Tại tỉnh Eastern Cape ở Nam Phi, trong khi các bác sĩ chủ chốt phải làm việc quá sức hoặc bị nhiễm Covid-19, đội ngũ y tá buộc phải trở thành lao công và bác sĩ phẫu thuật phải tự giặt đồng phục bệnh viện. Tại khoa sản, nhiều thông tin cho thấy thai nhi chết khi chưa kịp chào đời vì bệnh viện bị quá tải, theo BBC.
Trong bối cảnh các bác sĩ, đoàn thể và cơ sở y tế phải vật lộn với tình trạng khan hiếm nguồn lực, một bác sĩ cấp cao đã mô tả tình trạng hiện nay là "thất bại nghiêm trọng của hệ thống tham nhũng khủng khiếp".
Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở Nam Phi đang tăng cao. Gần đây, Tổng thống Cyril Ramaphosa cảnh báo người dân rằng "cơn bão này đang tấn công chúng ta".
Nam Phi hiện ghi nhận 311.049 ca nhiễm Covid-19, với 4.453 ca tử vong. Hiện quốc gia châu Phi này đứng 8 trong danh sách các nước có số trường hợp nhiễm bệnh nhiều nhất thế giới, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Một số bệnh viện ở Nam Phi phải ngưng hoạt động vì không có nhân viên. Ảnh: BBC. |
Bị nỗi sợ và mệt mỏi nhấn chìm
Cuộc khủng hoảng y tế đặt ra câu hỏi liệu trong suốt thời gian qua, chính phủ và quan chức nước này đã làm gì để xử lý đại dịch.
"Chúng tôi đang bị nhấn chìm bởi nỗi sợ hãi, mệt mỏi về tinh thần và cảm xúc. Nhân viên của chúng tôi đã kiệt quệ từ trước đại dịch rồi", bác sĩ John Black nói.
"Các cơ sở y tế đang sụp đổ vì quá tải. Covid-19 làm hé lộ rất nhiều vết nứt đã có từ lâu trong hệ thống. Nó tạo ra rất nhiều xung đột", ông nói, xác nhận rằng các bệnh nhân đã phải "tranh giành để có được khí oxy" trong bệnh viện Livingstone ở thành phố Cảng Elizabeth.
Bác sĩ Black là bác sĩ duy nhất ở thành phố này đồng ý phỏng vấn với BBC, trong khi hai bác sĩ và y tá khác muốn giấu tên vì sợ mất việc.
Tại bệnh viện Livingstone, các bác sĩ và y tá mô tả tình trạng hiện nay giống như thời chiến. Máu và rác thải đầy sàn nhà, thiếu thiết bị bảo hộ, thiếu oxy, thiếu xe cứu thương nghiêm trọng, không có thông khí và bệnh nhân phải "đắp báo".
Trong một ống cống hở, người ta còn phát hiện chuột đang ăn chất thải màu đỏ từ bệnh viện thải ra.
"Các bác sĩ đã cố gắng hết sức để thực hiện các ca phẫu thuật khẩn cấp, khuân vác, cọ rửa sàn nhà, làm việc với một hoặc hai nhân viên điều dưỡng còn lại", một bác sĩ đã viết qua email.
"Mỗi ngày tôi đến làm việc trong sợ hãi", một y tá cấp cao vừa kết thúc ca làm việc của mình nói với BBC.
"Số lượng ca bệnh đang tăng lên. Mỗi ngày chúng tôi đều rơi vào tình trạng hỗn loạn. Có rất nhiều phụ nữ mang thai ở khắp các khoa", một y tá khác nói.
"Bà mẹ và em bé đang chết dần chết mòn"
Việc các bệnh viện và phòng khám quá tải đã dẫn đến hậu quả không đáng có, ví dụ như gần đây tại một số bà mẹ và trẻ sơ sinh đã tử vong tại bệnh viện Dora Nginza ở thành phố Cảng Elizabeth.
"Cá nhân tôi đã tham gia vào quá trình hộ sinh hai trẻ đã qua đời đó và tôi biết còn nhiều trường hợp hơn như thế. Điều này rất bất thường. Vài bà mẹ và trẻ em chết trong một tuần tại cùng một bệnh viện là điều không thể chấp nhận được", một bác sĩ giấu tên nói với BBC.
Các bác sĩ cho rằng nguyên nhân tử vong của những trường hợp này là do thiếu nhân lực trầm trọng, khiến nhiều phụ nữ mang thai phải chờ đợi nhiều ngày, đôi khi nằm trên hành lang để chờ được phẫu thuật.
Các quan chức y tế cũng xác nhận với BBC rằng số lượng trẻ sơ sinh chết non tăng cao bất thường trong những tuần gần đây.
Sau khi ban giám đốc bị sa thải vì cáo buộc tham nhũng, bệnh viện Livingstone không có giám đốc điều hành thường trực hay đội ngũ quản lý trong 1,5 năm.
Trong khi đó, nhân viên giặt ủi, nhân viên dọn dẹp, khuân vác và một số y tá đã đình công. Điều này khiến bệnh nhân ở các phòng khám nhỏ hơn cùng lúc đổ về ba bệnh viện lớn ở thành phố, khiến họ bị quá tải.
"Chúng tôi chứng kiến công đoàn khiến hết bệnh viện này đến bệnh viện khác đóng cửa. Mỗi khi một nhân viên hoặc bệnh nhân có kết quả dương tính, tất cả nhân viên đều nghỉ việc. Trong khi chúng tôi đang đáp ứng yêu cầu của những công đoàn này thì tình hình vẫn không được cải thiện", một bác sĩ than phiền.
Các tổ chức công đoàn đang kêu gọi đình công vì lo ngại tính mạng của y bác sĩ bị đe dọa. Ảnh: BBC. |
"Không thể mạo hiểm mạng sống của các y tá"
Trong khi đó, các tổ chức công đoàn đang hành động quyết liệt để bảo vệ thành viên của mình.
Khaya Sodidi, thư ký tổ chức công đoàn tỉnh Eastern Cape, cho biết: "Ý kiến cho rằng chúng tôi đang phá hoại là không đúng. Các y tá của chúng tôi bị quá tải, phải lau sàn nhà và nấu ăn vì nhân viên nhà bếp nghỉ việc. Chúng tôi không thể mạo hiểm tính mạng của các y tá. Họ là con người".
"Các y tá của chúng tôi bị choáng ngợp, phải lau sàn nhà hoặc nấu ăn vì nhân viên nhà bếp không làm việc. Chúng ta không thể mạo hiểm tính mạng hoặc y tá. Họ là con người", thư ký này nói.
Một số bác sĩ đã đình công, cho rằng các nhân viên y tế tuyến đầu đã bị đẩy đến giới hạn, không chỉ vì Covid-19 mà còn vì nhiều năm bị bóc lột sức lao động từ trước đó.
"Ngay bây giờ tôi rất biết ơn các công đoàn. Đôi khi, họ tập trung vào nhầm vấn đề nhưng ít nhất họ cũng nhấn mạnh được những vấn đề đó", một bác sĩ cấp cao nói.
"Nhân viên bệnh viện đã bị bóc lột, lạm dụng và bị bỏ bê thường xuyên trong nhiều năm. Giờ họ đang bị buộc phải làm công việc có khả năng giết chết họ", một bác sĩ khác nói.