Đó là một trong các mục tiêu tổng quát về phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu trong tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp – Kênh đầu tư sinh lời và tích sản” ngày 18/11.
Thêm nữa, mục tiêu phát triển thị tường trái phiếu đạt 47% vào 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng chứng khoán phái sinh 20-30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo tổ chức lại các sở giao dịch theo mô hình mẹ con; đồng bộ hệ thống công nghệ, đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trước 2025; trở thành 1 trong 4 thị trường chứng khoán lớn của ASEAN.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu sáng 18/11. Ảnh: Dũng Minh |
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, CEO VNDirect đánh giá cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam đã bền vững hơn rất nhiều. Kênh thị trường cổ phiếu, trái phiếu giúp doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn, giảm phụ thuộc vào kênh ngân hàng.
“Tiềm năng thị trường còn rất lớn, mới chỉ có hơn 1% dân số thực sự có giao dịch mà quy mô thanh khoản đã hơn tỷ USD. Tôi hoàn toàn đồng tình TTCK đang bước vào giai đoạn phát triển chiều sâu, phải nâng về chất để thị trường phát triển bền vững”, lãnh đạo VNDirect chia sẻ.
Ông Vũ Đức Tiến, tổng giám đốc SHS cho biết trước đây các doanh nghiệp không dám tăng vốn vì sợ không thành công. Tuy nhiên từ đầu năm 2021 khi thị trường lớn mạnh, doanh nghiệp đã mạnh dạn hơn để huy động vốn, các cuộc đấu giá với mức cao hơn khởi điểm là minh chứng cho thành công của việc huy động qua kênh chứng khoán.
Theo ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc nghiên cứu HSC, quy mô vốn hóa của Việt Nam hiện còn khiêm tốn với chỉ hơn 240 tỷ USD, tương ứng 65% GDP theo cách tính mới. Trong khi đó con số trung bình các nước trong khu vực quanh 100% GDP nên dư địa tăng trưởng của Việt Nam là hoàn toàn khả thi.
“Nhưng cũng có những tiềm ẩn rủi ro, như thanh khoản hiện nay liệu có bền vững không? Thanh khoản của HoSE đã vượt qua Singapore, thậm chí có một số phiên bằng cả thị trường Thái Lan. Trong khi quy mô GDP nước chỉ bằng 2/3 Thái Lan, nghĩa là có cái gì đó về mức độ nóng trong ngắn hạn” chuyên gia của HSC lo lắng.
Tuy nhiên về mặt dài hạn, nền tảng vĩ mô đang rất thuận lợi cho chứng khoán phát triển. Trong 5 - 10 năm tới, quy mô thị trường tài chính phần nào đó đuổi kịp các ngân hàng thương mại, ông Long tính toán hiện tổng tài sản của các công ty chứng khoán là 7% toàn hệ thống tài chính nên cần tăng lên hơn 10% trong giai đoạn tới.
Theo thống kê của Ủy ban chứng khoán đến ngày 30/9, tổng quy mô thị trường đã đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch và hơn 181 tỷ chứng khoán. Đây quả là con số ấn tượng so với vỏn vẹn 2 mã chứng khoán giao dịch những ngày đầu thị trường ra đời.
Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đã lên tới con số gần 4 triệu và thanh khoản luôn đạt ở mức cao trong vài năm trở lại đây. TTCK Việt Nam đang khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội với tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 đạt trên 37% GDP.