Từ khi công bố phần cơ bản nhất sau ngày Bác Hồ qua đời, đến tận 20 năm sau (năm 1989), toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được công bố. TS. Lưu Trần Luân, Ủy viên Hội đồng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, một trong số ít người có may mắn được tham gia vào quá trình xuất bản kể lại thời khắc lịch sử in toàn văn Di chúc mà Người đặt tên là “Tài liệu tuyệt đối bí mật”.
Tài liệu tuyệt đối bí mật
TS. Lưu Trần Luân cho biết, trong hồi ký của mình, đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1945 - 1969) thuật lại, khi Bác mất, túc trực bên Người có mặt hầu hết các đồng chí trong Bộ Chính trị. Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đều hỏi đồng chí Vũ Kỳ: “Cụ có để lại gì không?”. Đồng chí Vũ Kỳ trả lời: “Có”.
T.S Lưu Trần Luân. |
Chiều 3/9/1969, tại cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương bất thường để bàn và quyết định việc tổ chức Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Tài liệu tuyệt đối bí mật” đựng trong một phong bì đã được đồng chí Vũ Kỳ giao lại cho Ban Chấp hành Trung ương. Bộ Chính trị quyết định trao “Tài liệu tuyệt đối bí mật” cho một đồng chí có trách nhiệm cơ mật lưu giữ.
Ngày 9/9/1969, Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình. Di chúc của Người đã được Bộ Chính trị công bố cùng ngày và được in với số lượng lớn. Cùng với việc xuất bản thành sách, sau Lễ quốc tang, Di chúc của Người được nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương đăng tải, công bố cả bút tích Di chúc của Người trên trang nhất.
“Di chúc là những lời dặn lại được Bác viết ra trong 5 năm (từ 1965 đến 1969). Ngoài phong bì đựng những lời dặn dò này, Bác ghi: “Tuyệt đối bí mật”, ông Luân nói.
Di chúc toàn văn 20 năm sau
Ông Luân nhớ lại: Vào mùa thu năm 1989, cùng với việc Nhà xuất bản Sự thật xuất bản cuốn hồi ký Bác Hồ viết di chúc của đồng chí Vũ Kỳ do Thế Kỷ ghi, hai tờ báo lớn ở Trung ương đã đăng trong số cuối tuần bài viết của đồng chí Vũ Kỳ xung quanh việc Bác Hồ viết Di chúc và một số nội dung lần đầu công bố trong Di chúc của Người.
“Mùa thu năm 1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, quyết định công bố toàn văn di chúc và ra chỉ thị thực hiện di chúc này. Nhiệm vụ tổ chức xuất bản toàn văn di chúc được giao cho Nhà xuất bản Sự thật”, TS. Lưu Trần Luân cho biết.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Việc in toàn văn cuốn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được giao cho Nhà in Tiến Bộ. “Lần đầu tiên chúng tôi trực tiếp sao chụp, đánh máy, sửa morat Di chúc của Người. Công việc được triển khai khẩn trương trong điều kiện an ninh được bảo đảm nghiêm ngặt. Trước đó, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, phụ trách cơ quan lưu trữ của Trung ương Đảng được giao trọng trách đưa Di chúc từ Kho Lưu trữ xuống nhà in. Công việc hoàn thành trong đêm”, ông Luân kể.
Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in màu, giấy couché (công nghệ và chất liệu hiện đại nhất lúc bấy giờ), số lượng in 100.000 bản. Phần sau cuốn sách in toàn văn thông báo của Bộ Chính trị, toàn bộ các bản gốc bút tích Di chúc cũng được sao chụp, in màu.
Đưa cho phóng viên xem bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản năm 1989, ông Luân cho biết thêm: “Cảm nhận lúc ấy là sự tự hào vì được tham gia vào một việc hệ trọng, nhưng cũng không kém phần áp lực vì phải hoàn thành nhiệm vụ được giao với sự chính xác từng câu chữ, dấu chấm, phẩy”, ông Luân nói.
Trung tuần tháng 5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết di chúc. Người đã chọn một ngày đẹp trời trong dịp kỷ niệm ngày sinh, khi sức khỏe còn rất tốt và trí tuệ minh mẫn để viết những lời dặn lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Từ ngày 10-14/5/1965, mỗi ngày Người dành khoảng một tiếng để viết và hoàn thành bản Di chúc gồm ba trang, do Người tự đánh máy, đề ngày 15/5/1965. Năm 1966, Người bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng. Năm 1967, Người xem lại nhưng không sửa gì.
Năm 1968, Người viết thêm 6 trang gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Người xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm một trang viết tay.
(Trích bài viết: “Tài liệu tuyệt đối bí mật
- quá trình công bố và xuất bản
-TS. Lưu Trần Luân)