Lolita là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Vladimir Nabokov được kể lại bằng lời của Humbert Humbert, một người đàn ông trung niên bị ám ảnh bởi cô bé 12 tuổi, con gái riêng của vợ, Dolores Haze, hay còn được gọi là 'Lolita'.
Ngay từ khi ra mắt, tác phẩm đã gây nhiều tranh cãi. Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1955, thậm chí cả 5000 bản sách đã bán hết sạch nhưng không có đánh giá sách nào đặc biệt. Mãi đến cuối năm 1955, nhà văn Graham Greene viết trên tờ Sunday Times coi nó là một trong ba cuốn sách hay nhất của năm mới khiến dư luận dậy sóng.
Nhiều biên tập viên của các tờ báo khác đã phản bác lại và coi đây là cuốn sách ''bẩn thỉu'' và đầy nội dung khiêu dâm. Anh và Pháp lần lượt thu hồi và cấm xuất bản Lolita trong 2 năm. Phải đến năm 1958, cuốn sách mới được xuất bản tại Mỹ, và dù vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhưng cuốn sách vẫn bán được 100.000 bản trong vòng ba tuần đầu tiên phát hành.
Có hai luồng ý kiến rõ nhất về Lolita, một bên cho rằng đây là một câu chuyện về thứ tình cảm trần trụi nhưng chung thủy đến tột cùng; một bên nhìn nhận cuốn sách như một lời tố cáo sự suy đồi đạo đức trong xã hội.
Tác phẩm Lolita của Vladimir Nabokov. Ảnh: Phương An/Nhã Nam |
Trong bài phỏng vấn gần đây trên tờ New York Times, nhà văn Mỹ Michael Cunningham cho rằng hầu hết mọi người đang hiểu nhầm Lolita. Theo ông, Lolita cho dù đúng là kể về một người đàn ông ám ảnh tình dục với một thiếu nữ, nhưng mọi người thường bỏ qua cuộc gặp gỡ cuối cùng của Humbert và Lolita.
Trong cuộc gặp ấy, Lolita không còn là nữ thần trong lòng Humbert, cô giờ đây chỉ là một bà nội trợ bình thường. Ông ta đã bày tỏ tình yêu với cô cả trong thời điểm đó chứ không phải thiếu nữ 12 tuổi năm nào, và chân thành đề nghị được đưa cô ra khỏi tình cảnh khốn khổ ấy, được yêu cô mãi mãi.
Lời đề nghị ấy thể hiện phần nào rằng Humbert thực sự yêu Lolita, yêu tâm hồn của cô hơn là thể xác. Tất nhiên Lolita đã từ chối.
Chúng ta cũng có quyền từ chối tha thứ cho Humbert vì sự hối cải muộn màng này. Con người ta không thể nhân danh tình yêu để làm những điều tồi tệ, trái với đạo đức, đặc biệt là với một đứa trẻ vị thành niên như Dolores Haze, hay Lolita, hay bất cứ một phụ nữ nào khác.
Nhà văn, nhà báo Sarah Weinman và cuốn sách The Real Lolita. |
Ở phía còn lại, đại diện là nhà văn, nhà báo Sarah Weinman, tác giả cuốn sách The Real Lolita, khuyên độc giả đừng bị lạc lối trước lời kể của Humbert.
Lolita không phải là một phụ nữ đã sai lầm trong việc chọn lựa người đàn ông để yêu. Sự thật thì Lolita là một đứa trẻ bị cưỡng hiếp. Sự trong sáng và tương lai của cô bị cướp mất bởi một gã đàn ông mong chờ sự thấu hiểu và cảm thông cho những gì ông ta đã làm.
Với nhân vật Humbert, nhà văn Vladimir Nabokov đã tạo ra một con quỷ, một tên quái vật. Ông đã cho nhân vật mọi sức mạnh của ngôn từ và trí tuệ để giải thích tất cả, để thuyết phục chúng ta rằng ý đồ của ông ta không thực sự xấu xa như vậy, rằng trái tim ông ta đã đặt đúng chỗ, rằng cô bé cũng có lỗi.
Sau khi bày tỏ mọi thứ, Nabokov cho Humbert phương tiện để mong chúng ta thấu hiểu và thấy rằng ông ta thực sự yêu cô bé. Đúng, đối với cô mọi thứ giống như địa ngục, mọi sự đáng khinh, tàn độc ấy, như lời của Humbert, nhưng ông yêu cô. Đó là lời nói dối lớn nhất.
Theo Sarah Weinman, cuốn sách The Real Lolita cô viết ra không chỉ là câu chuyện của tên cựu tù nhân Frank La Salle đã bắt cóc và hành hạ Sally Horner, cô bé được cho là nguyên mẫu của Lolita, hay về quá trình xuất bản của Lolita. Nó còn là những khám phá về sự thành công đến kỳ lạ của Lolita cho đến tận bây giờ và tại sao mà cuốn tiểu thuyết này bị hiểu nhầm nhiều đến vậy ngay từ ban đầu.
Kể từ khi xuất bản cuốn sách của mình, Weinman đã cố gắng truyền tải mong muốn mọi người dừng gắn cái tên Lolita với ý niệm về một cô gái quyến rũ, hư hỏng. Lolita chỉ là Dolores Haze, một cô bé 12 tuổi. Một thiếu nữ chưa kịp trưởng thành.
Sau khi chạy trốn khỏi Humbert, cô đến với Clare Quilty, kẻ cũng có những ham muốn kì quặc và ngoại đạo. Và cô một lần nữa lại chạy thoát khỏi đó, có một người chồng và một cuộc sống bình thường, nhưng không sống đủ lâu để tận hưởng cuộc đời mình.
Bộ phim Lolita (1997) chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của Vladimir Nabokov. |
Sau khi đọc Lolita, dù bạn có hiểu theo cách nào đi chăng nữa, sự thật là toàn bộ cuốn sách từ đầu đến cuối vẫn chỉ là lời của Humbert. Dù Humbert luôn kể về Dolores Haze, về những ngã rẽ mà cô ấy chọn hay không chọn, nhưng chưa bao giờ ta được nghe Dolores nghĩ gì.
Ở cuối tác phẩm, Humbert đã tự hỏi chính mình: ''Liệu những điều tôi làm với Dolly có giống với những gì người thợ máy 50 tuổi Frank La Sella đã từng làm với cô gái 11 tuổi Sally Horner năm 1948?'', còn Lolita liệu có coi mình giống như cô bé Sally năm nào hay không?