Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết biến chủng BA.2 dần trở thành chủng nCoV trội tại nước này.
Tại Mỹ, số ca nhiễm BA.2 chiếm 23,1% tổng số ca mắc Covid-19 trong ngày 12/3, tăng lên so với con số 14,2% ngày 5/3. Các bang tại Mỹ nói riêng cũng ghi nhận số ca nhiễm Omicron BA.2 tăng thêm 10%-20%, theo USA Today ngày 18/3.
Mỹ vẫn đứng đầu về số ca mắc Covid-19, với hơn 81 triệu ca, và xấp xỉ một triệu người tử vong, theo Worldometer.
Châu Âu và nhiều quốc gia châu Á ghi nhận gia tăng số ca mắc trong nhiều tuần qua, phần lớn là do biến chủng BA.2, nhưng chưa rõ tỷ lệ nhiễm BA.2 ở những nước này.
Anh, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ và Italy là những quốc gia ghi nhận số ca mắc tăng cao hồi tuần trước. Các nước châu Âu bắt đầu sống chung với Covid-19 và dần dỡ bỏ các lệnh phong tỏa.
Tại Trung Quốc, chính phủ nước này cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero Covid-19, khi đại dịch bùng phát ở tỉnh Cát Lâm và thành phố Thâm Quyến.
Nhân viên y tế ở Thâm Quyến lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: China Daily. |
"Chúng ta phải luôn luôn đặt mạng sống và người dân lên hàng đầu, kiên trì tuân thủ khoa học, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sớm nhất có thể", AFP dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết.
Ít nhất 13 thành phố trên toàn Trung Quốc đã bị phong tỏa hoàn toàn vào ngày 15/3, trong khi nhiều thành phố khác bị đóng cửa một phần.
Đặc khu Hong Kong hứng chịu làn sóng Covid-19 nặng nề sau hai năm có thành tích chống dịch hiệu quả. Đầu tháng 3, giới chức Hong Kong có thời điểm ghi nhận hơn 50.000 ca mắc trong một ngày.
Hong Kong chỉ có khoảng 33.000 ca mắc hồi đầu tháng 2, đến nay con số này là hơn 1 triệu ca, với 5,401 người tử vong, theo Worldometer.