Những mảnh nhựa siêu nhỏ đã được phát hiện ở những địa điểm xa xôi nhất, từ đáy đại dương sâu thẳm đến tầng băng ở Bắc Cực. Một nơi khác mà nhựa xuất hiện là bên trong cơ thể chúng ta. Chúng ta hít vào vi nhựa (nhựa siêu nhỏ), ăn vi nhựa và uống nước ngấm nhựa mỗi ngày.
Nhựa không thể phân hủy sinh học. Thay vào đó, nó vỡ thành những mảnh nhỏ hơn, và cuối cùng nằm lại ở mọi nơi, kể cả trong chuỗi thức ăn. Những mảnh có chiều dài dưới 5 milimet, tương đương kích thước của một hạt vừng (mè), được gọi là "vi nhựa".
Hàng chục báo cáo đã được công bố về vi nhựa nhưng cộng đồng khoa học mới chỉ hiểu biết ở mức "bề mặt" về việc chúng ta tiêu thụ bao nhiêu nhựa và mức độ nguy hại của nó.
Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) kết luận con người có thể tiêu thụ lượng nhựa tương đương một tấm thẻ ngân hàng, chủ yếu là trong nước uống, nhưng cũng có thể thông qua các nguồn khác như động vật có vỏ. Chúng ta có xu hướng ăn nguyên cả con đối những loại thực phẩm này nên nhựa trong hệ thống tiêu hóa của chúng cũng sẽ đi vào cơ thể con người
Dựa trên những phát hiện của nghiên cứu, Reuters đã tạo ra những hình ảnh sau đây để minh họa lượng nhựa này thực sự trông như thế nào trong các khoảng thời gian khác nhau.
Mỗi tuần: 5 gram nhựa
Khối lượng này tương đương một nắp chai nhựa và lượng nhựa vụn đủ để đổ đầy một muỗng canh bằng sứ.
Mỗi tháng: 21 gram nhựa
Khối lượng này tương đương năm con xúc xắc ở sòng bạc và lượng nhựa vụn đủ để đổ đầy một nửa bát cơm.
Mỗi 6 tháng: 125 gram nhựa
Lượng nhựa vụn màu vàng đủ để đổ đầy một bát ngũ cốc.
Mỗi năm: 250 gram nhựa
Lượng nhựa có thể chất đầy chiếc đĩa dùng cho bữa tối.
Mỗi 10 năm: 2,5 kg nhựa
Reuters không có đủ nhựa vụn để thể hiện sự so sánh này. Tuy nhiên, một chiếc phao cứu sinh tiêu chuẩn nặng 2,5 kg.
Trong cuộc đời chúng ta: 20 kg nhựa
Tuổi thọ trung bình là 79. Sử dụng ước tính hiện tại về lượng vi nhựa trong chế độ ăn uống của chúng ta và giả sử tình hình không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn, thì chúng ta sẽ tiêu thụ 20 kg nhựa trong cuộc đời. Khối lượng này còn lớn hơn tổng khối lượng hai thùng rác di động, mỗi thùng nặng 10 kg như hình dưới.
"Chúng ta đã sử dụng nhựa trong nhiều thập kỷ nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ tác động của các hạt nhựa có kích thước micro và nano đối với sức khỏe chúng ta", chuyên gia Thava Palanisami, thuộc Đại học Newcastle ở Australia, làm cho nghiên cứu của WWF, nói.
"Tất cả những gì chúng ta biết là chúng ta đang ăn nó và nó có khả năng gây nhiễm độc. Đó chắc chắn là điều cần quan tâm".