Chuỗi nhà thuốc An Khang - được Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mua lại cuối năm 2017 - đã bắt ngờ tăng tốc mở rộng từ kể từ đầu năm nay. Hệ thống này vừa vượt mốc 500 cửa hàng vào giữa tháng 7, tức tăng hơn 320 điểm bán so với đầu năm.
Lãnh đạo doanh nghiệp này còn kỳ vọng sẽ sớm đạt cột mốc 800 cửa hàng vào thời điểm cuối năm và xa hơn là 2.000 địa điểm kinh doanh vào cuối năm 2023, tiến dần lên phía bắc để phủ xanh trên toàn quốc.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm An Khang Pharma - chia sẻ với báo giới rằng nếu hoàn thành sớm mốc 2.000 cửa hàng sẽ trở thành chuỗi dược phẩm hiện đại có số lượng cửa hàng lớn nhất.
Có thể thấy, dù khởi động mảng kinh doanh dược phẩm sau so với nhiều đối thủ lớn nhưng hiện An Khang đã nhanh chóng tiến vào top 3 nhà bán lẻ dược phẩm lớn nhất hiện nay, cùng với Pharmacity (hơn 1.100) và Long Châu (gần 700).
HỆ THỐNG CHUỖI NHÀ THUỐC HIỆN ĐẠI TẠI VIỆT NAM | ||||
Nhãn | Pharmacity | Long Châu | An Khang | |
Cuối 2021 | Cửa hàng | 800 | 400 | 178 |
Tính đến ngày 15/7 | 1147 | 692 | 518 |
CEO An Khang Pharma lý giải việc chậm mở rộng trước đây là do có nhiều mối bận tâm hơn lúc đó. Trong khi đầu năm 2022, nhất là sau dịch Covid-19, công ty đã nhìn thấy nhiều cơ hội cho việc tập trung phát triển mảng kinh doanh này.
"Sau dịch Covid-19 thì người dân đã để ý nhiều hơn về sức khỏe của mình, họ không chỉ mua thuốc điều trị mà còn quan tâm đến các sản phẩm hỗ trợ, bồi bổ sức đề kháng hay các sản phẩm cá nhân, đây là thời điểm phù hợp nhất để phát triển", ông Hiểu Em nói.
Hiện nay toàn thị trường bán lẻ dược phẩm được ước tính có quy mô vào khoảng 7-8 tỷ USD và còn tăng trưởng 2 con số trong các năm tới. Tuy nhiên thị phần chủ yếu vẫn nằm trong tay các nhà thuốc bệnh viện và còn lại 1/3 là nhà thuốc bên ngoài với khoảng 60.000 cửa hàng.
Lãnh đạo công ty đánh giá đó là một cơ hội lớn bởi nhà thuốc truyền thống đang chiếm tỷ trọng lớn, trong khi kênh hiện đại vẫn còn khá nhỏ. Tổng sở hữu các nhà bán lẻ lớn còn chưa đến 3.000 cửa hàng, chiếm thị phần rất nhỏ 5-7% trong số đó.
Người đứng đầu chuỗi dược phẩm này nói rõ mục tiêu hiện tại là tập trung nhiều cho vấn đề mở rộng, sử dụng các nguồn tài chính để mở rộng nhanh nhất và tiếp cận khách hàng nhiều nhất.
Ông tự tin không có khó khăn trong việc phát triển cửa hàng An Khang bởi đã có nền tảng phát triển chuỗi bán lẻ có được từ tập đoàn mẹ MWG cùng với nhiều năng lực về tài chính, con người, kinh nghiệm... để phát triển lớn mạnh hơn nữa.
"An Khang dự kiến kết thúc năm với 800 cửa hàng và doanh thu đạt trên 2.000 tỷ đồng. Chúng tôi đặt mục tiêu đạt điểm hòa vốn cuối năm, thậm chí có lời ở cấp công ty", ông Hiểu Em chia sẻ.
Hiện tại mức doanh thu trung bình mỗi cửa hàng dao động 400-450 triệu đồng/tháng và lãnh đạo của An Khang muốn đẩy mạnh doanh số trong thời gian tới lên trên 600 triệu đồng, đây là mức giúp công ty có lời.
Tuy nhiên chuỗi nhà thuốc này cũng đối mặt với không ít thách thức như vấn đề đào tạo dược sĩ để theo kịp tốc độ mở chuỗi. Công ty đã có kế hoạch làm việc với các trường Đại học để đào tạo sinh viên và tạo điều kiện làm việc thực tế tại cửa hàng.
Vấn đề phát triển kênh online cũng có những giới hạn về quy định của ngành dược. Người dân chỉ mua online được sản phẩm thông thường, trong khi các đơn thuốc vẫn phải đến cửa hàng và mang toa thuốc.