Từ cửa sổ văn phòng của mình, mỗi ngày thiếu tướng Joshua Olson có thể xem một trận bóng của những đứa trẻ Afghanistan, những người đang tạm gọi căn cứ không quân của ông là nhà.
"Họ là gia đình của tôi, ít nhất là cho đến khi họ rời khỏi đây”, Olson, một chỉ huy tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, nói với CNN. "Đó là gia đình của tôi và tôi phải tìm cách bảo vệ họ".
Ramstein là một trong những căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ bên ngoài nước này. Được đặt tại bang Rhineland-Palatinate, tây nam nước Đức, Ramstein đã trở thành một trung tâm tị nạn quan trọng trong cuộc di tản khỏi Afghanistan.
Kể từ ngày 20/8, khoảng 106 máy bay đã hạ cánh tại đây với khoang hàng chứa hàng trăm người sơ tán cùng lúc. Tính đến ngày 1/9, gần 12.000 người sơ tán đã rời khỏi căn cứ, trong khi 14.900 người khác vẫn phải ở lại.
Chiếc máy bay sơ tán cuối cùng có thể đã rời khỏi Kabul, nhưng đường băng của căn cứ Ramstein vẫn đang bị bao phủ bởi lều bạt.
Căn cứ Không quân Ramstein hiện là nơi tị nạn tạm thời cho những người sơ tán khỏi Afghanistan. Ảnh: CNN. |
Điều kiện sinh hoạt khó khăn
Giới chức trách ở Ramstein đã chuẩn bị lều cho 10.000 người - tất cả đều nhanh chóng bị lấp đầy.
"Chúng tôi bị quá tải nhưng dòng người vẫn tiếp tục đổ về. Tôi phải dành một phần căn cứ cho những người sơ tán nương náu. Trời mưa và nhiệt độ xuống tới 10 độ C, tôi không thể để họ ở ngoài đó, đặc biệt là trẻ em”, ông Olson nói.
Phụ nữ và trẻ em ngủ trong lều bên trong nhà chứa máy bay. Thức ăn nóng được phân phối 3 lần một ngày trong hộp cách nhiệt. Nhà vệ sinh di động và trạm rửa chỉ cung cấp những điều kiện vệ sinh cơ bản nhất.
Thiếu tướng Olson luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó là chăm nom hơn 6.000 trẻ em trong căn cứ.
“Một trong những vấn đề lớn nhất của chúng tôi là khăn lau và sữa công thức cho trẻ em. Tã trẻ em cũng đã hết sạch trên các chuyến bay đến căn cứ”, ông nói.
Thiếu tướng Joshua Olson, chỉ huy lắp đặt tại Căn cứ Không quân Ramstein, phát biểu trước giới truyền thông ngày 26/8. Ảnh: CNN. |
Còn đối với hầu hết người sơ tán, điều khó khăn nhất là sự chờ đợi, bất an và việc không thể liên lạc với người thân ở quê nhà.
Donia Laali là một trong những người đang chờ đợi. Cô đã chiến đấu để vào được sân bay Kabul và đưa cả gia đình đến nơi an toàn.
Ngồi với những người phụ nữ khác bên ngoài nhà chứa máy bay, Laali nói rằng 7 thành viên gia đình cô, tất cả đều là phụ nữ, đang nằm rải rác ở 3 khu vực khác nhau của trại và không thể liên lạc với nhau.
“Đôi khi tôi cảm thấy không công bằng”, Laali miêu tả sự thất vọng của cô trước điều kiện sinh hoạt trong trại. "Nhưng khi nhận ra mình đang được an toàn ở đây, khỏi Taliban, tôi thấy ổn. An toàn là tất cả đối với tôi".
Quy trình mất thời gian
Nhà chứa máy bay khổng lồ của Ramstein đã được chuyển đổi thành một nhà ga hàng không quốc tế tạm bợ với quy trình kiểm tra an ninh và làm thủ tục hoàn chỉnh.
Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Đức, những người sơ tán không được ở lại căn cứ quá 10 ngày. Tuy nhiên, quy trình sàng lọc và xử lý người sơ tán mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Mohammad Nirwaz Maiwand, 32 tuổi, cho CNN xem một túi nhựa được niêm phong cẩn thận chứa thẻ căn cước của anh tại Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ, nơi anh đã làm việc tại Afghanistan. Mặc dù có thị thực nhập cảnh đặc biệt đã được phê duyệt, anh đã phải đợi hơn 5 ngày cho chuyến bay đến Mỹ, để rồi lại bị trung chuyển đến một trại khác để kiểm tra thêm.
Cảm xúc lẫn lộn
Ngay cả khi những người di tản chờ đợi để lên chuyến bay đến Mỹ, trong lòng họ vẫn còn nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Khi đang chờ làm thủ tục, Asadullah Sadiqi, 25 tuổi, cho CNN thấy một vết bầm tím trên mặt mà anh nói là do lính Taliban ở sân bay Kabul gây ra.
"Taliban đã đánh đập tôi", Sadiqi nói. "Mọi người đều xuất trình hộ chiếu Mỹ hoặc hộ chiếu Anh. Họ không quan tâm. Họ chỉ đánh người”.
Sau hơn 2 ngày chờ đợi ở Ramstein, cuối cùng gia đình anh cũng được thông hành. “Mọi người đều hạnh phúc,” anh nói khi nắm tay cháu trai. "Vì cuối cùng chúng tôi cũng sắp được gặp gia đình mình ở Virginia".
Những người sơ tán khỏi Afghanistan tại Căn cứ Không quân Ramstein ngày 26/8. Ảnh: CNN. |
Trong khi đó, Shabana Rangin, 24 tuổi, ngồi trên sàn với chồng cô là Abdul. Trên tay, cô ôm một bọc nhỏ xíu: Đứa con trai 25 ngày tuổi.
"Các anh chị em của tôi đang ở Afghanistan. Đó là lý do tôi khóc", cô nói khi chờ lên chuyến bay.
Rangin vén chăn cho phóng viên xem khuôn mặt đang say ngủ của cậu con trai: "Tôi không muốn nói chuyện này với con khi nó lớn. Đây không phải là một kỷ niệm đẹp, không phải một kỷ niệm vui".