Nối tiếp đà bán tháo cuối tuần trước, thị trường chứng khoán mở cửa phiên 23/8 không mấy tích cực khi VN-Index giảm gần 7 điểm. Lực cầu vẫn có nhưng áp lực bán lớn trên diện rộng khiến chỉ số rơi nhanh hơn về cuối phiên, có thời điểm mất hơn 21 điểm.
Tạm nghỉ giữa giờ giao dịch, VN-Index giảm hơn 18 điểm (1,36%) xuống mức 1.311 điểm. Sắc đỏ áp đảo khi có 282 mã giảm giá, trong khi chỉ có 98 mã tăng và 25 mã đứng giá.
Sắc đỏ trùm lên phần lớn các nhóm ngành. Nhóm ngân hàng tác động tiêu cực nhất lên chỉ số khi khi hầu hết giao dịch dưới mức tham chiếu và có 5/10 mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số, trong đó VCB của Vietcombank là lực cản lớn nhất khi giảm giá 2,4% trong phiên sáng.
Nhóm bất động sản đứng thứ hai về mức đóng góp giảm cho chỉ số khi hàng loạt mã có vốn hóa lớn như DXG, HDG, BCM, SCR, KDH...đều giảm sâu 2-5%. Thậm chí SSH của Sunshine Homes còn rơi 8,7% về 92.100 đồng/cổ phiếu sau chuỗi tăng nóng.
Diễn biến VN-Index phiên sáng 23/8. Đồ thị: TradingView. |
Ở chiều ngược lại cổ phiếu chứng khoán đang là nhóm gồng đỡ cho thị trường. Sắc tím xuất hiện dày đặc ở các mã vốn hóa trung bình, nhỏ như AGR, APG, EVS, VIG, VFS, DSC, BMS, WSS, TVS... Các mã vốn hóa lớn trong ngành cứng khoán cũng tăng giá 1-3%.
Nhóm cổ phiếu phân bón cũng gây ấn tượng khi tăng giá mạnh, dẫn đầu là DPM và DCM với mức tăng gần 2%, một số mã có thanh khoản thấp như BFC và DDV lại tăng mạnh 3-6%.
Một số mã riêng lẻ có diễn biến tích cực khác là NVL của Novaland tăng 1% trong phiên sáng để trở thành mã có đóng góp tích cực nhất vào chỉ số. Đóng góp tốt tiếp theo là CTG của VietinBank và VGC của Viglacera.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên đột biến cuối tuần trước những vẫn là mức cao trong một tháng gần đây. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 16.994 tỷ đồng, giảm 30%, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tương tự giảm 30% xuống 13.528 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng hơn 150 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Top 10 cổ phiếu có đóng góp tích cực/tiêu nhất nhất phiên sáng. Nguồn: VNDirect. |
Diễn biến này khá sát với dự báo của Chứng khoán Asean khi công ty này cho rằng VN-Index có thể chịu áp lực giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.320-1.325 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.310-1.315 điểm.
Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Yuanta Việt Nam thậm chí cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.300 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, nhưng thị trường có thể nhanh chóng hồi phục trở lại.
Đơn vị phân tích xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức tăng xuống trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu lại danh mục và đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức 55-60% danh mục. Các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán ra tại các nhịp giảm, ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu trong các nhịp tăng.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị thị trường đang mất thăng bằng nên nhà đầu tư tạm thời vẫn nên thận trọng và cân đối danh mục hợp lý, tránh dùng margin và ưu tiên những mã cổ phiếu đang có diễn biến tích cực.