Máy bay ATR 72 của VNA. |
Chiều 9/10, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNA Phạm Viết Thanh cho biết, chuyến bay này được thực hiện theo tiêu chuẩn của chuyên cơ đặc biệt dành cho nguyên thủ quốc gia. Ngoài máy bay chính, còn có một chiếc khác dự phòng túc trực trên sân bay.
“Ngay chiều tối cùng ngày, một chiếc ATR 72 (68 chỗ ngồi) được đưa vào xưởng để tháo 4 hàng ghế đầu, hoàn chỉnh nội thất để ngày 10/10 Bộ Quốc phòng và VNA tập dượt những nghi thức cần thiết”, ông Thanh nói.
Tổ bay của chuyến chuyên cơ sẽ có 2 phi công (được duyệt theo chế độ chuyên cơ, tức kiểm tra lý lịch và tay lái tiêu biểu...) và đội ngũ nam tiếp viên được lựa chọn, tăng cường theo tiêu chuẩn cao. Dự kiến, những phi công lái máy bay ATR 72 sẽ là người từng trải qua quân đội.
Vì sao lại chọn máy bay ATR 72 mà không phải loại khác? “Sau khi được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 3 phương án: Dùng máy bay Boeing 777, Airbus 321 và ATR 72. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc kỹ, Ban tổ chức tang lễ chọn ATR 72.
Bởi nếu dùng Boeing hoặc Airbus sẽ phải cần xe nâng linh cữu lên cao. Trong khi với ATR 72, cửa máy bay rộng, chiều cao vừa tầm, thuận lợi cho việc di chuyển linh cữu từ xe đại pháo vào khoang hành khách. Như vậy vừa trang trọng, lại phù hợp để tiêu binh thực hiện những nghi lễ cần thiết”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, VNA sẽ cử một phó tổng giám đốc vào Quảng Bình trước để làm công tác chuẩn bị. Còn đầu sân bay Nội Bài, bộ phận phụ trách mặt đất của VNA sẽ phối hợp với Cục Hàng không và thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông vận tải chuẩn bị chu đáo nhất có thể trong công tác phục vụ.
Được biết, khi nhận nhiệm vụ, phía VNA đã triển khai ngay diễn tập và đưa ra các phương án để cấp trên lựa chọn từ sáng 8/10. “VNA tiền thân là một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, do đó khi được giao trọng trách, các cán bộ-công nhân viên của tổng công ty lấy làm vinh dự được góp phần thực hiện sứ mệnh cao cả đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê an nghỉ”, ông Thanh cho biết.