc đời.
Những điều khiến truyện cổ tích của E.T.A Hoffmann đặc biệt, chính bởi nhà văn thường chêm vào đó những lời “thỉnh cầu buồn bã của tác giả”. Chính những lời văn ấy khiến câu chuyện mà chúng ta được nghe kể có kì bí, có mộng mơ tới đâu cũng đều trở nên chân thực và gần gũi.
Và chính trong những chia sẻ của nhà văn, ta cảm nhận được sự “kì lạ hiếm có” của một cây bút tài năng: “Xin bạn hãy để cho mình đọc truyện này với một tâm trạng thật thoải mái và vô tư để nhận xét các nhân vật kì dị đến với bạn, vâng, thậm chí hãy làm bạn với chúng, bởi các nhân vật ấy đến với nhà văn nhờ anh ta linh cảm được sự hiện hình dị thường của chúng, còn gọi là trí tưởng tượng, và có lẽ anh ta cũng để mình bị cái bản tính dị thường của chúng cuốn hút theo”.
Câu chuyện Chàng cắn hồ đào và vua chuột được chuyển thể thành vở ballet lừng danh Kẹp hạt dẻ. Ở Chàng cắn hồ đào và vua chuột chúng ta như được hòa mình vào thế giới trẻ thơ với những món đồ chơi xinh xắn, với những sự việc thầm thì kể lại. Đọc câu chuyện có em bé nào không yêu mến cô bé Marie nhân hậu, không khâm phục chàng kẹp hồ đào dũng cảm, không căm ghét mụ chuột già xấu xa, không ao ước một lần được đặt chân tới xứ sở vương quốc búp bê với những lâu đài kẹo ngọt, dòng suối mứt trái cây?
Tiếng chuông đồng hồ điểm mười hai giờ, quả chuông thủy tinh rung lên âm thanh trong trẻo diệu vợi, một thế giới phép thuật bừng tỉnh. Những món đồ chơi bước ra khỏi tủ, những bông hoa trở nên có linh hồn, chàng Kẹp hồ đào hóa thành vị hoàng tử tuấn tú, cô bé Marie được đưa đến xứ sở ngọt ngào... Vạn vật như tái sinh một lần nữa trong trang giấy của E.T.A Hoffmann. Có được điều ấy là bởi, như chính nhà văn chia sẻ: “Tôi giống như lũ trẻ sinh ra vào chủ nhật, nhìn thấy những điều người khác không nhìn thấy được”.