Trung Quốc đang cố gắng áp dụng nhiều công nghệ giám sát vào trường học để đảm bảo học sinh, sinh viên luôn thực hiện tốt các nội quy, đồng thời cải thiện chất lượng dạy và học.
Hàng loạt công nghệ như nhận diện khuôn mặt, gắn chip GPS vào đồng phục hay gần đây nhất là quét sóng não đã được đưa vào thử nghiệm. Tuy nhiên, chúng đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ phía phụ huynh cũng như dư luận tại quốc gia này.
Vòng tay thông minh
Theo Sohu News, tháng 3/2019, một ngôi trường phía nam Trung Quốc đã mua 3.500 chiếc vòng tay thông minh nhằm định vị học sinh qua sóng radio. Điều này dấy lên một làn sóng tranh cãi dữ dội trên Weibo vì ngôi trường này có thể đang vi phạm quyền cá nhân của học sinh.
Hệ thống theo dõi sinh viên của Tencent. Ảnh: WeChat. |
Người phát ngôn của ngôi trường cho biết những chiếc vòng tay trên được sử dụng với mục đích hỗ trợ học sinh tập thể dục và theo dõi thời khóa biểu. Tuy nhiên, một người dùng trên Weibo đã phát hiện ra rằng chiếc vòng tay còn làm được nhiều hơn thế.
"Vòng tay thông minh có tính năng theo dõi số bước, số lần bật nhảy và số lượt giơ tay phát biểu của học sinh trong lớp học", người dùng Weibo bình luận.
Đây không phải là ngôi trường đầu tiên tại Trung Quốc áp dụng công nghệ này với học sinh. Theo bài đăng trên WeChat, Tencent đã phát triển nền tảng "smart campus" sử dụng vòng tay thông minh để giám sát học sinh và đã bắt đầu hợp tác với một số trường.
Vòng đeo đầu quét sóng não
Mới đây, trên mạng xã hội Weibo tiếp tục xuất hiện những hình ảnh các học sinh tiểu học phải đeo vòng theo dõi sóng não trên đầu. Việc này đã dẫn đến làn sóng chỉ trích của cư dân mạng và phụ huynh.
Theo SCMP, công ty BrainCo đã tạo ra những chiếc vòng đặc biệt có khả năng theo dõi sóng não. Thiết bị này sẽ phân tích và hiển thị sự tập trung của học sinh ở phía trước.
Hình ảnh các học sinh Trung Quốc đeo băng đô đã thu hút sự chỉ trích trên trang mạng. Ảnh: Weibo. |
Màu xanh có nghĩa là thư giãn, màu vàng là tập trung và màu đỏ là rất tập trung. Giáo viên có thể theo dõi mức độ chú ý của mỗi học sinh thông qua phần mềm điện thoại đi kèm. Thông tin này đã dẫn đến làn sóng chỉ trích của cư dân mạng và phụ huynh.
“Nếu con gái tôi học ở trường sử dụng thiết bị này, tôi sẽ cho nó nghỉ học”, một phụ huynh Trung Quốc lên tiếng phản đối.
Đáp lại những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông xã hội, BrainCo tuyên bố họ chỉ cung cấp các thiết bị phụ trợ cho các khoá học đào tạo sự tập trung ở trường học. Công ty cũng cho biết họ sẽ không bán sản phẩm cho các trường công.
Đồng phục GPS
Theo Global Times, một số trường học tại Trung Quốc đã sử dụng “đồng phục thông minh” nhằm theo dõi sát sao hơn các học sinh của mình. Những bộ đồng phục này do công ty Guanyu sản xuất và được gắn sẵn hệ thống nhận dạng khuôn mặt và chip định vị GPS.
Những con chip trên đồng phục sẽ thông báo cho giáo viên và phụ huynh thông qua một ứng dụng khi học sinh tự ý rời khỏi trường trong giờ học, đồng thời cung cấp vị trí của học sinh đó. Một trong những trường học đang áp dụng công nghệ trên cho biết họ sẽ không theo dõi học sinh trong thời gian ngoài giờ.
Hình ảnh về bộ "đồng phục thông minh". Ảnh: Guanyu Technology. |
Đồng phục cũng được kết nối với một thiết bị nhận dạng khuôn mặt lắp đặt ở cổng trường, cho phép ghi lại đoạn video ngắn khoảng 20 giây khi một học sinh bước qua cổng, tránh trường hợp học sinh đổi áo cho nhau hoặc đưa áo cho người lạ mặc giúp. Điều này cho phép cha mẹ có thể kiểm soát chính xác thời gian của con cái tại trường.
Guanyu Technology cho biết đồng phục của họ có thể giặt được 500 lần. Chúng có giá khoảng 22,8 USD và đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc tại nhiều trường học.
Tuy nhiên, hệ thống này vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và truyền thông tại Trung Quốc. “Nó không khác gì quần áo của nhà tù”, một người dùng Weibo nói.
Đáp lại những lời chỉ trích, Guanyu Technology công bố trên Weibo rằng đồng phục của họ được phát triển vì sự an toàn của học sinh và giúp đỡ giáo viên, phụ huynh có thể nắm được tính hình của con cái mình. Đồng thời, công ty cũng khẳng định “chúng tôi rất tôn trọng và bảo vệ quyền con người”.
Vòi sen quét mã QR
Theo Xiaoxiang Morning Post, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Changsa đã lắp đặt hệ thống vòi sen Bluetooth. Sinh viên phải tải app, sau đó quét mã QR để tắm. Phát ngôn viên của nhà trường cho rằng hệ thống giúp ích cho việc thống kê mức nước mà sinh viên dùng hàng tháng.
"Hệ thống giúp sinh viên không cần đem theo nhiều loại thẻ quét lỉnh kỉnh, chỉ cần một chiếc smartphone là đủ", nhà trường cho biết.
Ứng dụng kết nối vòi sen bằng Bluetooth, người dùng quét mã QR để sử dụng. Ảnh: Weibo. |
Trên Weibo, nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh công nghệ giám sát học sinh. Đa số các bình luận tỏ vẻ không đồng tình vì con em họ buộc phải tải về máy quá nhiều loại app dành cho việc ăn uống, lên lớp, tắm rửa.
"Sao họ không tạo app cho nhà vệ sinh luôn cho đủ bộ nhỉ?", một người dùng Weibo nói.
Camera nhận diện khuôn mặt
Theo SCMP, trường Cao trung Zhejiang Hangzhou No.11 sẽ lắp đặt hàng loạt camera nhận diện khuôn mặt ở mọi lớp học. Hệ thống có chức năng phân tích biểu cảm nhằm tìm ra học sinh tập trung trong lớp hoặc học sinh ngủ gục, không tập trung vào bài giảng.
Hệ thống trợ giảng tích hợp camera nhận diện khuôn mặt. Ảnh: Weibo. |
Hệ thống camera đóng vai trò "trợ giảng" có vai trò xây dựng "hệ thống đánh giá theo dõi hành vi" nhờ vào tính năng điểm danh. Đồng thời, hệ thống còn phân tích cảm xúc của học sinh, dự đoán mức độ hài lòng, chán nản, ham muốn học tập giúp nhà trường đưa ra giải pháp phù hợp.
Mặt khác, giáo viên cũng sẽ được đánh giá và phân loại nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Hiện tại, hệ thống nhận diện khuôn mặt còn được lắp đặt ở các canteen, máy bán nước và thư viện. Học sinh, nhân viên, giáo viên trong trường thực hiện việc thanh toán thông qua hành động quét khuôn mặt.
AI quản lý sinh viên trốn học
Trang SCMP đưa tin một đại học tại Hàng Châu, Trung Quốc đã triển khai hệ thống quản lý mới cho phép sinh viên đăng nhập bằng mã xác minh gửi qua điện thoại và gửi cảnh báo tự động đến những người không đến lớp đúng giờ cùng với cảnh báo rủi ro khi trốn học.
Theo đó, những người không đi học sẽ nhận được thông báo có nội dung “Xin chào, đây là AI bé nhỏ, trợ lý giọng nói thông minh từ Đại học Hangzhou Dianzi. Tôi nhận thấy bạn đã không đến lớp hôm nay”. Bất kỳ phản hồi nào từ sinh viên sẽ được ghi âm và lưu lại để nhân viên sử dụng trong cuộc họp với sinh viên.
Hệ thống quản lý bằng AI sẽ theo dõi quá trình học tập của sinh viên và cảnh báo khi họ trốn học. Ảnh: SCMP. |
Theo ông Hu Haibin, Phó Giám đốc phụ trách văn phòng sinh viên, khoảng hơn nửa lớp học đã áp dụng hệ thống thông minh. Nếu trước đây, giáo viên mất 7-8 phút để điểm danh, nay quá trình chỉ mất 15 giây. Kết quả khá tích cực khi tỉ lệ đi học đã tăng 7% trong 2 tuần kể từ khi triển khai ứng dụng.
Ông Hu cho biết việc theo dõi học sinh nghỉ học chỉ là một phần, quan trọng hơn là tìm ra nguyên nhân sâu xa khiến học sinh nghỉ học và xây dựng cơ sở dữ liệu. Nhân viên trong trường sẽ gặp gỡ học sinh để tìm hiểu về việc vắng mặt.
"Công nghệ theo dõi xâm phạm quyền riêng tư của học sinh. Làm sao ta có thể đảm bảo thông tin này sẽ được bảo mật 100%? Nhỡ đâu thông tin cá nhân của học sinh bị rò rỉ và tội phạm mạng có được chúng thì hậu quả rất khó lường", một người dùng Weibo bình luận.