Chuyến bay hạ cánh tại sân bay Changi của Singapore vào lúc 19h17 ngày 14/7, theo phóng viên AFP tại hiện trường.
Trước đó, AFP đưa tin chuyến bay từ Maldives đến Singapore này trở thành chuyến bay được theo dõi nhiều nhất trên thế giới trong ngày 14/7.
Ông Rajapaksa, vợ và hai cận vệ ở trên chuyến bay của hãng hàng không nhà nước Saudia của Saudi Arabia, một quan chức tại sân bay tiết lộ với AFP.
Máy bay chở Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa hạ cánh ở Singapore ngày 14/7. Ảnh: Straits Times. |
Singapore tuyên bố Tổng thống Rajapaksa được phép nhập cảnh với lý do đây là chuyến thăm cá nhân, không phải vì đảo quốc sư tử cho ông tị nạn, theo AFP.
“Điều đã được xác nhận là ông Rajapaksa được phép nhập cảnh Singapore với lý do chuyến thăm cá nhân”, Bộ Ngoại giao Singapore nói.
“Ông ấy chưa xin tị nạn và cũng chưa được cho phép tị nạn. Singapore nói chung không chấp nhận yêu cầu xin tị nạn”.
Tổng thống Rajapaksa, 73 tuổi, dự kiến trú tại Singapore trong một khoảng thời gian, theo nguồn tin an ninh của Sri Lanka, trước khi có khả năng ông sẽ di chuyển tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Trước đó, CNN dẫn nguồn tin an ninh cấp cao từ Sri Lanka cho biết ông Rajapaksa ở trên chuyến bay số hiệu 788 của Saudia. Chuyến bay này rời Male, thủ đô Maldives vào 11h30 ngày 14/7 (giờ địa phương).
Tổng thống Rajapaksa đã trốn chạy khỏi Sri Lanka sang Maldives vào hôm 13/7 giữa lúc biểu tình phản đối chính phủ ngày càng lan rộng.
Ông dự kiến nộp đơn từ chức sau khi đã tới điểm đến cuối cùng, sau khi để lỡ hạn chót vào ngày 13/7 mà ông từng hứa hẹn.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã chấp nhận sẽ chính thức từ chức vào ngày 13/7 nhưng ông đã rời khỏi đất nước trước thời điểm này. Ảnh: AFP. |
Từ nước ngoài, ông Rajapaksa ngày 13/7 đã gọi về cho Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana để chỉ định Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm quyền tổng thống. Nhưng điều này chỉ càng khiến đám đông biểu tình thêm phẫn nộ. Đêm 13/7, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà quốc hội, khu vực duy nhất của chính phủ chưa bị chiếm đóng.
Ông Rajapaksa bị cáo buộc phạm sai lầm trong quản lý kinh tế, khiến đất nước cạn kiệt ngoại hối để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, đẩy 22 triệu dân Sri Lanka vào tình trạng khó khăn.