Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện bếp núc trên tàu cảnh sát biển

Trên tàu có trên 100 người, đảm bảo bữa ăn sáng 7h, trưa 11h, tối 18h và một bữa ăn nhẹ cho kíp trực đêm là điều rất vất vả trong điều kiện thời tiết sóng, gió.

Những đầu bếp không chuyên

Thoăn thoắt lựa những cọng rau muống còn tươi non, Thượng úy Vũ Ngọc Dũng vừa nhặt vừa tiếp chuyện chúng tôi: “Có ai được dạy nấu ăn theo trường lớp nào đâu, người đi trước chỉ người đi sau, người nấu ngon kèm người chưa biết nấu”.

Trong khi đó, ngay bên cạnh, Đại úy Vũ Văn Sơn đang trổ tài với món “tủ” cá kho riềng theo đúng phong cách của người Bắc. Đặc biệt hơn một chút, thay bằng nồi đất, món cá ở đây được anh kho bằng nồi quân dụng và đun trên bếp điện. 

Trên tàu, Sơn được anh em “tôn” làm bếp trưởng nhờ tài nấu nướng. Song ít ai trong cánh phóng viên biết, Sơn là xạ thủ, tốt nghiệp Đại học Luật và đang giữ trọng trách về chuyên ngành vũ khí trên tàu.

Sơn tâm sự: “Nấu ăn trên tàu nhiều lúc muốn ngon cũng khó, chẳng thể đầy đủ gia vị như trong đất liền được. Biết anh em trực, tác chiến vất vả, mình luôn cố gắng lựa món ăn cho phù hợp. Nhưng đi biển càng dài ngày, rau xanh không bảo quản được nên các món ăn cũng kém ngon đi. 

Vừa thủng thẳng nói, Sơn vừa với tay điều chỉnh nhiệt độ của nồi áp suất, mùi cháo gà thoát ra thơm lừng cả khoang bếp. Tôi lấy làm lạ hỏi Sơn: “Mình vừa nấu cơm sao lại vừa nấu cháo vậy?”. Sơn tươi cười đáp, đây là thực đơn đặc biệt dành cho những đồng chí chưa đi biển lần nào và đang bị say sóng. “Thường khi say sóng, anh em rất mệt, chẳng muốn ăn gì đâu. Nhưng vẫn phải cố ăn để có cái mà nôn, không sẽ còn mệt hơn. Thậm chí có thể dẫn đến chảy máu do dạ dày không có thức ăn để co bóp” - Sơn nói.

Tàu CSB 8003 trong biên chế chỉ có 36 cán bộ, chiến sỹ, nhưng trong hơn hai tháng qua, tàu đã chở ba đoàn phóng viên trong nước và quốc tế ra khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou 981 hạ đặt trái phép. Trong chuyến đi này trên tàu có trên 100 người, đảm bảo bữa ăn sáng 7h, trưa 11h, tối 18h và một bữa ăn nhẹ cho kíp trực đêm là điều rất vất vả trong điều kiện thời tiết sóng, gió.

Chuẩn bị bữa ăn trên tàu CSB 8003.
Chuẩn bị bữa ăn trên tàu CSB 8003.

Trung úy Phạm Khả Đăng - Thuyền phó tàu CSB 4033 chia sẻ, nấu ăn trên tàu trong điều kiện sóng, gió là việc rất khó. Nấu xong rồi dọn ra để ăn cũng là một nghệ thuật, múc thế nào cho vừa, bưng ra sao cho khỏi đổ, đòi hỏi kỹ năng và phải có thâm niên, nhiều hôm dọn cơm ra sóng lớn phải vừa đứng vừa giữ, thậm chí là vừa đứng vừa ăn. Lâu thành quen, đến khi vào đất liền nhiều lúc cảm giác thấy thiếu thiếu thứ gì đó.

“Nhịn miệng đãi khách”

Bất kỳ một PV nào xuống tàu đều được chính trị viên của tàu ghi tên và bố trí vào những giường đẹp nhất và ít bị lắc nhất. Mỗi tàu được thiết kế riêng, song số giường thường tương ứng với biên chế cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Trong chuyến đi ra Hoàng Sa trên con tàu CSB 8003 số nhà báo trong nước và quốc tế còn đông hơn cả cán bộ, chiến sĩ. Do đó, nhiều anh em chiến sĩ phải trải chiếu xuống sàn để nằm.

Được chuyển từ tàu CSB 8003 sang tàu CSB 4033 (bằng 1/3 tàu 8003) hai đồng nghiệp của Hãng phim Tài liệu và Khoa học khi vừa từ ca no bước lên boong đã nôn thốc nôn tháo. Anh em thủy thủ người ôm phía sau người xốc nách vì sợ sóng lắc và bị ngã xuống biển. Sau khi nôn không còn tí nước nào trong dạ dày, họ được các chiến sĩ tàu 4033 dìu xuống khoang nằm nghỉ.

Tôi may mắn không bị say thì cùng với các chiến sĩ đưa đồ xuống khoang. Điều ấm áp nhất đối với chúng tôi trong môi trường mới, toàn những gương mặt mới nhưng được sự chăm sóc ân cần. Mỗi giường một chai nước suối Lavie, một miếng lương khô, một chiếc khăn. Anh em đưa xuống giường cũng không quên lời dặn “có túi ni lon, nếu anh nôn cứ cho vô đó, rồi bọn em xuống dọn”.

Qua mấy ngày ăn cùng, ở cùng, ngủ cùng, tôi được biết đó là chế độ đặc biệt dành cho những vị khách mà các chiến sĩ Cảnh sát biển dành tặng chúng tôi. Như tâm sự của Đại úy Lê Trung Thành - Thuyền trưởng tàu CSB 4033 “Các anh đến với chúng em là khách. Các anh mệt cứ nghỉ, nhà em có gì dùng đó, dù không được như trong đất liền, nhưng sẽ có những điều kiện tốt nhất dành cho các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”.

Tình quân dân thắm thiết

Nước ngọt mang theo tàu có hạn. Để duy trì và đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho anh em, ngoài nguồn nước ngọt mang đi, trên tàu có một hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và một nguồn nữa được tận dụng là nước được lấy từ hệ thống máy lạnh chảy ra.

Theo thiết kế, nước ngọt để uống và nấu ăn là nước mang từ đất liền ra. Còn nước sinh hoạt được lấy từ hệ thống lọc. Do đó, anh em trên tàu hạn chế tắm, rửa, sinh hoạt tiết kiệm để đảm bảo chiến đấu lâu dài. 

Thuyền trưởng Thành cho biết, hôm rồi tàu cập đảo Lý Sơn tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm. Khi đi chợ mấy cô, mấy má biết chúng em đi tàu vào mua đều không lấy tiền, trong khi mình mua hàng tạ thịt, rau. Biết bà con thương chiến sĩ Cảnh sát biển chứ nào giàu có gì, em và chính trị viên tàu phải năn nỉ: “Chúng con đi làm có nhà nước lo, các má làm thế này cụt hết vốn làm ăn. Nói đi nói lại mãi, các má mới chịu nhận tiền nhưng cũng theo kiểu vừa bán vừa cho”. 

Bán xong, các cô, các má còn dặn “ráng ăn có sức khỏe còn có sức mà đấu tranh dài dài chứ”… Anh em có mặt hôm đấy thực sự thấm câu “tình quân dân như cá với nước”.

http://giaothongvantai.com.vn/thoi-su-xa-hoi/tien-toi-70-nam-truyen-thong-nganh-gtvt/201407/mot-tac-bien-cat-roi-van-tac-dat-don-dau-chuyen-bep-nuc-tren-tau-canh-sat-bien-ky-cuoi-513658/

Theo Khánh Lê/Giao Thông Vận Tải

Bạn có thể quan tâm