Vũ Công Chiến được biết tới qua những cuốn sách đậm màu hoài niệm như Hồi ức lính, Kim Liên một thuở.
Nếu như Hồi ức lính được giới văn chương công nhận bởi giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, Kim Liên một thuở chinh phục bạn đọc bởi những trang viết sinh động về Hà Nội cách đây nửa thế kỷ.
Mới đây, ông phát hành cuốn sách tiếp theo với tên Chúng tôi thời hậu chiến.
Tác giả Vũ Công Chiến. Ảnh: Y Nguyên. |
Mở đầu tác phẩm là khung cảnh ngày chiến thắng 30/4/1975, những người lính trẻ đang hừng hực khí thế tiến về Sài Gòn bỗng vỡ òa khi nghe tin địch đầu hàng.
Biết bao cảm xúc hòa cùng tin vui, họ nghĩ về những đồng đội mới hy sinh hôm qua, nghĩ đến ngày trở về quê mẹ, nghĩ đến những dự định cho ngày hòa bình sắp trở thành hiện thực.
Theo chân anh lính trẻ Vũ Công Chiến, độc giả được trải qua những ngày hòa bình mới lập lại ở khu căn cứ Đồng Dù, xuôi về Thuận Hải trồng bông làm kinh tế mới rồi lại ngược về Tây Nguyên trên những chiếc xe GMC. Trong giai đoạn ấy, anh lính còn được đơn vị cử đi học ở trường Văn hóa Quân khu 5.
Tuy có nhiều kỷ niệm đẹp với đơn vị, anh em đồng đội, sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, chàng lính vẫn quyết tâm trở về học tiếp đại học khi tuổi quân vừa tròn năm thứ sáu.
Anh bước chân vào đời làm một người lính, trước khi đủ 18 tuổi để trở thành công dân. Đã đi qua năm tháng chiến tranh bằng những ngày cầm súng trực tiếp chiến đấu và rồi đi qua bom đạn một cách bình an, trở về nguyên vẹn trong vòng tay của mẹ.
Một cuộc sống mới đang chờ đợi, những việc còn dở dang của ngày xưa đang chờ người trở về hoàn thành. Năm ấy, anh lính Vũ Công Chiến vừa tròn tuổi 24.
Cuộc sống đời thường khiến chàng lính trẻ chất phác, vốn quen cầm súng chiến đấu, có nhiều bỡ ngỡ. Chàng trai thấy mình lạc lõng giữa đám thanh niên cùng thời, thấy mình khác biệt so với những cô cậu tuổi mười tám, đôi mươi cùng lớp đại học.
Sách Chúng tôi thời hậu chiến. Ảnh: Sống. |
Cuộc sống sinh viên - lính không quá thiếu thốn nhưng đến khi có gia đình riêng, chàng lính mới thấm thía sự chật vật của nền kinh tế đổi mới.
Chàng cũng phải vác túi đồ nghề đạp xe rong ruổi khắp Hà Nội để kiếm thêm thu nhập. Hình ảnh ấy trôi qua trước mắt giống như thước phim cũ của những năm 90 thế kỷ trước.
Cơm, áo, gạo, tiền khiến những người lính trở về cảm thấy mình bị lùi sau xã hội, chuyển động chậm hơn đám đông. Đó là những anh Hà “thái giám”, anh Kim “con”, anh Thái “pi tơ”…
Tuy vất vả với đời sống mới, không ai trong số họ đánh mất phẩm chất của người lính. Họ vẫn hào sảng, lạc quan khi nhớ về quá khứ và hiện tại, tương lai.
Chiến tranh còn hiện hữu đâu đó sau những lũy tre làng, trong những mái nhà. Nó khiến con người đi qua chiến tranh phải nuốt nước mắt vào trong. Sự khắc khổ hằn lên những nếp nhăn trên gương mặt, trên những đôi tay đầy vết chai sạn.
Người cựu binh Vũ Công Chiến, trong hành trình tìm lại đồng đội xưa, đã không ít lần phải thốt lên nỗi xót xa, thương cảm bạn mình. Quay lại chiến trường xưa, đi tìm mộ đồng đội… là những mong ước giản dị của người lính khi chiến tranh đã lùi xa mà không phải ai cũng thực hiện được.
Chúng tôi thời hậu chiến là cuốn sách "lính kể chuyện lính". Tác giả Vũ Công Chiến bằng chất giọng điềm đạm, trầm ngâm, chiêm nghiệm đã đem đến cho độc giả muôn mặt người lính sau chiến tranh. Những câu chuyện khiến người đọc thấy ám ảnh, xót thương dù chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn 40 năm.