Bước vào phiên giao dịch buổi chiều ngày 28/3, trước thông tin cho rằng ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bị Cơ quan điều tra Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 26/3, thị trường chứng khoán trong nước đã phản ứng và lao dốc mạnh. Trong đó, chỉ số VN-Index có thời điểm giảm gần 25 điểm, xuống mức thấp nhất 1.473,8 điểm, dù đã ghi nhận dòng tiền bắt đáy gia nhập thị trường, nhưng đến 14h30, chỉ số chứng khoán này vẫn ghi nhận mức giảm hơn 16 điểm.
Cũng trên sàn HoSE, chỉ số VN30 mở đầu phiên chiều nay giảm gần 21 điểm, xuống dưới vùng 1.478 điểm. Hiện tại, chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn TP.HCM đang giao dịch ở mức 1.479,42 điểm, giảm gần 19 điểm so với cuối tuần trước. Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với chỉ số HNX-Index khi giao dịch ở mức 450 điểm vào đầu giờ chiều nay, tương đương mức giảm gần 11 điểm so với phiên liền trước.
Dòng tiền bắt đáy gia nhập thị trường chỉ giúp chỉ số chứng khoán lớn nhất sàn Hà Nội thu hẹp đà giảm xuống còn gần 7 điểm, hiện cố định ở mức gần 455 điểm.
Trong phiên chiều, với việc toàn bộ chỉ số chứng khoán trên thị trường đỏ lửa, hầu hết cổ phiếu nhóm ngành lớn đều giao dịch trong sắc đỏ. Ngoài nhóm cổ phiếu “họ FLC” bao gồm FLC (Tập đoàn FLC); AMD (Khoáng sản FLC); ROS (FLC Faros); HAI (Nông dược HAI); ART (Chứng khoán BOS); KLF (Thương mại và XNK CFS) giảm sàn, các cổ phiếu vốn hóa lớn trên cả HoSE và HNX cũng chịu xu hướng bán tháo và giảm mạnh.
Nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE chỉ có SAB (Sabeco) duy trì được sắc xanh với mức tăng 0,06%, trong khi 9/10 cổ phiếu còn lại giao dịch ở giá đỏ. Trong đó, BID (BIDV) giảm 4,26%; VNM (Vinamilk) giảm 2,39%; VHM (Vinhomes) giảm 1,32%; CTG (VieitnBank) giảm 1,24%; HPG (Hòa Phát) giảm 1,08%... Trong nhóm VN30, 24/30 cổ phiếu nhóm này cũng ghi nhận đà giảm mạnh phiên chiều, trong đó nhiều mã giảm trên 3% như POW (PV Power); SSI (Chứng khoán SSI); STB (Sacombank); GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam)…
Xét theo nhóm ngành, hầu hết nhóm ngành đóng góp tỷ trọng lớn vào vốn hóa thị trường đều bị bán mạnh phiên hôm nay, từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản cho tới sắt thép. Trong đó, nhóm ngân hàng chỉ có NVB (Ngân hàng Quốc Dân) và SGB (Saigonbank) giữ được sắc xanh, còn lại toàn bộ chìm trong giá đỏ. Nhiều cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh như KLB (Kienlongbank) giảm 5,61%; STB (Sacombank) giảm 5,35%; BID (BIDV) giảm 4,26%; SHB (Ngân hàng SHB) giảm 2,73%; HDB (HDBank) giảm 1,97%; VPB (VPBank) giảm 1,36%; CTG (VietinBank) giảm 1,24%...
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với nhóm cổ phiếu chứng khoán, SSI (Chứng khoán SSI); HCM (Chứng khoán TP.HCM); VND (Chứng khoán VNDirect); MBS (Chứng khoán MB); SHS (Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội) đều giảm trên dưới 3%.
Bất động sản là nhóm bị xả mạnh nhất phiên chiều nay với hàng loạt cổ phiếu không liên quan tới “họ FLC” cũng giảm sàn kịch biên độ, như HQC (Địa ốc Hoàng Quân); DIG (DIC Corp); NBB (Đầu tư Năm Bảy Bảy)… Ngoài ra, một loạt cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành bất động sản cũng giảm mạnh như VHM (Vinhomes) giảm 1,32%; NVL (Novaland) giảm 1,32%; KDH (Khang Điền) giảm 0,75%; DXG (Đất Xanh) giảm 1,72%; HDC (Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu) giảm 3,08%; NLG (Nam Long) giảm 4,43%; CII (Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM) giảm 6,24%...
Tính trên cả 3 sàn giao dịch (HoSE; HNX; UPCoM), chiều nay có tổng cộng 684 cổ phiếu giảm giá; 152 cổ phiếu giữ tham chiếu và 393 mã tăng giá.
Chỉ số VN-Index giao dịch ở vùng giá đỏ trong toàn bộ phiên đầu tuần 28/3. Nguồn: Tradingview. |
Mở cửa phiên sáng, nhóm cổ phiếu FLC Group là tâm điểm giao dịch trên thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần 28/3. Hàng loạt mã thuộc nhóm này đều bị bán tháo, lao dốc.
Tính đến 10h15, cổ phiếu FLC bị bán tháo tại giá 13.600 đồng. Khối lượng khớp chỉ gần 3,7 triệu đơn vị và lượng dư bán sàn khủng hơn 62,6 triệu đơn vị khác.
Tương tự khi FLC Faros (ROS) lao về giá sàn 8.770 đồng với hơn 56,2 triệu cổ phiếu đang chất bán sàn. Cổ phiếu Nông dược H.A.I (HAI) rơi về 6.320 đồng với 7,4 triệu bán sàn.
Cổ phiếu AMD của Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone bị bán sàn tại 6.650 đồng hay ART của Chứng khoán BOS giảm về 10.300 đồng. KLF của Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS rơi về 6.400 đồng. Hiện chỉ có GAB chưa có giao dịch.
Nhóm cổ phiếu có liên quan đến chủ tịch FLC lao dốc trong bối cảnh nhóm này liên tiếp bị phạt hành chính trên thị trường chứng khoán, cùng đó là thông tin tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân ông Trịnh Văn Quyết.
Cổ phiếu họ FLC nằm sàn la liệt. Bảng giá SSI. |
Tác động tiêu cực của nhóm FLC Group cũng gây áp lực lớn lên thị trường chung. VN-Index tạm dừng phiên sáng cũng lao dốc 13,94 điểm (-0,93%) về 1.484,56 điểm, do áp lực bán tháo tại phần lớn các nhóm ngành.
Sắc đỏ bao phủ phần lớn sàn HoSE khi có 325 mã giảm giá và 125 mã tăng, tức sắc đỏ gấp 2,6 lần sắc xanh. Sàn HNX có 171 mã giảm và 72 mã tăng. Nhóm vốn hóa lớn bị bán mạnh có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, riêng rổ VN30 mất 10,45 điểm (-0,7%) với 23/30 mã giảm giá. Trong đó tác động xấu nhất là BID giảm 3,5% về 41.950 đồng, tiếp đến VHM mất 1,3% hay MSN giảm 1,9%.
Khối ngoại trong phiên sáng giao dịch khá ảm đạm khi bán ra lượng cổ phiếu 544 tỷ và mua vào 594 tỷ, tương đương mua ròng khoảng 50 tỷ trên sàn HoSE. Khối ngoại san HNX mua ròng nhẹ 1 tỷ đồng phiên sáng.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng do hành vi bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1. Đồng thời cơ quan này phong tỏa tài khoản giao dịch chứng khoán của ông Quyết trong 5 tháng.
Ngay sau đó FLCHomes bị cơ quan Nhà nước phạt hành chính do hành vi công bố thông tin sai lệch đối với số liệu trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán, công bố thông tin không đúng thời hạn…
Gần nhất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính đối với FLC vì công bố thông tin không đúng quy định, sai lệch, không đầy đủ trong giai đoạn năm 2018-2021 và không đủ thành viên HĐQT… với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.