Chuyện ăn lông ở lỗ của bộ tộc nguyên thuỷ cuối cùng
Bộ tộc Hadza ở châu Phi sống bằng săn bắt, hái lượm, ở trong lều cỏ và thói quen đó đã duy trì hơn 10.000 năm dù họ đã tiếp xúc với nền văn minh hiện đại từ rất lâu.
Họ không chăn nuôi, trồng trọt dù nơi họ sinh sống là những cánh đồng cỏ rộng mênh mông, đất đai phì nhiêu. Họ sống không nguyên tắc, không cần biết đến lịch và thời gian...
Tồn tại bằng săn bắn, hái lượm
Bộ tộc Hadza sống ở vùng núi Kidero, cạnh hồ Eyasi, phía bắc Tanzania, Đông Nam châu Phi. Với gần 1.000 cư dân, người Hadza sống thành bầy đàn trong các túp lều cỏ và giữ nguyên cách sống như những người nguyên thủy với việc săn bắt và hái lượm. Điều khác biệt ở bộ tộc này là họ không cần có tộc trưởng, không có tài sản riêng và không thờ một vị thần linh nào. Trên hết, đó là lối quan hệ quần hôn của người nguyên thủy: quan hệ tình dục tự do trong một nhóm người hoặc một bộ lạc.
Cách người Hadza uống nước thể hiện rõ nguồn gốc nguyên thủy của mình. |
Theo các nhà khoa học, người Hadza di cư đến châu Phi từ 200.000 năm trước và là bộ tộc khá lạ lùng. Họ tiếp xúc với nền văn minh từ rất sớm, hiểu mọi thông tin và các phương tiện hiện đại của thế giới bên ngoài nhưng từ chối tiếp nhận và muốn được sống theo cách của riêng mình. Người Hadza biết chiếc bật lửa là gì và cũng biết cách dùng vật dụng tiện lợi đó, nhưng họ lại thích ngồi cả buổi để đánh đá, tạo ra ngọn lửa.
Gọi người Hadza là những người tiền sử cũng không sai bởi họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng và muông thú. Hàng ngày, đàn ông có nhiệm vụ là đi săn, tìm mật ong; còn đàn bà thì đào củ, hái trái cây. Đến khi nào nguồn thức ăn cạn kiệt, đàn ông trong tộc lại tổ chức đi săn. Các nhà khoa học phân tích, do thường xuyên săn bắt, hái lượm nên cơ thể người Hadza khá săn chắc với trọng lượng hợp lý.
Những người đàn ông Hadza luôn đi săn một mình. Sáng sớm, họ trèo lên các ngọn cây để tìm thú. Một cậu bé khi mới 10 tuổi đã có thể tự cầm cây cung đi săn những con thỏ, sóc, chim... 80% lượng thức ăn của người Hadza là từ rễ cây, hoa quả, 20% còn lại là từ thịt thú rừng và mật ong. Khi đào rễ cây, củ quả, họ không để lại một ít giống để chúng có thể mọc lên. Hay khi lấy mật ong, họ cũng không khéo léo lấy mật để ong có thể trở lại và làm mật tiếp, thay vào đó là họ phá vỡ tổ ong, đuổi những con ong đi xa. Thậm chí, người Hadza cũng không biết cách phơi khô, cất trữ thịt thú rừng, cuộc sống của họ chỉ biết đến hôm nay chứ không có ngày mai.
Người Hadza không có khái niệm trao đổi thực phẩm và cũng không cần tích trữ thực phẩm đề phòng thiên tai hay mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Họ chỉ kiếm thức ăn cho qua ngày nhưng không hề nghĩ đến việc nhân giống hay bảo vệ nguồn thức ăn đó. Họ phó mặc mọi thứ cho rừng.
Người Hadza sống chủ yếu bằng săn bắn. |
Người Hadza kể rằng, theo truyền thuyết, bộ tộc đã trải qua bốn thời đại, mỗi thời đại tương ứng với một nền văn hóa khác nhau mặc dù không khác nhau nhiều về cách sinh hoạt. Trong đó, ở thời kỳ đầu, người Hadza là những "tên khổng lồ đầy lông lá" có tên là Akakaanebe hoặc Gelanebe. Hadza tin, Akakaanebe là những người có sức mạnh của trời đất. Họ không cần vũ khí hay dụng cụ săn bắn mà chỉ cần nhìn chằm chằm vào con vật và khiến nó chết rồi ăn thịt sống ngay tại đó. Các Akakaanebe không cần dựng lều hay nhà cửa, chỉ cần vắt vẻo ngủ trên cây là đủ. Sang đến giai đoạn thứ 2, các Akakaanebe được thay thế bằng những gã khổng lồ không lông lá, được gọi là Tlaatlanebe.
Ở thời kỳ này, họ đã biết đến lửa và tác dụng hữu ích của ngọn lửa để nấu thịt. Tuy nhiên, họ lấy lửa dựa vào các vụ sét đánh nên không phải lúc nào cũng có lửa dùng. Các Tlaatlanebe cũng đã biết đến cách sử dụng vũ khí bảo vệ mình khỏi kẻ thù và biết tận dụng các hang động để ở, tránh mưa nắng. Thời kỳ thứ ba, Hadza là những Hamakwabe. Họ không còn là những người "quá khổ" mà nhỏ nhắn hơn, di chuyển nhanh nhẹn. Chính họ đã phát minh ra cách chế tạo cung tên và làm chủ được ngọn lửa. Và cách lấy lửa bằng đá được truyền lại cho đến tận bây giờ, tức là giai đoạn thứ tư, người Hamaishonebe - người Hadza ngày nay.
Tìm bạn đời qua giọng nói
Những cư dân bộ tộc Hadza có lối sống hết sức tự do. Họ đến và đi bất cứ nơi nào họ muốn, tham gia vào bất cứ nhóm người Hadza nào họ gặp mà không ngần ngại với thái độ của người nơi đó hay lạ lẫm với môi trường mới. Việc kết hôn của họ cũng vô cùng đơn giản. Chỉ cần một đôi cảm thấy hợp thì họ sẽ về ở với nhau như vợ chồng và nếu không thấy thoải mái, họ có thể chia tay bất cứ khi nào họ muốn và lại tiếp tục đi tìm đối tượng khác để ghép đôi. Nếu một cặp vợ chồng chung sống với nhau trên 20 năm, họ sẽ chuyển đến ở với gia đình vợ và ngược lại, nếu một cặp vợ chồng ở cùng nhau không quá hai tuần thì được coi như chưa kết hôn và cô gái đó vẫn được coi là... trinh trắng.
Túp lều cỏ của người Hadza. |
Để nghiên cứu bản năng tình dục và xu hướng lựa chọn đối tác chung sống, Coren Apicella, tiến sĩ nhân chủng học của đại học Harvard (Mỹ) đã chọn bộ tộc Hadza là đối tượng lý tưởng nhất để nghiên cứu. Tiến sĩ Apicella phát biểu: "Cuộc sống của người Hadza giống hệt cuộc sống của tổ tiên chúng ta cách đây 200.000 năm. Phần lớn xu hướng tâm lý của con người bắt đầu tiến hóa kể từ khi tổ tiên của chúng ta bước vào thời kỳ săn bắt và hái lượm". Bà đã dành 6 tháng để tìm hiểu những kiểu giọng nói mà đàn ông và phụ nữ được ưa thích của bộ tộc Hadza.
Trong thử nghiệm, Apicella và cộng sự đã mời 88 người Hadza cả nam và nữ tham gia. Các chuyên gia yêu cầu một người đàn ông và một phụ nữ nói "hujambo" (xin chào) rồi ghi âm. Dữ liệu được đưa vào một phần mềm máy tính để điều chỉnh âm vực theo nhiều mức độ. Sau khi nghe các loại giọng nói có âm vực từ thấp tới cao, nữ giới được yêu cầu chọn lựa giọng nam mà họ cho là thuộc về một người chồng tốt. Trong khi đó, nam giới được yêu cầu đánh giá khả năng làm vợ và hái lượm của các giọng nữ. Các chàng trai của bộ tộc Hadza cho rằng phụ nữ giọng trầm giỏi hái lượm hơn, nhưng phần lớn lại thích những nàng có giọng cao. Đa số nữ giới cho rằng đàn ông có giọng nam trầm săn bắn giỏi hơn, nhưng chỉ vài cô cho rằng họ sẽ là những người chồng có trách nhiệm.
Khi bắt đầu phân tích số liệu, Apicella nhận ra khoảng một nửa số phụ nữ tham gia thử nghiệm từng nuôi con. Khi phân chia nữ giới theo tiêu chí đó, bà phát hiện một xu hướng mới là phụ nữ đang cho con bú muốn sống cùng đàn ông có giọng cao, trong khi người có con lại thích giọng trầm. "Khi phụ nữ Hadza bắt đầu cho con bú, thời gian dành cho hoạt động hái lượm, trồng trọt của họ giảm xuống. Đó là thời gian mà nam giới là nguồn cung cấp thức ăn và các dạng vật chất khác cho họ. Có thể giọng nam cao là tín hiệu cho thấy người đàn ông có tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và xã hội", Apicella nhận định.
Hadza là bộ tộc nguyên thủy cuối cùng trên trái đất nên nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ Tanzanie. Các nhà bảo tồn các giá trị văn hóa cũng nỗ lực tìm cách tuyên truyền đến người Hadza lối sống hiện đại và phòng ngừa bệnh tật để duy trì bộ tộc hiếm có này.
Theo Trí thức trẻ