Thị trường chứng khoán trong nước trong ngày đầu tuần 11/1 nối dài chuỗi tăng điểm sang phiên thứ 7 liên tiếp. VN-Index hôm nay tăng 17 điểm (1,5%) lên mốc 1.185 điểm. Chứng khoán trong nước đang ngày càng tiến gần mốc đỉnh lịch sử 1.204 điểm của năm 2018.
Hiện tượng khó khớp lệnh tiếp tục diễn ra trong phiên chiều sau một tuần áp dụng đơn vị giao dịch lô chẵn mới là 100 cổ phiếu/lệnh. Từ thời điểm 13h45, thanh khoản thị trường gần như đi ngang.
Dòng tiền đổ vào chứng khoán tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới khi giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 16.407 tỷ đồng. Thanh khoản bao gồm cả giao dịch thỏa thuận lên tới 18.540 tỷ.
Trong phiên 11/1, dòng tiền có sự dịch chuyển. Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi liên tục tăng mạnh trong tuần đầu năm 2021 hôm nay điều chỉnh nhẹ. Trong 5 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index có tới 4 mã ngân hàng gồm TCB (Techcombank), VCB (Vietcombank), BID (BIDV), VPB (VPBank).
Ngược lại đà tăng của nhóm cổ phiếu Vingroup là lực đỡ quan trọng với sắc xanh của thị trường chung hôm nay. VHM (Vinhomes) tăng trần trong khi VIC (Vingroup) và VRE (Vincom Retail) cũng tăng 2-5%. Hai cổ phiếu còn lại trong top 5 tác động tích cực nhất lên VN-Index là VNM (Vinamilk) và BCM (Becamex) với mức tăng 4-7%.
Các cổ phiếu dẫn dắt thị trường phiên 11/1. Ảnh: VNDS. |
Dẫn đầu về thanh khoản hôm nay là STB (Sacombank) với 33,5 triệu đơn vị khớp lệnh. Đây đồng thời là cổ phiếu ngân hàng giao dịch tích cực nhất phiên 11/1 với mức tăng 4%.
Mặc cho thị trường tiếp tục tăng mạnh, khối ngoại vẫn duy trì vị thế bán ròng của mình. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 339 tỷ đồng trong phiên đầu tuần trên cả 3 sàn. Trong đó, 3 cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh nhất là LPB (LienVietPostBank) - 212 tỷ, HPG (Hòa Phát) - 185 tỷ, VND (VNDirect) - 124 tỷ.
“Thị trường đang băng băng tiến về ngưỡng lịch sử với quán tính tăng ngày càng mạnh mẽ bất chấp nhóm cổ phiếu ngân hàng hạ nhiệt. Nhà đầu tư cũng không mấy bận tâm đến các ngưỡng lịch sử bởi dòng tiền luôn chầu trực để được tham gia”, MBS nhận định sau phiên 11/1.
Công ty chứng khoán này đánh giá việc thị trường vượt đỉnh cao 1.200 điểm không còn nhiều ý nghĩa lúc này. Thống kê cho thấy trên sàn HoSE, có tới 63% số cổ phiếu đã vượt đỉnh lịch sử, chủ yếu tập trung ở nhóm vốn hóa vừa (midcap) và nhỏ (smallcap) với tỷ lệ hơn 60%. Tỷ lệ tương tự trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ VN30 thấp hơn, ở ngưỡng 44%.
BOS cũng cho biết VN-Index có cơ hội hướng đến vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm khi các chỉ báo kỹ thuật đang đi lên tích cực, động lực tăng điểm đang rất mạnh. Tuy nhiên, rủi ro rung lắc, điều chỉnh mạnh cũng sẽ tăng cao khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự này, đặc biệt là khi trạng thái quá mua đang lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu.