Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán giảm điểm phiên cuối năm

Tâm lý thận trọng tiếp tục kéo dòng tiền xuống mức thấp nhất hơn 2 năm, với tổng giá trị trên 3 sàn chỉ đạt hơn 8.600 tỷ đồng.

Phiên giao dịch chứng khoán cuối cùng của năm 2022 đã khép lại với sắc đỏ hiện diện trên các bảng điện tử. Tâm lý thận trọng ngày giao dịch trước kỳ nghỉ lễ tiếp tục làm nản lòng nhà đầu tư khi thanh khoản chạm đáy mới.

VN-Index khi mở cửa phiên 30/12 vẫn khá sáng sủa với việc duy trì được sắc xanh và kéo dài trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, áp lực bán bớt cổ phiếu đã đẩy chỉ số này ngược chiều trong những phút cuối.

Theo đó, chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên giảm 2,2 điểm (-0,22%) về 1.007,09 điểm, tức giảm gần 4% trong tháng 12 và giảm tổng cộng gần 33% trong năm nay.

Bộ chỉ số HNX-Index cũng khép lại phiên cuối cùng trong sắc đỏ với mức giảm 1,23 điểm (-0,6%) còn 205,31 điểm và đã mất gần 57% trong một năm. Trong khi UPCoM-Index tăng 1,07% lên 71,65 điểm nhưng đã giảm hơn 36% so với đầu năm.

chung khoan,  co phieu,  giam diem anh 1

Chỉ số VN-Index và VN30 trong phiên cuối năm. Bảng giá: VNDirect.

Cổ phiếu gây tác động tệ nhất phiên cuối năm là BID của BIDV khi giảm mạnh 3,5% về 38.600 đồng. Tiếp đến là SAB của Sabeco cũng mất 3,5% còn 166.900 đồng, VCB của Vietcombank giảm 0,9% về 80.000 đồng GAS của PV Gas giảm 1,1% xuống 101.500 đồng hay NVL của Novaland lao dốc 4,4% còn 14.000 đồng.

Tác động tích cực nhất lên chỉ số là BCM của Becamex khi tăng giá 1,8% đạt 80.600 đồng, PNJ bứt phá 4,5% lên 89.900 đồng, CTG của VietinBank tăng 0,9% đạt 27.250 đồng hay EIB của Eximbank có thêm 3,5% lên 27.950 đồng.

Giao dịch trên thị trường trở nên ảm đạm nhất kể từ cuối năm 2020 đến nay với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 8.631 tỷ đồng. Riêng thanh khoản sàn HoSE chiếm 7.423 tỷ đồng, giảm 10% so với hôm qua và là mức thấp nhất kể từ ngày 12/11/2020 đến nay.

Nhóm cổ phiếu ngành tài chính dù giao dịch sôi động nhất cũng đóng góp thanh khoản chưa đến 1.900 tỷ đồng, hay nhóm bất động chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong phiên cuối năm vẫn là HPG của Hòa Phát với chỉ gần 14,5 triệu cổ phiếu được sang tay (giá trị 262 tỷ đồng); tiếp đến có 14,4 triệu cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai hay 12,6 triệu cổ phiếu VND của VNDirect.

Phiên giao dịch cuối cùng vẫn ghi nhận có đến 58 mã chứng khoán tăng trần, đáng chú ý như IBC của Apax Holdings, PSH của NSHPetro, DRH của DRH Holdings, TTB của Tập đoàn Tiến Bộ... Trong khi đó cũng có 48 mã giảm kịch sàn như ADG của Clever Group, EVS của Chứng khoán Everest, SQC của Khoáng sàn Sài Gòn Quy Nhơn...

Thị trường cuối năm tiếp tục được sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại khi tiếp tục mua ròng 519 tỷ đồng trên các sàn. Đây đã là phiên mua ròng thứ 6 liên tiếp trở lại sau khi chỉ bị ngắt mạch một phiên của chuỗi 23 phiên mua ròng trước đó.

Vì sao tiền vào chứng khoán giảm mạnh?

Các chuyên gia cho rằng cung tiền tăng trưởng thấp kỷ lục, cùng hiệu ứng nhà đầu tư rút tiền trước Tết khiến thanh khoản thị trường đang rơi mạnh.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm