Đây là thông tin do ông Hoàng Dương Tùng (Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường) cho biết tại buổi họp báo ngày 1/10.
Theo ông Tùng, hiện 2 container máy biến thế có chứa PCB (hóa chất độc hại chỉ sau dioxin) vẫn nằm ở cảng Cái Lân - Quảng Ninh. Các container này vẫn được bảo quản trong điều kiện tốt nhất có thể theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mỗi mùa mưa bão, nước mưa lẫn vào dầu biến thế. Tình trạng rò rỉ dầu biến thế nhiễm PCB đã xảy ra tại khu vực lưu trữ ở cảng Cái Lân. Ảnh: Tiền phong. |
"Chúng tôi đã thống nhất sẽ chuyển lô hàng này về Kiên Giang để xử lý (thay vì phương án 1 tháng trước là chuyển về khu vực kho bãi của Công ty Môi trường - TKV ở Cẩm Phả -PV). Hiện chủ lô hàng là công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long đã ký hợp đồng với công ty Holcim - đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể xử lý được chất độc PCB. Lô hàng dự kiến sẽ được chuyển đi ngay trong một vài ngày tới", ông Tùng nói.
PCB (Polychlorinated Biphenyls) là hợp chất thơm của halogen, thuộc nhóm hóa chất hữu cơ độc hại bền vững trong môi trường với bốn đặc tính chính là độc tính cao (chỉ sau dioxin).
PCB có thể gây ngộ độc cấp tính như nổi mụn, cháy da, bỏng mắt. Về lâu dài, PCB dù ở nồng độ nhỏ cũng phá hủy gan, rối loạn sinh sản, biến đổi gene, gây ung thư, quái thai, dị dạng, tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
Về kinh phí xử lý, đại diện Tổng cục Môi trường khẳng định, đây là hợp đồng giữa hai đơn vị nên không có nguồn kinh phí của nhà nước.
Về phương án bảo đảm vận chuyển, công ty Holcim đã được cấp phép nên được trang bị và có khả năng đầy đủ để đảm bảo việc vận chuyển đạt độ an toàn nhất. Tổng cục Môi trường sẽ theo dõi sát, tư vấn theo đúng tiêu chuẩn quốc tế cho công ty về phương án bảo quản, bao nhiêu lớp, di chuyển ra sao....
"Phía công ty Cửu Long đã ký với Holcim chỉ xử lý 7.000 lít dầu độc, còn các biến thế đã được xúc rửa nên sẽ không chuyển đi mà chuyển về các kho để đảm bảo an toàn.", ông Tùng cho biết.
Vẫn theo ông Tùng, chất thải nguy hại PCB có ở hầu hết trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chất thải nguy hại không phải ai xử lý được, cũng không phải nước nào cũng xử lý được. Để xử lý được các công ty có khả năng phải tuân thủ các điều kiện vận chuyển rất nghiêm ngặt, có khả năng về kỹ thuật, tài chính, chuyên môn.
Ví dụ toàn bộ khu vực Bắc Âu chỉ có ở Đan Mạch là có khả năng xử lý PCB. Các nước còn lại đều phải chuyển về Đan Mạch khi cần xử lý loại chất này. Tại Việt Nam hiện nay chỉ có công ty Holcim – Kiên Giang có khả năng này. Công ty Xi măng Thành Công – Hải Dương cũng có khả năng làm tuy nhiên chưa nộp đơn xin cấp phép xử lý chất thải nguy hại nên không được triển khai.
Tháng 11/2007, Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long Vinashin, nay là Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long, có trụ sở tại thành phố Hải Phòng, nhập về một lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc.
Sau khi lô hàng về đến cảng Cái Lân, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện một trong ba máy biến thế của lô hàng có chứa PCB trong dầu biến thế.Do PCB là chất thải nguy hiểm, nên lô hàng này phải được tái xuất về nước xuất khẩu.
Ngày 17/7/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long Vinashin vì vi phạm luật bảo vệ môi trường và buộc phải tái xuất về nước xuất khẩu lô hàng nhiễm PCB nói trên.
Tuy nhiên, phía công ty này cho biết không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu không nhận lại.
Đến tháng 5/2014, số dầu trên được đóng vào 35 thùng phi và chứa trong hai container chuyên dụng đặt ở cảng Cái Lân từ đó đến nay, gây lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.