Tưởng chừng như vận đen đã qua với tập đoàn Samsung khi kết quả kinh doanh thuận lợi trở lại sau cuộc khủng hoảng nổ điện thoại, tuy nhiên tới nay có thể thấy, những vụ nổ Galaxy Note 7 chỉ là mở màn cho chuỗi ngày u ám của tập đoàn khổng lồ này.
1. Samsung Galaxy Note 7, giấc mơ huy hoàng thành cơn ác mộng
Được Samsung mệnh danh là smartphone tuyệt vời nhất vào thời điểm ra mắt với những tính năng thời thượng như bảo mật mống mắt, chống nước, bút cảm ứng đi kèm, Galaxy Note 7 được gấp rút ra mắt để “đánh chặn” các đối thủ cạnh tranh trong tương lai gần, tuy nhiên sự vội vàng của Samsung đã gây nên hậu quả không tưởng.
Những chiếc Galaxy Note 7 nổ pin chỉ là mở màn cho chuỗi ngày u ám của Samsung. Ảnh: Gizmodo. |
Do thiết kế vát cạnh quá mỏng, pin của máy không đủ diện tích nở ra khi cắm sạc gây đoản mạch khiến hàng loạt máy Galaxy Note 7 trên toàn cầu phát nổ, cháy lan sang nhiều vật dụng của khách hàng tạo hỏa hoạn. Hãng đã phải nhanh chóng thu hồi máy, ngừng sản xuất. Đợt máy thứ hai thay thế tiếp tục phát nổ, đặt dấu chấm hết cho “chiếc điện thoại tốt nhất Samsung từng tạo ra”.
Kết thúc khủng hoảng, Samsung ghi nhận giảm 33% lợi nhuận so với quý trước đó, tổng thiệt hại ước tính 17 tỷ USD.
Samsung đã có những bước xử lý đúng đắn, bồi thường cho khách hàng, chấp nhận thiệt hại kinh tế, thiệt hại về thương hiệu và thị phần, đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết, tuy nhiên vận đen vẫn ám theo hãng.
2. Ban lãnh đạo bị triệu tập điều tra
Ngày 8/1/2017, ông Hong Jung Seok, người phát ngôn của cơ quan điều tra Hàn Quốc đã tiết lộ với Bloomberg Chủ tịch bộ phận chiến lược tập đoàn Samsung, ông Chang Choong Ki và Phó chủ tịch Choi Gee Sung đã bị triệu tập để phục vụ điều tra.
Samsung tiếp tục là tâm điểm của những nghi án hối lộ, thao túng chính trị Hàn Quốc. Ảnh: AFP.
|
Ông Chang và ông Choi sẽ tới để trả lời một vài câu hỏi của cơ quan điều tra với tư cách người làm chứng và chưa bị cáo buộc sai phạm. Tuy nhiên theo ông Hong, rất có thể mọi chuyện sẽ thay đổi.
Cuộc thẩm vấn hai lãnh đạo Samsung là động thái tiếp theo sau khi Quốc hội Hàn Quốc điều tra ông Lee Jea Yong, người đứng đầu trên thực tế của tập đoàn Samsung Electronics, hay còn được gọi là “Thái tử Samsung”.
Cũng theo Bloomberg, các nhà chức trách Hàn Quốc đã thẩm vấn Lee Jea Yong về việc liệu tập đoàn lớn nhất nước này có nhận lại lợi ích nào từ việc quyên tiền cho các quỹ thuộc kiểm soát của bà Choi Soon Sil, người bạn "pháp sư" được cho là đã thao túng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. “Thái tử Samsung” đã bác bỏ mọi cáo buộc.
3. Thái tử ngồi khám
Sau quá trình điều tra, Lee Jae Yong, người thừa kế của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), chính thức bị bắt giữ hôm 17/2 do cáo buộc đưa hối lộ liên quan đến bê bối của Tổng thống Park Geun Hye.
Ông Lee Jae Yong, "Thái tử Samsung", trả lời báo chí khi bị triệu tập đến trụ sở cơ quan điều tra tại Seoul hôm 13/2. Ảnh: Reuters.
|
Theo các điều tra viên, ông Lee đã chi hoặc hứa chi 43 tỷ won (khoảng 36 triệu USD), để hối lộ bà Choi Soon Sil. Khoản tiền được cho là để đổi lấy sự ủng hộ từ tổng thống Hàn Quốc trong việc sáp nhập hai công ty con của Samsung, một bước đi quan trọng để ông Lee củng cố quyền lực trong công ty.
“Thái tử Samsung” là nhà lãnh đạo trẻ tốt nghiệp đại học Harvard, người thừa kế duy nhất của tập đoàn và là tương lai của đế chế Samsung. Theo Reuters miêu tả, Lee Jea Yong hiện sống trong một buồng giam rộng 6m2, không có giường. Nơi ngủ của ông Lee là một tấm nệm trải dưới sàn, nhà vệ sinh được đặt ngay trong phòng, ngăn cách với nơi ngủ bằng một vách ngăn. Trong nhà vệ sinh không có buồng tắm đứng, chỉ có bồn rửa.
Samsung là nhà quyên góp lớn nhất cho các quỹ của bà Choi. Tập đoàn này còn bị cáo buộc đã tài trợ hàng triệu USD khác cho các khóa huấn luyện đua ngựa của con gái bà Choi tại Đức.
Các quan chức của Samsung đã bị thẩm vấn trong nhiều tháng trước đó. Họ lập luận rằng dù có đóng góp cho bà Choi, nhưng không nhận lại lợi ích gì, vì vậy số tiền đó không thể xem là hối lộ.