Thấy động, con hổ mang liền nhả độc về phía người. Đám thợ giật mình, thót tim vì sợ hãi. Nhưng, với kinh nghiệm dạn dày, chỉ dùng một đòn xoay và lấy tay kẹp chặt đầu con rắn, những thợ rắn thôn Bãi Sậy 3, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã chinh phục được con rắn độc dữ tợn một cách ngoạn mục, rồi từ từ lôi nó ra khỏi hang... Lộc từ rắn không nhiều, song cái giá phải trả của những thợ rắn có khi là cả tính mạng.
Theo chân thợ rắn...
Nghe lời đồn, chúng tôi tìm về thôn Bãi Sậy 3 một chiều cuối tuần, để “mục sở thị” cái nghề mạo hiểm song cũng đầy thú vị này: Nghề bắt rắn độc. Với những người thợ nơi đây, nghề bắt rắn không chỉ là cách kiếm kế sinh nhai, nó còn là niềm đam mê ngấm vào máu và được truyền nối qua nhiều thế hệ. Đàn ông, trẻ con trong làng thường túm năm, tụm bảy chia nhóm đi bắt rắn. Theo ông Nguyễn Văn Tài, nguyên Trưởng thôn Bãi Sậy 3, đây cũng là cách để hạn chế tình trạng người dân bị rắn cắn, bởi địa bàn có cánh đồng rộng và nhiều cây cối um tùm.
Thật may, khi chúng tôi tìm được tới Nhà văn hóa thôn Bãi Sậy 3 thì cũng là lúc nhóm thợ rắn chuẩn bị một cuộc hành trình săn rắn mới. Qua vài lời giới thiệu, tôi nhanh chóng được nhóm thợ cho nhập cuộc, song một người thợ trung tuổi vẫn không quên khuyên tôi nên cách xa nơi họ làm việc và phải hết sức đề phòng: “Cái giống này nó nhanh lắm, anh liệu mà giữ khoảng cách, kẻo nó tợp một nhát là đi luôn đấy”.
Qua rặng tre đầu làng, đám thợ chia nhỏ ra, cứ 2 người một hướng tỏa ra khắp cánh đồng tìm dấu rắn. Tôi được chỉ dẫn theo đoàn của ông Nguyễn Đình Thanh và một thợ trẻ khác trong làng. Phát hiện hang khả nghi, hai người thợ liền tủa ra xem xét. Nhờ kinh nghiệm, ông Thanh khẳng định chắc nịch: Đây là con rắn mồng lớn. Quả đúng như tiên đoán, khi vừa đào đến nửa hang, chúng tôi đã phát hiện ra đuôi con rắn.
Xác định con rắn vừa ăn no, di chuyển khó khăn, ông Thanh vận dụng ngón nghề quen thuộc: Dùng móc kéo đuôi con rắn ra khỏi hang, rồi nhanh tay túm đuôi, giật mạnh và quay nó vài vòng trên không trung trước khi khống chế hoàn toàn trong chiếc túi quen thuộc. “Loài này háu ăn lắm. Một khi đã no là chúng rất ít di chuyển, người thợ nắm được quy luật của chúng thì xử lý rất dễ”, ông Thanh dẫn giải.
Song theo ông Thanh, những cuộc truy tìm, vây bắt rắn không phải khi nào cũng thuận lợi, bởi người thợ dù có nắm bắt được tập tục của rắn, đoán biết được hiện trạng của nó nhưng gặp phải con rắn hung dữ, thì cũng rất vất vả khống chế. Ví như trường hợp săn rắn ráo của nhóm thợ Nguyễn Văn Duyên, Nguyễn Văn Triều.
Theo những dấu hiệu để lại trên lùm cây, nhóm thợ nhận định, con rắn chỉ quanh quẩn đâu đó, nhưng tìm kiếm hồi lâu vẫn không có kết quả. Bất ngờ, từ trên cao, con rắn há miệng, phi thân về phía một người thợ. Nhờ phản xạ trong nghề, nên miệng con rắn đã gắn trọn vào tay áo của người thợ. Song, do lợi thế chiều dài thân mình, nó đã kịp đu trở lại cành cây và tiếp tục giằng co cùng cánh thợ săn. Phải nửa tiếng sau, nhờ có sự trợ giúp của ông Thanh, hai người thợ mới khuất phục được con rắn dài chừng 1,3m và dữ tợn này.
Người thích... rắn độc
Gần 50 tuổi, nhưng ông Nguyễn Đình Thanh đã có ngót 30 năm trong nghề. Không chỉ là tay săn rắn lâu năm, ông Thanh còn được biết đến là người bắt rắn độc duy nhất trong làng. “Thợ rắn ở làng thì nhiều lắm, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến anh Thanh, chuyên bắt rắn độc” - ông Nguyễn Văn Tốt, người thôn Bãi Sậy 2, xã Tân Dân nói với chúng tôi.
Sau hành trình săn rắn buổi sáng, chúng tôi tìm đến ông Thanh tại xóm 19. Phía ngoài ngôi nhà khang trang, ông Thanh đang xử lý đống chiến lợi phẩm là những con rắn độc mới bắt được cho một vị khách cùng xóm. Qua câu chuyện, chúng tôi được nghe kể về một nghề nguy hiểm: Nghề săn rắn độc. “Tôi theo nghề từ năm 18 tuổi, bắt được hàng vạn con rắn, nhưng rắn độc thì mới được khoảng hơn chục năm nay thôi” – ông nhớ lại.
Theo ông Thanh, hồi ấy, ông cùng nhiều anh em đi bắt rắn, nhưng gặp rắn độc, ai cũng dè chừng. Nghĩ rằng, nếu mình không làm, thì sớm hay muộn những con rắn độc như: Đen trắng, đen vàng (còn gọi là cạp nia, cạp nong), hổ mang bành... cũng sẽ gây họa cho người dân nên ông đã mạo hiểm. Quyết tâm chế ngự những con xà độc này, ngay trong lần đầu tiên, ông đã gặp một đối thủ đáng gớm: Một con rắn hổ mang nặng gần 1,5kg.
Vốn là giống dữ tợn và ghê gớm nhất trong họ nhà rắn nên khi thấy người, con hổ mang dựng đứng, giương chiếc cổ bành to, hướng sự đe dọa về phía người thợ. Bất cứ cử chỉ nào của người thợ đều không qua mắt được con mãng xà. “Bị bổ hụt mấy lần, cũng đứng tim, nhưng quyết không chế con này, nên tôi nghĩ đủ cách”, ông nhớ lại. Sau gần nửa buổi sáng cân não cùng con rắn độc, ông đã kết thúc cuộc đọ sức bằng một cú xoay tay và chộp đầu con rắn khi nó vô tình mất cảnh giác. “Cũng hú vía, thấy bị động, con rắn đã nhe nanh, phun nọc độc, nhưng may tôi tránh được”, ông Thanh chậm rãi.
Đối với ông Thanh, bắt rắn không chỉ là nghề để mưu sinh, mà còn là niềm đam mê. “Nhiều lần vợ con cũng khuyên bỏ nghề vì nguy hiểm, nhưng chỉ được ít lâu thôi. Nhớ nó quá rồi, bỏ không nổi”, ông cười bảo.
Đi săn, gặp được con rắn độc là niềm vui, điều may mắn với đám thợ rắn như ông Thanh. Bởi, rắn càng độc, càng nguy hiểm thì càng có giá trị. Thời điểm hiện tại, rắn cạp nong có giá khoảng 1 triệu đồng/kg, rắn cạp nia khoảng 300-400 nghìn đồng/1kg, rắn hổ mang nặng từ 1kg trở lên có giá từ 800-850 nghìn đồng/1kg.
Gắn bó với nghề bắt lâu năm, nên ông am hiểu khá tường tận về chúng, từ tập tục, cho đến hình thù răng cắn... Người bị rắn cắn trong, ngoài làng đều đến nhờ ông nhận định vết rắn cắn để liệu đường chữa trị. “Bắt mấy loại rắn ráo, rắn mồng, tôi bị cắn suốt, nhưng không ngại vì chúng không có độc, chứ còn bị hổ mang cắn mà chậm chân thì kể như toi”, ông Thanh lưu ý.
Sinh nghề, tử nghiệp
Nghề rắn chỉ đủ ăn, nhưng nó là duyên nợ, muốn bỏ cũng khó. Có người lấy đó làm nghề chính để kiếm sống, có người chỉ coi đó là việc lúc nông nhàn, nhưng tất cả bọn họ đều thừa nhận, nghề không đủ làm giàu, nhưng người thì phải sống chết với nghề.
Dù không phải nghề cha truyền, con nối, nhưng người đàn ông nào trong làng cũng biết bắt rắn. “Chúng tôi tự hào vì đàn ông làng này không ai sợ rắn và đều có thể cứu người khi bị rắn cắn”, ông Nguyễn Văn Hiến, một cao niên trong làng cho biết.
Thợ rắn thường đào hố trong khu vực gần nhà để nhốt rắn, khoảng 2-3 ngày sau, các chủ hàng sẽ đến cân, nhưng thường thì thợ rắn bị ép giá thấp, nên số tiền bán rắn chỉ đủ chi tiêu hàng ngày.
Là một trong số không nhiều thợ rắn trong làng ăn nên làm ra nhờ nghề rắn, ở tuổi ngũ tuần, ông Thanh đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang. Thay vì đổ buôn cho chủ hàng, ông Thanh chuyển sang nhận chế biến rượu rắn, theo yêu cầu của khách. Tính ra, mỗi bình rượu rắn khoảng 10 lít, thành phần gồm một con rắn hổ mang, một con cạp nong và một con rắn ráo sẽ có giá khoảng 3,7 triệu đồng. Trừ chi phí rượu, bình, ông cũng lãi được 3 triệu đồng/bình. Thu nhập trung bình khoảng 300 - 400 nghìn đồng/ngày.
Sống chết với nghề, nhiều thợ rắn không tránh khỏi bị rắn cắn. Ngoài đồ nghề là một chiếc thuổng để đào, chiếc móc và túi đựng, người thợ hầu như không trang bị phương tiện bảo hộ nào khác. Đã có những tai nạn đáng tiếc do rắn gây ra với chính những người thợ rắn. Điển hình gần đây là trường hợp anh Nguyễn Văn Đ bị rắn hổ mang cắn vào tay, đe dọa tới tính mạng. Anh Đ được đưa xuống Bệnh viện huyện Khoái Châu trong tình trạng hôn mê. Nhờ được chuyển viện kịp thời nên giữ được mạng sống. Không may mắn như anh Đ một chủ rắn tên Đồng (xã Bình Minh) do chủ quan nên bị rắn cạp nia cắn mất mạng. Nhiều thợ khác cũng phải mang thương tật vì rắn cắn. “Nghề rắn là thế, hưởng lộc không nhiều, nhưng nghiệt ngã lắm. Cũng vì miếng cơm, manh áo, ai trót theo thì phải chấp nhận thôi” - ông Thanh trầm giọng.