Những ngày qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng ở nhiều tỉnh thành. Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM các rạp phim trên địa bàn phải đóng cửa từ ngày 3/5. Tiếp đó, các rạp chiếu phim ở Hà Nội cũng phải đóng cửa. Doanh thu của các nhà rạp tập trung chủ yếu tại hai thành phố lớn. Vì vậy, việc đóng cửa sẽ khiến nhà rạp gặp nhiều khó khăn.
Thua lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi tháng
Đại diện của Lotte chia sẻ với Zing, cụm rạp này đã đóng 46 rạp trong cả nước, chỉ còn 7 rạp hoạt động cầm chừng. Điều này khiến Lotte có thể bị thua lỗ vài chục tỷ đồng trong một tháng.
Một vài rạp hiện vẫn mở nhưng "thiệt đơn, thiệt kép". Ảnh: Lotte. |
"Những nơi đóng cửa, chúng tôi mất trắng chi phí chi trả mặt bằng, nhân viên. Một số rạp nhỏ ở các tỉnh còn mở thì hại đơn hại kép. Cụ thể, số lượng suất chiếu, phòng chiếu đều giảm. Phim mới không có, các rạp hiện chỉ chiếu phim cũ. Vì vậy rạp phim rất vắng khách. Mỗi cụm rạp chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm khách", người đại diện nói.
Tương tự, BHD đóng cửa 10 cụm rạp. Galaxy cũng đóng hoàn toàn 18 cụm rạp trên cả nước. Chị Mai Hoa, Giám đốc marketing của chuỗi cụm rạp Galaxy cho hay trải qua bốn đợt dịch với bốn lần đóng cửa, nhà rạp không sốc, cũng không rơi vào hoảng loạn như thời gian đầu. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn đối diện với khó khăn.
"Từ khi đóng cửa, chúng tôi phải gồng mình lo rất nhiều chi phí mà không có nguồn thu. Nếu đóng cửa hai tuần, chúng tôi thua lỗ 7-10 tỷ đồng. Nếu đóng một tháng, số tiền chúng tôi phải trả lên tới 20 tỷ đồng", chị Hoa nói.
Mong được trả chậm tiền thuế, nợ ngân hàng
Đứng trước áp lực phải gồng gánh chi phí lớn, đại diện các chuỗi cụm rạp cho hay họ phải gửi công văn tới từng đơn vị cho thuê mặt bằng để nhờ hỗ trợ giảm tiền thuê. Tuy nhiên, việc miễn giảm hay không lại phụ thuộc vào từng đơn vị, hợp đồng đã ký giữa hai bên.
Phim Trạng Tí rút khỏi rạp sau khi các rạp chiếu phim ở TP.HCM phải đóng cửa. Ảnh: CJ. |
Đại diện của Lotte cho hay họ nhận được hầu hết sự hỗ trợ từ các đối tác. Trong khi đó, phía BHD và Galaxy đang trong quá trình trao đổi, thỏa thuận.
Không những thế, với số lượng lớn nhân viên, nhà rạp bắt buộc phải thực hiện kế hoạch cắt giảm lương. Đại diện của Lotte thừa nhận phía cụm rạp buộc phải giảm lương nhân viên trong thời gian qua.
"Nếu rạp mở, ít khách, chúng tôi vẫn cố gắng trả đủ lương cho nhân viên. Nhưng ở thời điểm này, người lao động cần chia sẻ khó khăn với nhà rạp", người này nói.
Ngoài ra, để vượt qua khó khăn, các nhà rạp bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước về việc giãn công nợ. Chị Mai Hoa chia sẻ: "Sau đợt dịch trước, rạp phim vừa trở lại sôi động nhờ phim Bố già. Nhưng ngọn lửa vừa bốc lên đã bị dập ngay. Chúng tôi hy vọng Nhà nước có chính sách hỗ trợ".
Đại diện của BHD cho rằng áp lực lớn với doanh nghiệp còn nằm ở việc trả thuế, nợ ngân hàng. Anh mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh kịp thời như trước đây. Cụ thể, doanh nghiệp có thể trả chậm, giãn nợ với các khoản thuế, nợ ngân hàng.
Theo các nhà rạp, việc đóng cửa gây thiệt hại lớn về kinh tế, nhưng đây là điều cần thiết trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Họ đều tin rằng với sự chủ động, quyết liệt của Nhà nước, dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi và rạp phim có thể mở cửa trở lại.