Zing.vn lược dịch 5 nhận định của Jeff Ding, nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford chuyên tìm hiểu về sự phát triển AI của Trung Quốc trong những năm qua.
Đầu tiên, các cộng đồng nghiên cứu AI dùng tiếng Trung và tiếng Anh có sự hiểu biết không đối xứng. Hầu hết nhà nghiên cứu Trung Quốc có thể đọc tiếng Anh, và gần như tất cả các nghiên cứu lớn ở phương Tây ngay lập tức được dịch sang tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên ở chiều ngược lại thì không.
Do đó, cộng đồng nghiên cứu AI ở Trung Quốc có sự hiểu biết sâu sắc hơn nhiều so với cộng đồng tiếng Anh, cả về những gì đang xảy ra ở hai hướng phát triển. Khi ngành công nghiệp AI Trung Quốc tiếp tục đi lên, đây sẽ là một bất lợi lớn cho người dân phương Tây.
Theo Jeff Ding, cộng đồng nghiên cứu AI ở Trung Quốc có sự hiểu biết sâu sắc hơn nhiều so với cộng đồng nói tiếng Anh. Ảnh: MIT. |
Thứ hai, người phương Tây có quan điểm thổi phồng về khả năng AI của Trung Quốc. Sự cường điệu này một phần bởi các phương tiện truyền thông và chính trị gia dùng AI để thúc đẩy những chương trình nghị sự của họ.
Người phương Tây cũng thiếu hiểu biết những kỹ năng lẫn năng lực kỹ thuật thực sự của các công ty Trung Quốc. Nhiều chuyên gia Trung Quốc nhận định các công ty lớn về AI trong nước không quá ấn tượng như vẻ ngoài của họ, các thuật toán không tốt bằng và quy mô các nhóm nghiên cứu cũng nhỏ hơn.
Thứ ba, chính phủ Trung Quốc coi AI là một công cụ quản trị xã hội. Theo báo cáo từ công ty tư vấn Trung Quốc Yiou Intelligence, các công ty bảo mật chiếm tỷ trọng cao nhất trong số 100 công ty AI hàng đầu. Những lĩnh vực liên quan bao gồm nhận diện khuôn mặt và cung cấp nền tảng giám sát an ninh, an toàn.
Các học giả Trung Quốc cho rằng nhiều công ty AI trong nước tốt sơn hơn tốt gỗ. Ảnh: Techgenez. |
Một số công ty này tham gia trực tiếp vào giám sát hàng loạt của chính phủ ở Tân Cương, khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ. Trong khi số khác thúc đẩy xuất khẩu công nghệ giám sát của Trung Quốc sang Trung Á và các nước khác.
Thứ tư, nghiên cứu AI tại đây đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong lịch sử, các công ty hai nước đã trao đổi thông tin và nhân sự hết sức tự do. Lấy ví dụ, Microsoft Research Asia (MSRA), trung tâm của Microsoft tại Bắc Kinh là trung tâm lớn nhất của công ty ngoài trụ sở chính.
Trong lịch sử 20 năm của mình, MSRA đã đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy hệ sinh thái AI của Trung Quốc. Các dự án như XiaoIce, công ty chatbot cực kỳ nổi tiếng ở Trung Quốc đã tận dụng lợi thế về số lượng người dùng khổng lồ để cải tiến khả năng AI của công ty.
Một số công ty công nghệ tư nhân Trung Quốc tham gia trực tiếp vào quá trình giám sát công dân của nhà nước. Ảnh: Abacus. |
MSRA cũng đã đào tạo hàng nghìn nhà nghiên cứu tài năng của Trung Quốc, những người đã tiếp tục làm việc tại nhiều công ty AI lớn của đất nước.
Cuối cùng, người Trung Quốc quan tâm đến đạo đức AI. Dù có thể công dân Trung Quốc và Mỹ có quan điểm khác nhau về quyền riêng tư, thật sai lầm khi nói rằng người Trung Quốc không quan tâm đến điều đó.
Nhiều gã khổng lồ công nghệ đã bị sa lầy trong các cuộc tranh cãi về vi phạm quyền riêng tư, và chính quyền địa phương cũng thường xuyên đệ đơn kiện các công ty vi phạm những biện pháp bảo vệ dữ liệu. Ngoài ra, nhiều học giả Trung Quốc nay còn đưa ra các diễn ngôn về vấn đề này trong các buổi đối thoại tầm cỡ.