Sau chuỗi tăng giúp VN-Index liên tục lập đỉnh mới, thị trường chứng khoán bắt đầu chứng kiến lực bán chốt lời lan rộng ra bảng điện tử trong phiên 16/11.
Các đợt rung lắc mạnh đã xuất hiện nhiều hơn, tuy nhiên mỗi khi giảm sâu là dòng tiền đối ứng xuất hiện kịp thời để hấp thu lực bán. Dù vậy, pha đạp trụ cuối phiên khiến dòng tiền chưa thể hấp thụ hết đã khiến chỉ số chính giảm điểm.
Trên sàn giao dịch tại TP.HCM, sắc đỏ bao trùm ở cuối phiên giao dịch khi có 166 mã tăng, 298 mã giảm và 40 mã đứng giá. VN-Index đóng cửa giảm hơn 10 điểm (-0,69%) xuống 1.466,45 điểm.
Ngược lại sàn niêm yết quy mô nhỏ hơn HNX lại tăng mạnh gần 8 điểm (1,79%) lên 452,25 điểm. Phần đông cổ phiếu tại HNX có vốn hóa trung bình và nhỏ. Sàn giao dịch UPCoM-Index giảm nhẹ 0,26 điểm (-0,23%) xuống 111,48 điểm.
VN30 gây áp lực giảm điểm mạnh cho VN-Index phiên 16/11. Đồ thị: TradingView. |
Cổ phiếu vốn hóa lớn được xem là trụ cột của VN-Index bị "đạp" mạnh trong phần lớn phiên giao dịch. Đơn cử nhóm VN30 có đến 20/30 mã giảm điểm và chỉ có 7 mã tăng.
Trong đó HPG của Hòa Phát giảm 3% trong phiên là mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số; tiếp sau đó là các mã GVR, VHM, GAS, MSN, HDB, VCB, PLX, MWG cũng đều thuộc nhóm hàng đầu VN30.
Ở chiều ngược lại, lực đỡ lớn nhất là của cổ phiếu bảo biểm BVH (Tập đoàn Bảo Việt), kế đến là BCM của Becamex và HVN của Vietnam Airlines.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn thu hút dòng tiền chính, tuy nhiên áp lực chốt lời đã dâng cao khiến nhóm này cũng bị điều chỉnh và không còn là động lực tăng điểm cho thị trường như các phiên trước.
Dòng tiền vẫn có sự luân chuyển nhịp nhàng giữa các nhóm ngành cổ phiếu. Trong khi áp lực chốt lời xuất hiện ở nhóm bất động sản thì nhóm xây dựng, cảng biển và vận tải biển lại hút được dòng tiền tốt.
Nhóm cổ phiếu trụ giảm sâu tác động xấu đến thị trường chung ngày 16/1. Nguồn: VNDirect. |
Áp lực bán khiến thanh khoản thị trường giảm nhẹ, tổng giá trị khớp lệnh trong phiên hôm nay giảm 5% xuống 38.983 tỷ đồng. Trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 3% và đạt 31.795 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 200 tỷ đồng trên HoSE.
Việc thị trường điều chỉnh sau tăng nóng là điều thường xảy ra. Chứng khoán KBSV Việt Nam nhận định áp lực cung giá cao sẽ tiếp tục gây ra các nhịp rung lắc nhưng chỉ số đang có nhiều cơ hội tiếp cận vùng đích kỳ vọng kế tiếp trên 1490.
Hay như Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội còn tự tin hơn khi cho rằng VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến những mức đỉnh cao mới mà gần nhất là kháng cự tâm lý 1.500 điểm, tuy nhiên những phiên rung lắc có thể xảy ra trong quá trình này.