Thị trường chứng khoán trong nước có diễn biến tiêu cực trong tháng 9 với nhiều phiên lao dốc dữ dội, gần như xóa sạch thành quả hồi phục trong 2 tháng trước đó và tiếp tục dò đáy mới trước nỗi lo suy thoái toàn cầu.
Trong quá khứ, VN-Index từng có 14 lần tăng điểm trong tháng 9, xác suất tăng điểm lên đến 70% khiến nhiều nhà đầu tư mơ mộng về đợt tăng giá mới nhưng những gì diễn ra lại gây nhiều thất vọng.
VN-Index khép lại tháng 9 bằng một phiên giao dịch đầy kịch tính. Chỉ số lớn nhất thị trường chứng khoán có thời điểm mất mốc hỗ trợ cứng 1.100 điểm nhưng rồi đảo chiều ngoạn mục về lại sắc xanh. Tuy vậy, điều này cũng không làm thay đổi xu hướng đi xuống của thị trường.
Đà giảm trong tháng 9 xóa sạch thành quả hồi phục trong tháng 7-8. Đồ thị: TradingView. |
Chỉ số đại diện sàn HoSE đã giảm hơn 11,5% trong tháng, xuống còn 1.132,11 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 đến nay. Đây cũng là mức giảm mạnh thứ 3 từng ghi nhận vào các tháng 9, sau các đợt lao dốc tháng 9/2001 và 9/2008.
Mức giảm khốc liệt trên đã đưa chứng khoán Việt Nam rơi vào nhóm 8 thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9. Vốn hóa HoSE bị thổi bay hơn 588.000 tỷ đồng (xấp xỉ 25 tỷ USD) chỉ trong một tháng, về khoảng 4,5 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn hóa sàn HNX cũng lao dốc gần 40.000 tỷ về khoảng 297.600 tỷ đồng và thị trường UPCoM rơi hơn 110.000 tỷ đồng xuống quanh 1,1 triệu tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư Việt Nam đã mất tổng cộng hơn 738.200 tỷ đồng (khoảng 31 tỷ USD) trong một tháng.
Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường trong tháng 9 cũng đã hao hụt đáng kể so với tháng trước, một số phiên còn rơi xuống mức đáy chỉ khoảng 7.500 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Thanh khoản bình quân sàn HoSE ghi nhận đạt gần 13.400 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với tháng 8. Trong đó, giá trị khớp lệnh chưa đến 11.900 tỷ/phiên, mức thấp thứ hai kể từ đầu năm 2021 đến nay dù chu kỳ thanh toán đã được rút ngắn.
Chứng khoán Việt lọt top thị trường tệ nhất thế giới trong tháng 9. Nguồn: StockQ. |
Dòng tiền trên thị trường suy yếu không chỉ đến từ khối nhà đầu tư cá nhân trong nước lo ngại về môi trường lãi suất cao mà còn bị tác động xấu bởi yếu tố bán ròng của khối ngoại và tự doanh công ty chứng khoán.
Nhà đầu tư nước ngoài tham gia đợt rút ròng lớn khi đã bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên HoSE, đây là sự đảo chiều đột biến bởi 8 tháng trước đó khối ngoại vẫn đang mua ròng 2.500 tỷ đồng. Áp lực trên các thị trường quốc tế được cho là nguyên nhân khối ngoại rút ròng tại các thị trường mới nổi.
Diễn biến tương tự khi khối tự doanh cũng quay ngược bán ròng gần 350 tỷ đồng trong tháng 9, điều này đã làm thu hẹp đáng kể quy mô mua giao dịch ròng lũy kế từ đầu năm chỉ còn 1.400 tỷ đồng.
Trái ngược với thị trường cơ sở thì chứng khoán phái sinh lại hút dòng tiền "nóng". Khối lượng giao dịch đạt hơn 5 triệu hợp đồng với giá trị 634 tỷ đồng. Khối lượng bình quân tăng gần 30% lên 254.000 hợp đồng/phiên.