Tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 13/7, bà Siti Nadia Tarmizi, người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 Indonesia, cho biết Bộ Y tế, Bộ Doanh nghiệp Nhà nước (SOEs) và công ty dược phẩm quốc doanh PT Bio Farma đang xây dựng các quy định kỹ thuật để hướng dẫn thực hiện chương trình tiêm chủng tự chi trả.
"Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thiện nó càng sớm càng tốt", bà Tarmizi nói, theo Tân Hoa xã.
Trước đó, hôm 11/7, PT Kimia Farma, công ty con của công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma, thông báo sẽ cung cấp dịch vụ tiêm chủng tự chi trả cho những ai có nhu cầu theo chương trình Gotong Royong (nghĩa là "hợp tác").
Một tiểu thương cầm thẻ tiêm chủng vaccine Covid-19 sau khi được tiêm chủng tại Chợ Melong ở Cimahi, Tây Java, Indonesia vào ngày 24/2. Ảnh: Antara. |
Dịch vụ này sẽ được cung cấp tại 8 phòng khám ở 6 thành phố trên Java - đảo đông dân nhất của Indonesia - và Bali - hòn đảo du lịch nổi tiếng của nước này.
Công ty cho biết dịch vụ này được cung cấp cho bất kỳ ai sẵn sàng trả 879.000 rupi Indonesia (khoảng 60 USD) để được tiêm hai liều vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm.
Tuy nhiên, thông báo này vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt, vì người dân cho rằng vaccine nên được tiêm miễn phí cho mọi người dân.
“Việc (mở rộng) chương trình tiêm chủng Gotong Royong không chỉ phi đạo đức, mà còn có thể tạo ra sự nhầm lẫn, hay nhận thức sai lầm của công chúng rằng vaccine (thương mại) tốt hơn vaccine miễn phí", người đứng đầu Tổ chức Người tiêu dùng Indonesia (YLKI) Tulus Abadi viết trong tuyên bố hôm 12/7, theo Jakarta Post.
Chương trình bị thương mại hóa?
Vào tuần trước, chính phủ Indonesia sửa đổi chương trình Gotong Royong.
Ban đầu, chương trình chỉ cho phép các công ty tư nhân và nhà nước mua vaccine từ nguồn cung của chính phủ để tiêm miễn phí cho nhân viên, cùng với người thân của họ.
Tuy nhiên, cho đến nay, chương trình đã được sửa đổi thành dịch vụ tiêm vaccine dành cho bất kỳ ai có khả năng chi trả.
Sự thay đổi trong chính sách này ngay lập tức gây xôn xao trên mạng xã hội và thu hút sự chỉ trích từ cộng đồng người dân. Họ cho rằng đây là nỗ lực "thương mại hóa chương trình tiêm chủng và thu lợi từ đại dịch", trong khi vaccine là loại dược phẩm công cộng.
Các quan chức của Kimia Farma tuyên bố công ty này không trục lợi từ chương trình tiêm chủng tư nhân này, và việc định giá do một cơ quan độc lập xem xét, phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Lợi nhuận tài chính từ chương trình tiêm chủng do tư nhân trả tiền và kế hoạch định giá đã được một cơ quan độc lập xem xét và phù hợp với quy định của Bộ Y tế.
Trong bài bình luận đăng ngày 13/7, Jakarta Post cho rằng vaccine là biện pháp hiệu quả trong phòng chống Covid-19, vì vậy việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng là bước đi đúng hướng.
Indonesia đang nghiên cứu để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người đủ điều kiện, chiếm khoảng 70% tổng dân số vào tháng 3/2022.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho một người nước ngoài ở đảo Bali ngày 22/6. Ảnh: Antara. |
Tuy nhiên, tờ này cũng nhấn mạnh rằng dù được tuyên bố hướng tới mục đích như vậy, chương trình tiêm chủng tư nhân vẫn đặt ra rất nhiều nghi vấn.
Kimia Farma lập luận rằng chương trình tiêm chủng tư nhân sẽ đẩy nhanh quá trình đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, lập luận đó có vẻ không mấy thuyết phục.
Nếu mục tiêu cuối cùng của việc bán vaccine là để tăng tốc chương trình tiêm chủng, nó cũng có thể được đẩy mạnh dưới dạng chương trình tiêm chủng miễn phí, Jakarta Post bình luận.
Tờ này khẳng định tâm lý do dự tiêm vaccine của người dân vẫn còn là vấn đề lớn ở Indonesia, nhưng thực tế là rất nhiều người vẫn đang chờ đến lượt được tiêm chủng.
Nói cách khác, vấn đề bất cập hiện nay liên quan nhiều nhất đến khâu hậu cần.
Nếu được triển khai, chương trình tiêm chủng tư nhân có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong hai vấn đề trên hay không, Jakarta Post đặt câu hỏi.
Hoãn triển khai vì hứng chỉ trích
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, hôm 12/7 công ty dược phẩm quốc doanh PT Kimia Farma phải tuyên bố hoãn triển khai chương trình tiêm chủng tư nhân, chỉ một ngày sau khi ra thông báo bắt đầu cung cấp dịch vụ vào tuần này.
“Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng chương trình tiêm chủng tự chi trả, ban đầu dự kiến triển khai từ ngày 12/7, bị trì hoãn cho đến khi có thông báo mới”, thư ký công ty Kimia Farma, Ganti Winarno, viết trong tuyên bố hôm 12/7.
Ông không đề cập đến những lời chỉ trích công khai, nhưng cho biết công ty nhận được "nhiều câu hỏi và quan tâm" về chương trình, do đó dẫn đến hoãn triển khai chương trình.
Indonesia đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai, trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên vượt mốc 2,5 triệu ca bệnh hôm 11/7. Ảnh: Reuters. |
“Ban quản lý quyết định kéo dài thời gian để nâng cao nhận thức của cộng đồng về chương trình tiêm chủng tư nhân Gotong Royong, và tổ chức quá trình đăng ký cho người mong muốn được tiêm vaccine", tuyên bố viết.
Jakarta Post cho rằng không có gì ngạc nhiên khi các nhóm xã hội dân sự phản đối mạnh mẽ chính sách này, buộc Kimia Farma phải hoãn việc triển khai chương trình.
Tờ này nhận định vẫn có khả năng chính phủ Indonesia sẽ hủy bỏ hoàn toàn chương trình này, thay vì để niềm tin của dân chúng vào chính phủ bị xói mòn.
"Chúng tôi mong muốn chính phủ kiểm soát hoàn toàn việc xử lý đại dịch. và không để yếu tố thị trường quyết định ai nên sống hay chết. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội và kinh tế, vì một số người có nguồn lực chính trị và tài chính lớn hơn đã có thể tiếp cận các cơ sở y tế dễ dàng hơn những người khác", Jakarta Post viết.