Bỗng chốc những mảnh đời trong sáng ấy đã trở thành những dân chơi có “hạng”. Sự đời thay đổi, từ nhận thức đến lý trí khiến các cô ngỡ tưởng mình đang “được” ở cái sự đời đầy trớ trêu…
Từ ngồi bàn… đến đi "bay"
Nói về “tuổi nghề” thì My chưa xứng bậc “chị” trong số các cô gái thường xuyên cùng My làm nhân viên ngồi bàn ở các quán hát trên phố Triệu Việt Vương. Thế nhưng nói về độ “chơi” thì có thể My chẳng chịu thua kém ai.
Theo My thì khi nhận lời vào làm nhân viên ngồi bàn để làm “vai vịn” cho khách hát, cô chỉ nghĩ đơn giản là “ngồi đấy” để hết giờ thì lĩnh tiền boa. Thế nhưng khách hát thì cũng lắm kiểu, có những khách hát chỉ chân phương là “giải rượu” và giao lưu bình thường thì các cô nhân viên được điều vào phòng cũng chỉ làm những bờ vai cho các anh chống tay trong phòng hát, sau giờ hát thì chẳng ai biết ai.
Thế nhưng có những khách đến hát chỉ là cái cớ để thuê phòng rồi tổ chức sử dụng ma túy, bay lắc… trong phòng hát. Với những tốp khách này, để có thể làm họ hài lòng thì nhân viên cũng phải vào cuộc với họ, nên không ít cô gái đã phải chấp nhận “cùng bay” để đợi được lĩnh tiền boa. Theo My, cô chính là một trong số những nhân viên như thế…
Không biết có phải là “dòng đời” vì những cám dỗ đồng tiền, hay có một chút a dua, đùa đòi và máu ham chơi, mà chỉ chưa đầy 1 năm làm gái ngồi bàn, My đã biết sành sỏi về một số loại ma túy mà “dân bay” thường dung như “kẹo”; ke; “cỏ”… thậm chí My còn biết tả cái cảm giác sau khi sử dụng một trong số những loại ma túy đó, như một dân chơi chuyên nghiệp, một khách hàng “thân thiện” của những loại ma túy chết người đó.
Tưởng rằng... "được", nhiều cô gái không biết mình đang biến các cuộc chơi thành kẻ thù của chính mình. |
Dù có thanh minh hay giải thích thế nào thì My hay nhiều nhân viên ngồi bàn khác cũng không thể giấu được con đường đến với bay lắc của họ. Có điều, nhiều người đã không biết điểm dừng, lầm tưởng sự sa đà quá trớn của mình như sự hơn thiệt trong các cuộc chơi, khiến họ lấn sâu vào những cuộc chơi ngập ngụa mùi ma túy…
Đi “bay” là… “được”???
Cũng theo My, trên phố Triệu Việt Vương có những quán hát thường xuyên có khách đến tự tổ chức bay lắc. Mỗi lần có khách đến tổ chức bay lắc, nhân viên nào được gọi lên lại có cơ hội được cùng bay, lắc với khách. Bình thường, nếu khách không tổ chức bay lắc, thì khi vào phòng hát với khách, các cô nhân viên cũng thỏa sức mà chọn bài và hát: “Các anh đi hát thì mất tiền, chứ bọn em được vào hát với các anh còn được trả tiền cơ mà”, My nói nửa đùa nửa thật.
Là một cô gái xuất thân từ thành phố Cảng, là một mảnh đất cũng hội tụ nhiều yếu tố của dân chơi. Có lẽ vì thế mà My cũng chịu ảnh hưởng bởi cách chơi của một số anh, chị đi trước. My kể: “bọn em đi làm ở đây là hoàn toàn tự do, có khách thì đến, không có khách thì nghỉ, hết khách thì về chứ không ai quản lý tụi em cả. Vì vậy nếu gặp khách quen rủ đi hát, đi bay ở đâu thì em vẫn sẵn sàng, và chơi hết mình luôn.
Nếu không vào làm ở đây, em có muốn đi hát thì chỉ có bạn bè mời, chứ như ngày trước đi làm quán cơm thì em làm gì có tiền mà đi hát. Không chỉ hát trong phòng tại quán hát, thông thường mỗi khi vào ngối hát với khách, rất nhiều khách hát quý hỏi xin số, sau đó thỉnh thoảng lại gọi điện rủ đi bar…
Điều mà tôi thấy đáng tiếc cho My, khi cô luôn có cảm giác tự tin, và thấy tự hào mỗi khi kể về những cuộc chơi sặc sụa mùi ma túy mà cô tham gia. Một lý do hết sức đơn giản là My cho rằng, những cuộc chơi với dân “bay”, và được “bay” ấy không dễ gì ai cũng có cơ hội được thử mình, và My cho đó là cái “được” hiếm hoi mà các bạn bè cũng trang lứa của cô đang ở quê có “mơ” cũng khó mà được "ngửi mùi"…