Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán Việt Nam lên cao nhất kể từ khủng hoảng 2008

Ngày 4/7, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến phiên tăng điểm mạnh và thanh khoản đạt gần 4.000 tỷ đồng. VN-index lên 647,96 điểm, cao nhất kể từ 2008 trở lại đây.

Cổ phiếu chứng khoán tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay Ảnh: Phương Diệp

Hầu hết các mã chứng khoán có vốn hóa lớn đều tăng mạnh ngay khi mở cửa thị trường. Như VNM tăng 1,4%, BVH tăng 0,8%, FPT tăng 1,4%, GMD tăng 3%... Đặc biệt là cổ phiếu VCB của Vietcombank tăng  1.700 đồng lên 49.200 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 3,6% khi chuyển nhượng đạt 1,2 triệu cổ phiếu, đã kéo theo dòng tiền chảy mạnh vào thị trường.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán hôm nay cũng chứng kiến đà tăng rất mạnh. Các cổ phiếu tăng kịch trần như HCM, VND, SSI, SHS, VIX, thậm chí một số cổ phiếu còn không còn dư bán. Các cổ phiếu khác như BVS, CTS,…cũng tăng khá tốt.

Kết thúc phiên, chỉ số VN-index tăng 7,66 điểm, tương đương 1,3% để cán mốc 647,96 điểm, đây là mức cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2008 trở lại đây. Thanh khoản đạt 3.192 tỷ đồng, tương đương với 137 triệu cổ phiếu được sang tay.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-index dè dặt hơn khi đóng cửa ở mốc 85,8 điểm với mức tăng 0,66 điểm. Thanh khoản đạt gần 59 triệu cổ phiếu, tương đương với 723 tỷ đồng. Việc HNX-index tăng nhẹ chủ yếu đến từ sức ép của cổ phiếu ACB, khi cổ phiếu ngân hàng này giảm 2,6%.

Thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực, như chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6/2016 tiếp tục đứng ở mốc 52,6 điểm cho thấy ngành sản xuất tiếp tục có tăng trưởng. Thông tư 203 hướng dẫn giao dịch chứng khoán chính thức có hiệu lực giúp cải thiện thanh khoản trên thị trường, đặc biệt là một số công ty chứng khoán cho phép nhà đầu tư đặt lệnh mua/bán đồng thời một mã chứng khoán từ 1/7, là những lý do khiến chứng khoán có phiên giao dịch hứng khởi.

Ngoài ra, những dự báo về kết quả kinh doanh khả quan của các công ty chứng khoán trong quý II/2016 cũng khiến nhà đầu tư phản ứng tích cực.

Nhận định về xu hướng thị trường, Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng tăng khi chứng khoán thế giới đã hồi phục để lấy lại những gì đã mất trước sự kiện Brexit. Công ty này dự báo chỉ số VN-index sẽ đạt mốc 700 điểm vào cuối năm nay.

Một thông tin đáng chú ý trong ngày hôm nay, là theo cập nhật của Forbes thì tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup đã lên tới 2,2 tỷ đôla, tương đương với khoảng 49.200 tỷ đồng.

Tính từ tháng 3/2016 đến nay, tài sản của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng từ mốc 1,76 tỷ USD lên 2,2 tỷ USD, tương đương mức tăng thêm từ 400 triệu USD. Điều này cũng giúp ông Vượng tăng 108 bậc để xếp thứ 903 trong top những người giàu nhất thế giới.

Tài sản của ông Vượng tăng đến từ việc cổ phiếu VIC do ông và gia đình nắm giữ đã tăng thêm 10.300 đồng, tương ứng tăng 25% so với đầu năm, lên mức 51.500 đồng,  mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết của Tập đoàn Vingroup.

Hiện tại, ông Vượng là cổ đông lớn nhất của VinGroup, khi nắm giữ 591 triệu cổ phiếu VIC, tương đương tỷ lệ sở hữu 27,45% cổ phần. Tính theo giá đóng cửa của VIC ngày 1/7 là 51.000đ/cp thì số cổ phiếu vị tỷ phú này nắm giữ có trị giá lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,34 tỷ USD).

Bà Phạm Thu Hương, vợ ông Phạm Nhật Vượng, hiện nắm giữ 4,73% cổ phần, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá gần 5.200 tỷ đồng. Bà Phạm Thuý Hằng - em gái của bà Hương, hiện đang nắm giữ 68 triệu cổ phiếu VIC, tương đương với trị giá gần 3.500 tỷ đồng

Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm