Cảm xúc là kẻ thù số 1 của thành công là cuốn sách ăn khách trên thị trường vài năm nay, liên tục được tái bản. Trong phiên bản mới nhất ra mắt giữa tháng 3, sách bổ sung thêm nội dung về quản lý tài chính cá nhân.
Trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, ai cũng cần quản lý tài chính cá nhân. Đây cũng là phần nội dung mà TS Lê Thẩm Dương tâm huyết trong ấn phẩm mới.
Sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công phiên bản 2021 do Clazo và NXB Thanh Niên phát hành. Ảnh: Y. N. |
Về quản lý tài chính cá nhân, TS Lê Thẩm Dương nói: “Người Việt chúng ta tiết kiệm đến bần tiện mà cũng hoang phí đến tột cùng. Hoang phí nhất là tiền không đầu tư, mà để trong gầm giường”.
Ông cho rằng để quản trị tài chính cá nhân tốt, cần nắm những nguyên tắc. Đầu tiên, cần lên một bức tranh tổng thể về vấn đề tài chính của mình, gia đình mình, cần biết thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, dùng vào việc gì…
Thứ hai, phải có nguyên tắc tiêu tiền. Có người bần tiện, có người tiết kiệm, có người tới đâu lo tới đó… Cần vận dụng nguyên tắc để giải quyết chiến lược tiết kiệm.
Quản trị tài chính cá nhân cần vận dụng nguyên tắc để "tiền nở ra tiền". “Nếu để tiền ở nhà, cứ mỗi năm bạn mất đi một lượng tương ứng lạm phát; gửi tiền vào ngân hàng thì lãi không cao, mua chứng khoán lãi cao nhưng rủi ro cũng cao nên bạn cần vận dụng nguyên tắc để khiến tiền ‘nở ra’, không được để nó mất đi, kiếm tiền đã khó, nhưng giữ tiền còn khó hơn nhiều”, TS Lê Thẩm Dương viết trong sách.
Tác giả cũng khuyên nên chuẩn bị cho những tình huống xấu. Tai nạn, bệnh tật không thể nói trước, cần phải có tính toán cho những lúc không thể làm việc mà vẫn có tài chính chi trả cho cuộc sống.
TS Lê Thẩm Dương trong buổi giao lưu với bạn đọc tại nhà sách Tân Việt, Hà Nội. Ảnh: D. T. |
Nhiều người tiết kiệm khi có thu nhập dư giả, nhưng TS Lê Thẩm Dương cho rằng ý thức tiết kiệm cần phải hình thành từ sớm, còn hành vi tiết kiệm phải được thực hiện ngay khi kiếm được tiền.
Ông cũng gợi ý người trẻ chia tỷ lệ phần trăm thu nhập: 50% lương dành cho nhu cầu thiết yếu (ăn, sinh hoạt, vui chơi, giải trí, mua sắm), 10% dành cho giáo dục, 10% dành cho tiết kiệm dài hạn, 10% dành cho hưởng thụ (lâu lâu ăn ngon, đi du lịch), 5% dành cho trao đi và 15% dành cho quỹ tài chính tự do (quỹ tài chính tự do được hiểu là sống mà không cần làm việc).
Mỗi người có một mức thu nhập khác nhau, nhưng tác giả sách cho rằng nên chia tiền thành những phần như vậy hàng ngày, hàng tháng. Ông nói: “Ăn chơi hôm nay phải nghĩ đến rủi ro trong tương lai… Việc chia tiền vào 6 lọ này cần làm hàng ngày, ý thức về nó hàng ngày, thực hiện nó hàng ngày”.
Nhưng tác giả khuyên phải tiêu hết 10% quỹ hưởng thụ, bởi nó là quỹ cân bằng cuộc sống. Trong khi đó, quỹ tài chính tự do lại tuyệt đối không được đụng đến để tiêu xài.