Ngày nay, du khách vượt đường xa vạn dặm để đến tham quan lăng Gia Long, sẽ không khỏi ngạc nhiên, vì thấy bên cạnh bệ thờ nhà vua là một chiếc chậu cổ bằng sứ. Xung quanh sự xuất hiện của chiếc chậu cổ này được gắn với những câu chuyện rất huyễn hoặc về rắn thần. Thực, hư như thế nào?…
Năm Rắn (Qúy Tỵ - 2013) sắp hết, năm Ngựa (Giáp Ngọ - 2014) đang tới gần, tình cờ nghe được chuyện rắn thần xuất hiện trong chậu cổ ở lăng Gia Long, thế là chúng tôi thuê con đò ngược dòng Hương giang lên Thiên Thọ Sơn. Trong tiết trời giá lạnh và không gian âm u của ngày cuối năm, càng làm cho Thiên Thọ Sơn trở nên kỳ bí. Đi hết đoạn đường lởm chởm đá, từ bến đò chạy quanh co qua những khu vườn với những cây cối trĩu quả, chúng tôi chạm bậc đá đầu tiên vào lăng Gia Long, nơi yên giấc vĩnh hằng của vị vua sáng lập triều Nguyễn.
Đứng ở đây, nhìn về núi Đại Thiên Thọ như bức bình phong trước lăng; ngó lại sau lăng cũng có 7 ngọn núi án ngữ. Và, hai bên "Tả thanh long, hữu bạch hổ", mỗi bên có 14 ngọn núi; trông như những người lính khổng lồ canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho nhà vua. Tương truyền, từ khi mới lên ngôi hoàng đế trị vì thiên hạ (1802), vua Gia Long đã giao trọng trách cho thầy địa lý Lê Duy Thanh là con trai nhà bác học Lê Qúy Đôn tìm địa điểm xây lăng và ông đã phải mất bao công sức mới tìm được thế đất phong thủy tốt, hội tụ đầy đủ địa linh này. Năm 1814, lăng Gia Long được xây dựng và đến năm 1820 thì hoàn tất. Chính vì ở cái thế đất "long bàn, hổ phục" giữa núi non trập trùng, như bức tranh kỳ vỹ, câu chuyện kể về rắn thần xuất hiện trong chiếc chậu cổ trong lăng Gia Long càng thêm phần huyễn hoặc…
Chiếc chậu cổ ở lăng Gia Long mang nhiều câu chuyện huyền bí. |
Khi nghe chúng tôi hỏi về chiếc chậu cổ gắn với câu chuyện rắn thần, ông Hồ Thúc Muộn, tổ trưởng tổ bảo vệ lăng Gia Long, thoáng chút ngỡ ngàng. Ông Muộn, bảo rằng, chuyện huyễn hoặc thì nghe người ta đồn đại rất nhiều, nhưng đã hơn 20 năm làm bảo vệ lăng Gia Long, ông không thấy hiện tượng gì lạ về chiếc chậu cổ. Ông Muộn giãi bày: "Khi tui được làm bảo vệ lăng Gia Long, người ta đã khiêng chiếc chậu trả lại lăng rồi. Còn vì sao người ta lấy chậu đi, rồi khiêng trả lại thì nghe đồn nó rất "thiêng". Chuyện rắn thần cũng từ đó được đồn thổi, thêu dệt ra".
Trầm ngâm một lúc, đoạn ông Muộn nói tiếp: "Nhưng, tui nghe các cụ già ở làng Định Môn kể lại rằng, trong chiến tranh, vùng đất Hương Thọ (nay thuộc thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) bị giặc Mỹ giội bom đạn đánh phá khốc liệt. Nhiều điểm ở lăng Gia Long bị bom Mỹ giội trúng, hai chiếc cột biểu án ngữ trước lăng cũng bị đổ ngã, nền sân thì loang lổ những hố sâu… Ấy thế mà chiếc chậu sứ kia nằm trước sân lăng lại không hề hấn và không bị sứt mẻ chút nào. Đây là điều khiến nhiều người cho là nó "thiêng". Sau giải phóng, chậu cổ bị người ta lấy đi; nhưng rồi nó được mang trả lại. Nghe đâu, những người mang chậu cổ về nhà đều gặp tai ương".
Bà Lê Thị Ngăn kể chuyện chiếc chậu cổ liên quan đến việc chồng là ông Trần Im bị ngã bệnh. |
Đưa chúng tôi vào điện Minh Thành, thắp nén hương trầm trên bàn thờ vua Gia Long, ông Muộn dẫn chúng tôi vào góc trái của điện thờ, là nơi đặt chiếc chậu cổ. Và, khi ông Muộn lấy mảnh vải sạch lau qua lớp bụi bẩn thì những họa tiết trang trí (hoa lá, chim) ở mặt ngoài thành chậu như sáng lên, càng tôn thêm nét đẹp bí ẩn của chiếc chậu. Ông Muộn gõ tay vào thành chậu, bảo: "Đây là chiếc chậu cổ duy nhất và cũng là hiện vật cuối cùng của lăng vua Gia Long còn lại do được người dân bảo vệ đến tận hôm nay. Không biết nó xuất xứ từ đâu và vào thời gian nào; nhưng nghe dân làng Định Môn truyền miệng, nó có từ khi lăng vua Gia Long được xây dựng xong (năm 1820), được nhà vua cho đặt giữa sân lăng".
Lật từng trang trong cuốn sổ ghi chép về các cổ vật được lưu giữ tại lăng vua Gia Long, chúng tôi chỉ nắm được một số thông tin ít ỏi về chiếc chậu cổ như: chậu có đường kính 80cm; cao 0,5m; bên ngoài kẻ viền 4 ô có trang trí hoa văn chim, lá, cành…Tuy nhiên, không để chúng tôi thất vọng, ông Muộn giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Lê Quốc Thành, nguyên là cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã nghỉ hưu về ở làng Định Môn. Ông Thành là người đầu tiên khiêng chiếc chậu cổ về nhà, rồi sau đó mang trả lại lăng Gia Long...
Rót chén trà thơm mùi hoa lài mời khách, ông Thành hồi tưởng lại chuyện cũ. Theo lời ông Thành, đầu năm 1976, ông đang là Trưởng Công an xã Hương Thọ, một lần tình cờ đi vào lăng Gia Long thì phát hiện chiếc chậu cổ. Lúc này, lăng đã bị bom đạn tàn phá gần hết, bờ tường, trụ cột nằm đổ ngổn ngang, nhưng chiếc chậu cổ vẫn còn nguyên vẹn, nên ông định bụng lấy về chứa nước uống. Thế là ông về làng nhờ 6 thanh niên mang theo cây đòn dài khoảng 10m đến lăng Gia Long để khiêng chiếc chậu về dùng. Sự việc vẫn chẳng có gì để nói nếu hè năm ấy, ông không thấy một chuyện lạ lùng...
Điện Minh Thành - nơi thờ tự vua Gia Long, cũng là nơi đặt chiếc chậu cổ ngày nay. |
Ông Thành nhớ lại, đó là một buổi chiều, lúc ông đang chìm trong giấc ngủ say, thì trong mơ thấy một con giao long xuất hiện. Ông choàng tỉnh dậy, nhìn ra chiếc chậu cổ khiêng từ lăng Gia Long về đựng nước đặt trước hiên nhà, ông sởn da gà vì một con rắn hổ mang to bằng cổ chân người lớn đang cuộn tròn quanh chiếc chậu, phình mang thè lưỡi, trợn mắt nhìn ông trông rất hung dữ. Quá sợ hãi, ông chạy vào nhà lấy khẩu súng AK (được Nhà nước cấp) ra nhắm hướng con rắn bắn 7 phát, nhưng con rắn không chết mà phóng vào bụi rậm mất dạng. Thấy sự việc diễn ra quá kỳ lạ, nghĩ "rắn thần" xuất hiện để bảo vệ chậu cổ của đức vua nên mẹ ông Thành đã khuyên con khiêng chiếc chậu ấy đưa về đặt lại vị trí cũ trước sân lăng Gia Long. Tuy không tin, nhưng chiều lòng mẹ, ông Thành nhờ 10 thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng khiêng chiếc chậu cổ trả lại chỗ cũ…
Nhiều vị cao niên làng Định Môn, kể rằng, sau khi ông Thành đem trả lại chiếc chậu cổ thì có một số người đã đến lăng Gia Long khiêng chiếc chậu này về làm vật dụng, đựng nước, đựng gạo; song sau đó họ đều ngã bệnh nên hoảng sợ trả lại. Như trường hợp cụ Mai Văn Chiêm. Cụ Chiêm nay đã mất, nhưng khi gặp chúng tôi, người con trai thứ hai của cục là ông Mai Văn Vinh (51 tuổi) cũng xác nhận điều này.
Ông Hồ Thúc Muộn, tổ trưởng tổ bảo vệ lăng Gia Long, đang lau chùi chiếc chậu cổ. |
Theo lời ông Vinh, mặc dù đã nghe ông Thành kể chuyện, nhưng cha của ông (cụ Chiêm-NV) vẫn nhờ một số người đến lăng vua Gia Long khiêng chậu cổ về nhà, cũng để đựng nước. Nhưng, quái lạ, từ khi mang chiếc chậu cổ về, không hiểu vì lý do gì mà hai đêm liền cụ ngủ đều mơ thấy một con giao long nằm cuộn mình trong chiếc chậu. Qua đêm thứ 3, cụ vẫn mơ thấy giao long, rồi đến sáng hôm sau thì ngã bệnh, không thể dậy được nữa. Sự việc càng trở nên phức tạp, khi vợ cụ Chiêm bị đau bụng chết "bất đắc kỳ tử".
Ông Vinh nói tiếp: "Đám tang cho mẹ tui xong, anh em tui bàn bạc, hội ý khiêng cái chậu trả lại chỗ cũ ở lăng Gia Long. Rồi cha tui cũng dần dần bớt bệnh, khỏe lại. Từ đó, người trong làng Định Môn càng tin là chiếc chậu cổ của vua, mình phận bề tôi mà phạm thượng nên mới gặp tai họa".
Nhưng, chuyện huyền bí về chiếc chậu cổ trong lăng Gia Long vẫn tiếp diễn vào hai năm sau đó. Nhân chứng sống là cụ bà Lê Thị Ngăn kể rằng, ngày ấy bà đang chăn giữ đàn trâu giữa cánh đồng gần lăng Gia Long. Bỗng, một con trâu đực trong đàn không biết vì sao lồng lên, chạy thục mạng về hướng lăng Gia Long và đã hùng hục lao tới húc mạnh đầu vào thành lăng nhiều lần cho đến chết. Bà Ngăn chạy về báo tin dữ cho chồng là ông Trần Im (nay đã mất). Ông Im mới gọi người tới khiêng xác con trâu ra giữa đường, rồi tự tay xẻ thịt trâu để đem chia cho bà con làng xóm. Chia thịt xong, nhìn vào sân lăng Gia Long thấy chiếc chậu cổ có đầy nước, ông Im liền chạy đến rửa tay. Ngày hôm sau, ông Im bỗng dưng phát bệnh và nhiều đêm mơ thấy giao long quẫy nước trong chiếc chậu cổ.
Bà Ngăn chép miệng nhẹ nhàng nói: "Hồi nớ, nghe chồng tui (ông Im-NV) kể, tui nhớ tới chuyện ông Thành, ông Chiêm trong cái làng ni ngày trước cũng phạm tới cái chậu của nhà vua mà gặp điềm không hay; bèn chạy đến lăng Gia Long, xách mấy thùng nước để rửa sạch chiếc chậu, rồi vào lăng vua thắp hương khấn vái. Xong xuôi mọi việc, tui về nhà nói rõ sự tình; nào ngờ, hôm sau chồng tui bệnh tình thuyên giảm rồi khỏi hẳn". "Tui giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, đọc sách, báo, xem ti-vi nhiều mới nghiệm ra rằng, chắc do chồng tui ổng nghe người làng kể chuyện giao long trong chậu cổ mà khi đã lỡ rửa tay có máu trâu vào đó, sợ làm ô uế chậu cổ nên ngã bệnh thôi. Chứ chẳng phải ma quỷ gì "ám" ông ấy đâu", bỗng nhiên bà Ngăn giải thích rất khoa học.
Ông Bùi Ngọc Tùng, Trưởng thôn Định Môn nói với chúng tôi, cũng nhờ người dân truyền miệng những câu chuyện huyễn hoặc như vậy mà chiếc chậu cổ quý giá của lăng Gia Long mới giữ được đến ngày nay. Và, có thể nói rằng, những câu chuyện mang tính chất huyền bí đó càng tăng thêm phần thích thú, hấp dẫn cho du khách khi đến tham quan lăng Gia Long nằm giữa vùng đồi, núi trập trùng Thiên Thọ Sơn.