Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/11, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 423,78 điểm, tương đương 1,31%, lên 32.827 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng tăng lần lượt 36,25 điểm (0,96%) và 89,27 điểm (0,85%).
"Chứng khoán Mỹ tăng cao khi các nhà đầu tư Phố Wall chờ đợi kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ, vốn có thể chấm dứt 'làn sóng xanh' của Tổng thống Mỹ Joe Biden", ông Edward Moya - nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
"Cuộc bầu cử sẽ khiến thị trường rung chuyển", ông bình luận.
Chỉ số Dow Jones tăng hơn 400 điểm một ngày trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế
Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua nước rút trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ngày 8/11, cử tri Mỹ sẽ trực tiếp bỏ phiếu bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ và 35 trong 100 ghế thượng nghị sĩ của Quốc hội hai viện.
Một cuộc thăm dò được ABC News/Ipsos thực hiện vào tuần trước cho thấy 49% người Mỹ coi kinh tế hoặc lạm phát là vấn đề quan trọng nhất, quyết định lá phiếu của mình trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Điều đó giúp triển vọng của đảng Cộng hòa trở nên tươi sáng hơn.
"Nếu đảng Cộng hòa chiếm được Hạ viện, việc tăng thuế sẽ chết từ trong trứng nước", ông David Wagner - chuyên gia quản lý danh mục đầu tư của Aptus Capital Advisors - nhận định. Đó là tin tốt với các nhà đầu tư Phố Wall.
Dù đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện hay Thượng viện, các đề xuất của ông chủ Nhà Trắng sẽ khó được thông qua hơn.
Ngay cả khi đảng Cộng hòa giành được cả Hạ viện và Thượng viện, đà tăng trên thị trường sẽ không kéo dài lâu
Nhà phân tích cấp cao Edward Moya
Khả năng cao đảng Cộng hòa sẽ không thông qua thuế áp lên các doanh nghiệp dầu mỏ, và cũng không ủng hộ việc tăng thuế đối với giới nhà giàu.
Nhưng theo ông Moya, ngay cả khi đảng Cộng hòa giành được cả Hạ viện và Thượng viện, đà tăng trên thị trường sẽ không kéo dài lâu.
"Với một chính phủ bị chia rẽ, sẽ không có nhiều động thái được đưa ra để vực dậy nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái", ông giải thích.
"Một vấn đề khác cũng sẽ đè nặng lên thị trường là những cuộc tranh cãi về trần nợ", ông Moya nói thêm.
Một chính phủ chia rẽ sẽ tranh cãi nhiều hơn về vấn đề nợ trần. Lần gần nhất nợ trần trở thành vấn đề lớn trong Quốc hội Mỹ là ở nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Barack Obama.
Những tranh cãi về nợ trần khiến chứng khoán Mỹ mất xếp hạng tín nhiệm AAA từ Standard & Poor vào tháng 8/2011. Điều đó khiến thị trường chứng khoán bay hơi 5%.
“Chúng tôi sợ rằng một chính phủ chia rẽ sẽ dẫn tới những tranh cãi về nợ trần và nguy cơ đóng cửa chính phủ. Mỹ đã không phải đối mặt với tình huống này trong một thời gian khá dài”, ông Rob Dent - nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Nomura Securities International - bình luận.
Chờ đợi báo cáo lạm phát
Theo ông Moya, ngoài chứng khoán, thị trường tiền mã hóa cũng chịu ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử sẽ định hình nước Mỹ trong 2 năm tới. Bitcoin đang được coi như một tài sản rủi ro và có mối tương quan ngày càng tăng với chứng khoán.
Ngày 8/11, giá Bitcoin bất ngờ lao dốc gần 5% xuống 19.783 USD/đồng, mất mốc 20.000 USD/đồng. Nhưng theo ông Moya, nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ, giá của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới sẽ bật tăng.
Ngoài cuộc bầu cử giữa kỳ, các thị trường cũng đang nín thở chờ báo cáo lạm phát được công bố vào tuần này.
"Lạm phát có thể không giảm nhanh như một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mong đợi. Và điều đó có khả năng khiến lãi suất tăng cao trong thời gian dài", ông Moya bình luận.
Theo ông, thị trường tiền mã hóa có thể bật tăng nếu đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong lưỡng viện, nhưng nhanh chóng quay đầu giảm vì dữ liệu lạm phát.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.