VN-Index giảm mạnh gần 10 điểm. Ảnh: Nam Khánh. |
Thị trường chứng khoán tiếp tục có một phiên giao dịch ngụp lặn dưới tham chiếu trong ngày 22/10. Trước áp lực bán tập trung ở nhiều bluechip, chỉ số VN-Index không có nhiều điều kiện để vực dậy.
Đà bán ra thậm chí tăng vọt vào cuối phiên chiều, có thời điểm kéo VN-Index giảm 14 điểm xuống sát mốc 1.265 điểm. Mức độ thiệt hại được thu hẹp cuối giờ giao dịch nhưng vẫn là mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua.
Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh giá vàng và tỷ giá USD/VND tăng trở lại thời gian gần đây. Riêng tỷ giá USD/VND đang ở mức 25.370 đồng/USD và đang hướng lên mức đỉnh cũ thiết lập vào quý II.
Theo ông Nguyễn Tiến Quảng, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Eduacation, khi đồng USD mạnh lên, nhà đầu tư thường có xu hướng dịch chuyển vốn vào các tài sản an toàn hơn như USD và vàng, đồng thời làm giảm sức hút của thị trường cổ phiếu.
Hơn nữa, đồng USD tăng giá có thể gây áp lực lên chi phí nhập khẩu nguyên liệu và tăng nợ vay nước ngoài của các doanh nghiệp niêm yết, tác động đáng kể đến lợi nhuận.
Đà tăng của USD không chỉ do yếu tố nội địa mà còn chịu ảnh hưởng từ tình hình quốc tế, đặc biệt khi dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan và những kỳ vọng xung quanh chính sách lãi suất của Fed.
Kết phiên 22/10, VN-Index giảm 9,88 điểm (-0,77%) xuống 1.269,89 điểm; HNX-Index giảm 1,92 điểm (-0,85%) xuống 225,5 điểm; UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,45%) xuống 91,73 điểm.
Áp lực từ nguồn cung đẩy giá trị giao dịch trên cả 3 sàn lên hơn 21.000 tỷ đồng, mức cao nhất từ đầu tháng.
Sắc đỏ lấn át bảng điện tử với 463 mã giảm (gồm 16 mã giảm sàn), 860 mã giữ tham chiếu và 280 mã tăng (gồm 24 mã tăng trần).
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp trong đó 23 mã giảm, 2 mã giữ tham chiếu và 5 mã tăng. Chỉ số đại diện rổ này lùi hơn 9 điểm xuống 1.348 điểm.
VN-Index đang bị áp lực bán ra đè nặng. Ảnh: TradingView. |
Nhóm rung lắc chỉ số hôm nay tiếp tục là tập hợp của các bluechip như GVR (-4,1%), BID (-1,8%), FPT (-1,8%), VCB (-0,7%), CTG (-1,4%), MSN (-1,6%), ACB (-1,6%), MBB (-1,2%), BCM (-2,3%) và VIB (-2,3%).
Chiều ngược lại, VHM (+0,9%), EIB (+3,9%), MWG (+0,8%), GMD (+3,3%), VCF (+6,8%), LGC (+3,3%), TCB (+0,2%), HNA (+4,9%), PDR (+1,5%) và PLX (+0,5%) đóng vai trò trụ đỡ chính cho thị trường.
Cổ phiếu VHM của Vinhomes có phiên tăng thứ 5 liên tiếp và đang được giao dịch quanh mốc cao nhất hơn 1 năm qua. Động lực của VHM duy trì ổn định trước thềm thương vụ lịch sử mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ dự kiến bắt đầu từ ngày mai (23/10) và kéo dài đến 22/11.
Khối ngoại giao dịch sôi động hơn trong hôm nay nhưng vẫn bán ròng 244 tỷ đồng, chủ yếu giảm tỷ trọng FUEVFVND (-100 tỷ đồng), KDH (-66 tỷ đồng), VRE (-47 tỷ đồng) và bổ sung thêm BVH (+59 tỷ đồng), MWG (+57 tỷ đồng), TCB (+55 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.