Nên làm gì sau phiên bán tháo 2 tỷ USD? - Tài chính - Chứng khoán - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nên làm gì sau phiên bán tháo 2 tỷ USD?

Thị trường chứng khoán đang diễn biến khó lường, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá lại danh mục theo hướng tập trung các ngành hưởng lợi cuối năm.

Phiên giao dịch cuối tuần qua chứng kiến biến động lớn khi chỉ các số lao dốc mạnh, tâm lý bán tháo xuất hiện trên toàn thị trường. VN-Index có thời điểm mất hơn 57 điểm nhưng lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp chỉ số thu hẹp đà giảm còn 45 điểm, đây vẫn là mức giảm mạnh nhất trong hơn một tháng qua.

Sắc đỏ chiếm chủ đạo khi toàn sàn HoSE có 302 mã giảm điểm (9 mã giảm sàn), trong khi chỉ có 75 mã tăng giá và 31 mã đi ngang. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 lao dốc mạnh nhất khi giảm 3,63% và toàn bộ 30 cổ phiếu lớn nhất thị trường chìm trong sắc đỏ.

Diễn biến tương tự xuất hiện trên sàn HNX khi chỉ số đánh mất 8 điểm (2,31%) xuống mức 338 điểm, số mã giảm giá là 170 so với mã tăng chỉ có 72. Chỉ số sàn UPCoM cũng giảm hơn 2 điểm (2,12%) xuống còn gần 93 điểm.

Vốn hóa HoSE bốc hơi 7,5 tỷ USD

Tâm lý bán tháo và bắt đáy liên tục xuất hiện cũng giúp thanh khoản tăng lên mức kỷ lục lên đến 48.620 tỷ đồng (2,1 tỷ USD), cao gấp rưỡi so với phiên liền trước. Tại sàn HoSE, tổng giá trị giao dịch cũng tăng 50% lên mức 38.350 tỷ đồng; trong đó riêng giá trị khớp lệnh lần đầu tiên vượt 37.600 tỷ đồng.

Đây là phiên giao dịch có giá trị rất đột biến, bỏ xa mức cao vào đầu tháng 6 khi HoSE buộc phải dừng giao dịch và cũng vượt qua mốc kỷ lục cũ gần nhất 31.615 tỷ đồng được lập vào ngày 12/7, tương đương tăng hơn 21% (hơn 6.700 tỷ) so với kỷ lục cũ.

Chỉ số chứng khoán giảm sâu khiến vốn hóa toàn thị trường bị "thổi bay" hơn 208.000 tỷ đồng. Riêng vốn hóa sàn HoSE giảm mạnh nhất khi bị mất 171.000 tỷ đồng (khoảng 7,5 tỷ USD).

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở Mirae Asset Việt Nam - cho rằng đây là một phiên cực đại về áp lực tâm lý khi thông tin thắt chặt giãn cách được tung ra khắp các kênh thông tin. Do vậy hình thành nên một phiên giao dịch tâm lý bầy đàn thấy rõ, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân - vốn chiếm 80% lượng giao dịch – bị tác động rất lớn.

Dien bien VN-Index,  von hoa san HoSE,  bat day chung khoan anh 1

Nhóm tự doanh công ty chứng khoán là bên gom hàng trong phiên bán tháo. Nguồn: FIDT.

Thống kê từ công ty quản lý tài sản FIDT cho thấy nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài là bên bán chủ đạo. Trong khi người chớp thời cơ trong phiên sụt giảm mạnh như thường thấy là nhóm tự doanh.

Khó duy trì phiên 2 tỷ USD

Trao đổi với Zing, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - cho rằng các nhà đầu tư cũng như thị trường nói chung đang phản ứng thái quá với thông tin TP.HCM tăng cường các biện pháp chống dịch, thậm chí là bán tháo do tâm lý hoảng loạn.

Từ quan sát cá nhân, ông Phương nhận thấy lực mua cũng rất mạnh, đặc biệt là từ các tổ chức và các nhà đầu tư chốt lời trước đó cũng quay trở lại bắt đáy ngay lập tức. Điều này thấy rõ khi thị trường giảm sâu đến 57 điểm thì dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, dòng tiền lớn từ nhóm tổ chức chuyên nghiệp đã giúp cân bằng chỉ số và tránh hiện tượng bị bán sàn hàng loạt như thường xảy ra trước đây.

“Cuối phiên hầu hết mã không bị bán sàn, lệnh đối ứng liên tục giúp một số mã về quanh giá tham chiếu. Điều này cho thấy dòng tiền lớn đã tham gia để hãm đà rơi của thị trường”, chuyên gia KIS Việt Nam nhận xét.

Theo ông Phương, thị trường phiên cuối tuần đã phân hóa thành 2 nhóm nhà đầu tư, một luồng quan điểm lo sợ về thông tin giãn cách dẫn đến bán tháo, trong khi một số khác lại quan điểm việc này không quá nghiêm trọng nên đã nhân cơ hội nhanh tay bắt đáy.

Chuyên gia từ KIS Việt Nam tin rằng thị trường sẽ khó duy trì thanh khoản hơn 2 tỷ USD trong thời gian tới, phiên cuối tuần chủ yếu là do tâm lý hoảng loạn dẫn đến bán tháo trong khi bên mua lại có niềm tin giải ngân.

“Trong bối cảnh thị trường có nhiều thông tin tốt xấu đan xen liên tục, nhiều thông tin gây lo lắng và chưa nhiều thông tin tích cực thì thanh khoản 20.000-25.000 tỷ đồng tại HoSE cũng là mức chấp nhận được, khó kỳ vọng cao hơn nhiều.

Thanh khoản chung chỉ có thể tăng cao trở lại khi cả nước kiểm soát được đại dịch và các hoạt động trở lại bình thường thì độ rộng thị trường sẽ mở ra, giá trị giao dịch sẽ lớn hơn bởi sự tham gia nhiều hơn của các bên”, ông Phương nhận định.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng thanh khoản hơn 2 tỷ USD không phải dòng tiền mới đổ vào ồ ạt mà là tần suất giao dịch trong phiên thứ 6 tăng lên rõ rệt. Nói các khác là phần lớn nhà đầu tư đã thực hiện lướt sóng trong một phiên giảm mạnh để tạo ra kỷ lục thanh khoản.

“Do tần suất giao dịch tăng lên chứ không phải là lực tiền nội tại của thị trường. Vì vậy tôi tin rằng các giai đoạn tiếp theo thanh khoản sẽ xoay quanh 1 tỷ USD và tăng dần theo lượng nhà đầu tư mới và kỳ vọng yếu tố vĩ mô tích cực hơn”

Nên hành động ra sao?

Trước những biến động bất ngờ, ông Trương Hiền Phương khuyến nghị nhà đầu tư không nên quá hoảng loạn và giữ bình tĩnh, việc bán tháo sẽ làm mất hết khoản lợi nhuận đã tích lũy và thậm chí thua lỗ.

Ông cho rằng việc thắt chặt thêm Chỉ thị 16 sẽ giúp cho việc kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn. Với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì nên bình tĩnh, chờ đợi thị trường hồi phục trong một vài phiên tới.

Vốn hóa HoSE bốc hơi 7,5 tỷ USD trong phiên cuối tuần. Ảnh: Nam Khánh.
Dien bien VN-Index,  von hoa san HoSE,  bat day chung khoan anh 2
Dien bien VN-Index,  von hoa san HoSE,  bat day chung khoan anh 2

Vốn hóa HoSE bốc hơi 7,5 tỷ USD trong phiên cuối tuần. Ảnh: Nam Khánh.

Với nhà đầu tư đã lỡ bán cổ phiếu có thể cân nhắc mua lại như một hoạt động tái cấu trúc, bán những cổ phiếu chưa ưng ý để chọn lựa cổ phiếu có tiềm năng tăng tốt, chuyển dòng tiền đã bán được vào các cổ phiếu có giá tốt.

Với các nhà đầu tư có tiền mặt có thể xem xét giải ngân dần vào lúc thị trường điều chỉnh như cuối tuần qua, đây là cơ hội rất tốt cho những nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu tốt với mức giá hợp lý.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, việc gia tăng siết về giãn cách sẽ làm các hoạt động kinh tế sút giảm và ảnh hưởng tới cả nền kinh tế, từ đó làm cho PE forward (định giá theo thu nhập tương lai của thị trường) sẽ cao lên. Đây là một yếu tố làm gia tăng thêm lực bán tháo hôm thứ 6.

“Hiên tại thị trường vẫn trông chờ vào vấn đề khi nào đợt dịch lần thứ 4 được kiểm soát và xã hội quay trở lại bình thường. Với những biện pháp mạnh hơn thì xác suất TP.HCM và các tỉnh Nam bộ có thể cắt cơn bùng dịch vào 15/9 là khá cao. Vì vậy thị trường vẫn có triển vọng về phục hồi mạnh mẽ trong quý IV”, chuyên gia từ Mirae Asseet phân tích.

Do vậy ông khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân nên bình tĩnh, đánh giá lại danh mục theo hướng ngành sẽ phục hồi mạnh ở quý IV và hưởng lợi nhờ xuất khẩu hay các yếu tố nội tại vượt trội như tài chính lành mạnh, ngành hàng thiết yếu và đón đầu vốn đầu tư...

Bài liên quan

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm