Phiên giao dịch đầu tuần (5/2), thị trường sụt giảm mạnh ngay từ khi mở cửa với áp lực bán gia tăng mạnh ở hầu hết cổ phiếu. Tâm điểm là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh, dẫn đến thị trường chìm trong sắc đỏ và đà giảm không ngừng được nới rộng.
Sang phiên giao dịch buổi chiều, áp lực bán diễn ra dồn dập hơn trên thị trường. Tâm lý bán bằng mọi giá diễn ra ở rất nhiều cổ phiếu. Hàng loạt cổ phiếu bluechips giảm sàn la liệt nhưng vẫn dư bán hàng chục nghìn đơn vị, như BVH, GAS, MSN, VIC, SSI, MSN, REE, HSG, PLX,…
Vn-Index giảm mạnh lần thứ 3 trong lịch sử
Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn và dư bán hàng chục nghìn đơn vị. |
Trong nhóm VN30 có tới 13 mã giảm sàn phiên hôm nay. Đáng chú ý, trong 15 cổ phiếu ngành ngân hàng thì có tới 5 cổ phiếu giảm sàn, như BID của BIDV, VCB của Vietcombank, CTG của Vietinbank, EIB của Eximbank, STB của Sacombank. Đà giảm từ các bluechips cũng lan rộng ra nhiều nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí, thép…và phần lớn các cổ phiếu đều giảm rất sâu.
Top 5 cổ phiếu gây tác động tiêu cực nhất tới VN-Index ngày hôm nay là VCB, GAS, MSN, VIC, VNM. Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index giảm 56,3 điểm và mất mốc 1.100 điểm, đứng ở 1.048 điểm, tương đương với mức giảm 5,1%.
Đây là mức giảm điểm mạnh thứ ba trong lịch sử giao dịch chứng khoán Việt Nam, sau phiên giao dịch ngày 24/8/2015 khi chỉ số VN-Index giảm 5,28% và phiên 8/5/2014 chỉ số VN-Index giảm 5,87%.
Trên sàn Hà Nội, HNX-index cũng giảm khá sâu với 5 điểm, xuống còn 118,9 điểm, tương ứng mức giảm là 4%.
Thống kê trên 3 sàn giao dịch cho thấy chỉ có 152 cổ phiếu tăng giá nhưng đến 571 cổ phiếu giảm giá, trong đó có 128 cổ phiếu giảm sàn hết biên độ. Dầu khí, ngân hàng, bất động sản và chứng khoán là 4 nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất. Thanh khoản toàn thị trường phiên này đạt 393 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị đạt 10.111 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 6.200 tỷ ở phiên cuối tuần trước.
Khối nội bình tĩnh gom cổ phiếu khỏe
Phiên giao dịch hôm nay đã khiến vốn hóa thị trường “bốc hơi” 161.000 tỷ đồng so với cuối phiên tuần trước (ngày 2/2). Như vậy, chỉ một phiên giao dịch hôm nay, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt đã bị thổi bay khoảng 8 tỷ USD. Hiện tại chưa có thông tin xấu gì được công bố, chỉ có tâm lý hoảng loạn lan rộng, kích hoạt lệnh bán tháo ồ ạt.
Một điều đáng chú ý là áp lực bán ồ ạt trong nước khiến thị trường lao dốc mạnh nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái mua ròng, với tổng giá trị trên 3 sàn hơn 110 tỷ đồng. Cổ phiếu VCG của Vinaconex được mua ròng mạnh nhất với khối lượng 1,53 triệu đơn vị, tương ứng 35,38 tỷ đồng.
VRE của Vincom Retail đạt 31,56 tỷ đồng, tương đương khối lượng 590.610 đơn vị. VNM của Vinamilk cũng được khối ngoại mua mạnh với 30,32 tỷ đồng tương đương 9148.690 đơn vị.
Theo một số chuyên gia chứng khoán, thị trường giảm điểm mạnh ngày hôm nay do đã tăng khá nóng ở thời gian vừa qua, cùng với đó là áp lực bán ở những tài khoản đã dùng đòn bẩy tài chính (call margin). Ngoài ra, thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh cũng là yếu tố gây bi quan cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng chứng khoán trong tháng 1 đã tăng quá mạnh, dần dần trở lên bất thường. Điều này sẽ khiến một cơn suy giảm mạnh hoàn toàn có khả năng xảy ra vào cuối quý I.
Chứng khoán toàn cầu kéo nhau đỏ sàn
Đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay là các sàn chứng khoán trải khắp từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á đều đồng loạt đỏ sàn với đợt bán tháo lớn nhất kể từ năm 2016 đến nay.
Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu giảm điểm phiên thứ sáu liên tiếp, theo sau là những động thái tương tự từ các sàn chứng khoán châu Á, nơi chỉ số Nikkei 225 giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng. Kospi của Hàn Quốc và Hang Seng của Hong Kong đều giảm ở mức hơn 1%.
Ba chỉ số nổi tiếng của Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch vừa qua. Đồ họa: CNBC. |
Cả hai chỉ số là Stoxx 600 của châu Âu và FTSE100 của Anh đều đã chạm mức thấp nhất trong 2 tháng trở lại đây. Chỉ số S&P 500 của Mỹ cũng tiếp tục giảm nhẹ 0,9%, dấu hiệu cho thấy đợt bán tháo đang hạ nhiệt.
Chỉ số Dow Jones của Mỹ cũng mất 665,75 điểm, tương ứng mức giảm 2,5% trong ngày, mức cao nhất kể từ tháng 9/2016. Chỉ số Nasdaq cũng giảm mạnh gần 2% trong phiên giao dịch vừa qua.
Đây là lần giảm điểm hàng loạt mạnh nhất của các sàn chứng khoán danh tiếng trên thế giới kể từ lần giảm mạnh sau thông tin tỷ phú Donald Trump bất ngờ chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ và nhậm chức Tổng thống.
Đợt giảm điểm này đến ngay sau khi các sàn chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ, đang có khởi đầu vô cùng thuận lợi cho năm 2018, khi đồng loạt tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2016 vì các tập đoàn lớn đều công bố các chỉ số rất tốt cho năm tài chính 2017.
Theo ông Jason Draho, chuyên gia từ UBS, đợt giảm điểm mạnh của các sàn đến từ xu hướng bán tháo khi thị trường thích nghi với tăng trưởng cao bất thường và điều chỉnh do lạm phát.
"Chúng tôi vẫn tư vấn cho khách hàng nên lựa chọn chứng khoán thay vì trái phiếu Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên thị trường có vẻ sẽ còn bất ổn khi đang phải thích nghi với môi trường tăng trưởng và lãi suất mới", ông Draho nhận định.