Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuột cống bệnh viện biến thành đặc sản như thế nào?

Chuột cống sau khi được làm sạch biến thành chuột đồng với những món chuột rán, xào, nấu đông, giả cầy... và cũng biến thành thịt thú rừng, thỏ quay, thịt lợn sữa chiên giòn. Giá chuột chế biến từ 200.000-220.000 đồng/kg.

Chuột cống bệnh viện chế đặc sản chuột đồng

Khi chuột lên ngôi đặc sản, rất nhiều thợ săn chuột không đủ "hàng" để cung cấp đã săn cả chuột cống để bán. Thậm chí họ còn bắt cả chuột cống ở bệnh viện để bán cho các nhà hàng chế biến thành chuột đồng.

Tại một làng ở tỉnh Bắc Ninh, không ít thanh niên cả đêm lùng sục khắp các cống rãnh, bệnh viện lớn ở Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Hải Dương, Hưng Yên... để bắt chuột cống.

Bán chuột cống kèm rau thơm.

Những con chuột bằng bắp chân, nặng đến cả ký lô, lông lá, bẩn thỉu, hôi hám, thậm chí chúng thường xuyên ăn các mẫu bệnh phẩm hay chất thải, rác thải ở bệnh viện nào đó. Họ công khai bắt, công khai bán. Một người một ngày có thể bắt được 30kg chuột cống, thu được khoảng 3 triệu đồng.

Chuột cống mổ ra, ria chuột đem làm lông mi giả cho quý bà ở tiệm thẩm mỹ, thịt chuột bán ngay ở làng, bán cho các hàng quán ở Từ Sơn (Bắc Ninh), làm các mâm cỗ do người Hà Nội đặt.

Công nghệ biến chuột cống thành đặc sản

Khi chuột cống được chuyển đến các nhà hàng, chúng sẽ được "hô biến" thành chuột đồng.

Những chú chuột cống, sau khi được tuốt lông, làm sạch sẽ được chặt bỏ đầu, phanh thây để biến thành chuột đồng với những món xào, nướng mà thực khách không thể kiểm chứng. Những món ăn hấp dẫn từ chuột như: chuột rán, xào, nấu đông, giả cầy, luộc rắc lá chanh, rang muối trắng, nướng trên than hoa đủ cả. Chuột cống cũng biến thành thịt thú rừng, thịt thỏ quay, thịt lợn sữa chiên giòn. Giá chuột đã chế biến từ 200.000-220.000 đồng/kg.

Chế biến chuột cống.

Khi thưởng thức đặc sản thịt chuột tại nhà hàng, ít thực khách ngờ rằng họ đang nhậu... chuột cống và phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh dịch hạch và nhiều thứ bệnh khác.

Bò viên thịt chuột cống Campuchia vào nhà hàng Việt

Nghề bắt chuột cống để bán đang thu hút khá đông những người nghèo khó ở đủ các độ tuổi của Phnom Penh. Một phần số chuột bắt được sẽ được làm “bò đểu xuất khẩu”. Ở ngoại ô Phnom Penh, có cả một ngành công nghiệp sản xuất “bò đểu”.

Phần đầu tiên trong công đoạn chế biến: màu nhân tạo sẽ được bỏ vào trong thùng thịt để có “màu bò tự nhiên”. Sau khi xay hết thịt, người ta sẽ bỏ nước mắm, bột thịt bò, bột tiêu, bột nêm vào thịt trộn đều cho đến lúc thịt quánh lại. Khi đã được “vị thịt tự nhiên”, những thợ làm thịt sẽ vô tư bọc thêm một lớp bột thịt bò bên ngoài, tức là bao miếng thịt chuột cống vào trong một lớp bột dày màu vàng. Sau khi được phủ bột gia vị và màu nhân tạo, thịt chuột cống bây giờ trông giống như thịt bò đàng hoàng, và trông không khác gì bò bằm thứ thiệt.

Thịt chuột cống Campuchia vào nhà hàng Việt Nam.

Sau đó, thịt sẽ được cho vào một nồi đun nước khổng lồ. Khi thịt chín đều, người ta lấy “chuột viên” ra, bỏ vào một tô thép, chờ xe tải đến chở đi giao hàng.

Hàng ngày, sản phẩm từ công nghệ sản xuất bò viên bằng thịt chuột ở Campuchia được vận chuyển trái phép qua biên giới và từ đó phân phối rộng khắp trong hệ thống nhà hàng, quán ăn ở Việt Nam.

Kinh hoàng đặc sản lẩu chuột bao tử

Gần đây, thông tin ăn chuột bao tử có khả năng khôi phục phong độ giường chiếu lại rộ lên và trở thành xu hướng ăn uống của không ít đấng mày râu.

Thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được biết đến là "đại bản doanh" của các món ăn liên quan đến chuột. Tuy nhiên, cái món chuột bao tử thì không phải lúc nào cũng có và không bày bán công khai. Khách hàng muốn sở hữu nó, phải có "mối" quen dẫn dắt thì mới tiếp cận được đặc sản này.

Chuột bao tử đã trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Có những chỗ khác, vì thiếu hàng nên họ thịt cả chuột cống bầu. Bởi đâu phải mùa nào cũng có chuột đồng để bắt. Và dĩ nhiên, khách sẽ phải ăn chuột cống bao tử. Được biết, mỗi con chuột bao tử được bán với giá 8.000 đồng.

Lương y Nguyễn Văn Hưng (hội Đông y Hà Nội) chia sẻ: "Tôi chưa từng nghe nói đến việc ăn chuột bao tử có thể tăng khả năng giường chiếu như tin đồn... Việc ăn chuột bao tử chưa được nấu chín kỹ sẽ có nguy cơ lây truyền bệnh rất cao".

Thịt chuột thành... thịt cừu

Người tiêu dùng Trung Quốc đã ngã ngửa khi biết nhiều loại thịt dê, thịt cừu được bày bán ở các khu chợ đã được “chế biến” từ... thịt chuột!

Tháng 2/2013, công an thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô đã tấn công vào 50 ổ chế biến thịt, bắt giữ 63 nghi phạm, tịch thu hơn 10 tấn thịt giả và bẩn.

Thịt chuột thành... thịt cừu.

Theo tiết lộ của công an, từ năm 2009 hàng tấn thịt chuột, hồ ly, chồn đã được đưa từ tỉnh Sơn Đông về, được pha chế thêm chất keo gelatin, chất nhuộm đỏ cùng nhiều chất phụ gia khác để trở thành... thịt dê, thịt cừu. Những kẻ làm hàng gian hàng giả này đã thu lợi hơn 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,6 triệu USD) khi đưa số thịt chuột đội lốt thịt dê, thịt cừu này tiêu thụ khắp các chợ ở Tô Châu và Thượng Hải.

TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) - phát biểu trên báo chí: “Chuột cống là động vật chưa được cơ quan chức năng kiểm soát vì không coi đây là thực phẩm, không đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm.

Nếu người dân cố tình sử dụng động vật này là vô trách nhiệm với sức khoẻ bản thân. Người cung cấp những sản phẩm này cũng vô trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng. Nếu người kinh doanh vì lợi nhuận cố tình kinh doanh thực phẩm không an toàn, không đảm bảo vệ sinh là đã vi phạm Luật An toàn thực phẩm”. 

 

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm