Các nhà khoa học của Đại học Jena tại Đức tuyển nhiều tình nguyện viên để thực hiện một thử nghiệm về mức độ nhớ khuôn mặt của con người. Họ chụp ảnh hàng loạt khuôn mặt đẹp lẫn khuôn mặt xấu rồi yêu cầu nhóm tình nguyện viên quan sát mỗi ảnh trong vài giây. Một lúc sau, nhóm tình nguyện viên xem các ảnh một lần nữa và các chuyên gia hỏi họ nhận ra những khuôn mặt trong ảnh hay không, Science Daily đưa tin.
Ảnh minh họa: examiner.com |
Kết quả khiến các nhà nghiên cứu cảm thấy bất ngờ.
"Từ trước tới nay chúng ta luôn nghĩ rằng nhận dạng khuôn mặt hấp dẫn là việc dễ dàng hơn so với nhận dạng khuôn mặt xấu, bởi con người luôn thích ngắm khuôn mặt đẹp hơn. Nhưng thử nghiệm của chúng tôi cho thấy suy nghĩ đó không đúng. Các tình nguyện viên nhận ra những khuôn mặt xấu nhanh hơn", tiến sĩ Holger Wiese, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Wiese nhận định rằng việc nhớ những gương mặt hấp dẫn trở nên khó bởi con người chịu tác động của cảm xúc. Phần lớn chúng ta đều cảm thấy hưng phấn, dễ chịu khi ngắm khuôn mặt đẹp, song chính những cảm xúc tích cực ấy lại khiến mức độ tập trung của não giảm và cản trở hoạt động ghi nhớ khuôn mặt.
Một điều thú vị nữa là con người rất dễ nhớ nhầm khuôn mặt đẹp. Trong thử nghiệm lần thứ hai, các chuyên gia cố tình thay một số ảnh mà họ dùng trong lần thứ nhất bằng những bức chân dung đẹp mới. Nhiều tình nguyện viên khẳng định họ đã nhìn những khuôn mặt mới đó trong lần thứ nhất.
"Con người thường nghĩ rằng chúng ta đã gặp một người đẹp ở đâu đó dù chúng ta chưa hề thấy họ", Wiese nói.