Trao đổi với Zing.vn, Lê Ngọc Hữu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết, nhà chức trách đã triệu tập 5 người có liên quan đến hành vi giết khỉ để phục vụ công tác điều tra.
Theo đó, từ lời khai của Chu Văn Cường (24 tuổi, xã Quỳnh Lập), cơ quan chức năng đã triệu tập Lê Bá Thuận (50 tuổi, xóm Lam Sơn, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai). Thuận được xác định là người trực tiếp giết hàng loạt con khỉ để nấu cao sau đó được Cường đăng tải trên Facebook.
Theo lời khai của người đàn ông 50 tuổi, tháng 10/2015, Thuận bỏ ra 3 triệu đồng mua 6 con khỉ từ huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đưa về quê tại thị xã Hoàng Mai. Đến ngày 26/11/2015, ông ta đem ra giết để nấu cao, thu được 1,3 kg cao khỉ.
Thuận cũng khai nhận, ngoài 6 con khỉ ra, người đàn ông này còn giết 12 con mèo đen để nấu cao chung với đàn khỉ.
Kiểm tra nhà riêng của Lê Bá Thuận, cơ quan chức năng thu giữ được gần 1 lượng cao chưa sử dụng. Riêng các vật dụng dùng để nấu cao thì không được tìm thấy.
“Chúng tôi đang tiếp tục xác minh để làm rõ nguồn gốc của những con khỉ mà Thuận mua như khai báo. Nếu phát hiện dấu hiệu mua bán khỉ có tổ chức sẽ đề nghị khởi tố. Trước mắt, Thuận sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi mua bán trái phép động vật quý hiếm”, ông Hữu cho hay.
Hình ảnh giết hại hơn chục con khỉ được Cường đăng lên trên Facebook cá nhân. |
Trước đó, ngày 2/1, hình ảnh mô tả chi tiết từng bước quá trình giết hại, lột da, chế biến và làm thịt khỉ để nấu cao được đăng tải trên trang Facebook cá nhân của chủ tài khoản Cường Và Cường.
Ngày 6/1, nhà chức trách xác định được người tung ảnh lên mạng. Một ngày sau, cơ quan chức năng đã triệu tập Chu Văn Cường. Thanh niên này khai nhận hình ảnh được chụp từ nhà ông Lê Bá Thuận, cách nhà Cường 300 m.
Khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB – nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định tại Nghị định 32 về Danh mục động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt khỉ trái phép. Nếu người nào vi phạm có thể bị xử phạt hành chính lên đến 500 triệu đồng và 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 nêu rõ, người phạm tội liên quan đến các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB với số lượng lớn có thể bị xử lý hình sự.